Nhiều ngân hàng quốc doanh hiện đã hạ lãi suất huy động các kỳ hạn ngắn về dưới 6% một năm.

Tại một phòng giao dịch của Ngân hàng Ngoại thương (Vietcombank) ở quận Cầu Giấy (Hà Nội), nhân viên cho biết từ đầu tuần này biểu lãi suất huy động giảm khoảng 0,1-0,3% so với trước. Lãi suất tiền gửi dưới một tháng còn 4,8% một năm, các kỳ hạn 2-9 tháng ở mức 5-5,7% một năm. Mức cao nhất là 6,8% cho kỳ hạn trên 24 tháng.

Trước đó, Vietcombank thường là đơn vị đi đầu cho các đợt giảm lãi suất tiết kiệm trước khi Ngân hàng Nhà nước công bố hạ trần lãi suất. Tuy nhiên, lần này nhiều nhà băng khác còn âm thầm hạ lãi suất trước Vietcombank.

Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BIDV) ngay từ tuần đầu tháng 8 đã giảm lãi suất tiền gửi một tháng về 4,5% một năm và dao động từ 5-6% cho những kỳ hạn còn lại dưới 6 tháng. "Việc hạ lãi suất căn cứ vào cân đối nguồn vốn cũng như kế hoạch của ngân hàng", đại diện BIDV cho biết. Tương tự, ở Ngân hàng Công Thương (Vietinbank), lãi suất thời gian gửi 1-6 tháng cũng chỉ là 5-5,75% một năm đối với khách hàng cá nhân.

Trong bối cảnh vốn huy động đang bị ứ đọng, nhiều nhà băng đã rục rịch giảm lãi suất. Ảnh: Anh Quân

Tại một số ngân hàng cổ phần, lãi suất huy động cũng có xu hướng giảm từ tuần trước. Ngân hàng Kỹ thương (Techcombank) đưa lãi suất huy động về dưới 6% một năm cho các kỳ hạn dưới 8 tháng, còn 5,5 đến 5,9% một năm, giảm 0,1 - 0,2% so với hồi tháng 7. Ngân hàng Á Châu (ACB) cũng lãi suất huy động tiền đồng xuống 5,3% mỗi năm đối với kỳ hạn 1-2 tháng; 5,4% ở kỳ hạn 3 tháng và 6% với kỳ hạn 6 tháng..., giảm 0,2% so với hồi đầu tháng.

Trao đổi với PV, một chuyên gia trong ngành tài chính ngân hàng, lãi suất tiết kiệm giảm những ngày qua là do nguồn vốn đang ứ đọng, trong khi sức ép giảm lãi suất cho vay ngày một lớn giúp hỗ trợ sản xuất kinh doanh. "Nền kinh tế chưa có dấu hiệu hồi phục rõ ràng, tổng cầu yếu, lạm phát 8 tháng đầu năm ở mức thấp nên việc hạ lãi suất đầu vào là đương nhiên để kéo giảm lãi suất cho vay", ông nhận định.

Số liệu của Ngân hàng Nhà nước cho thấy 7 tháng đầu năm, huy động vốn bằng tiền đồng tăng 7,92%, trong khi tăng trưởng tín dụng với toàn nền kinh tế mới đạt 3,68%.

Tuy nhiên, vị chuyên khẳng định lãi suất cho vay chưa giảm ngay do cần thời gian để cân đối giữa nguồn vốn cũ và mới. "Chỉ khi nguồn huy động lãi suất cao đã đáo hạn và nhà băng tất toán để chuyển sang kỳ hạn mới, lãi suất mới thì lúc đó lãi suất cho vay mới có thể điều chỉnh theo. Trước mắt, lãi suất đầu ra khó có thể giảm ngay", ông cho biết.

Cuối tháng 3, Ngân hàng Nhà nước giảm trần lãi suất từ 7% xuống 6% một năm. Trong báo cáo khảo sát tình hình hoạt động quý III, hầu hết nhà băng dự kiến lãi suất sẽ tiếp tục giảm nhẹ. Tính chung trong cả năm 2014, trên 70% tổ chức tín dụng dự báo mặt bằng lãi suất huy động và cho vay tiền đồng sẽ giảm từ 1,2-1,4% so với cuối năm 2013.

Huyền Thư (VnExpress)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.