Áp lực lạm phát tăng, nhu cầu tín dụng tăng cùng với biến động của tình hình tài chính thế giới sẽ khiến cho chính sách lãi suất của hệ thống ngân hàng tại VN khó đứng yên ở mức hiện nay.
Một số ngân hàng tăng nhẹ lãi suất huy động kỳ ngắn hạn. Ảnh: NGỌC THẮNG
Khó hạ lãi suất cho vay
Tại hội thảo “Kinh tế VN 2017” vừa diễn ra tại TP.HCM tuần qua, ông Nguyễn Tú Anh, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), nhìn nhận NHNN hiện đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức để thực hiện nhiệm vụ hạ lãi suất cho vay.
Nguyên ngân là có rất nhiều yếu tố tác động không thuận lợi lên mục tiêu lạm phát dưới 4%, như xu hướng giá hàng hóa thế giới tăng trở lại; tác động của lộ trình tăng giá thị trường đối với một số hàng hóa, dịch vụ quan trọng của cả nước; các tác động bất lợi của thời tiết, khí hậu… ảnh hưởng lên nguồn cung nhiều loại hàng hóa như lương thực thực phẩm…
Chỉ riêng hai tháng đầu năm nay, lạm phát đã tăng hơn 5% so với cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,7% cũng tạo sức ép lên lạm phát cơ bản. Bên cạnh đó, kinh tế toàn cầu tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường, rủi ro cao. Xu hướng USD lên giá và các nước nhiều khả năng vẫn tiếp tục thực hiện chính sách chủ động làm yếu đồng nội tệ sẽ gây ảnh hưởng đến tỷ giá và lạm phát trong nước.
“Tất cả điều này đặt ra yêu cầu cho NHNN là phải đảm bảo lạm phát, ổn định tỷ giá, lại còn đồng thời giảm lãi suất cho vay để thúc đẩy nền kinh tế. Do đó, hạ lãi suất cho vay là một nhiệm vụ thách thức và rất khó thực hiện”, ông Nguyễn Tú Anh nói.
Báo cáo tình hình kinh tế tháng 2.2017 của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cũng nhận định, xu hướng dài hạn của lạm phát bắt đầu theo hướng tăng rõ nét kể từ tháng 9.2016 đến nay. Xu hướng lạm phát dài hạn tại thời điểm tháng 2.2017 cao hơn khoảng 0,6 điểm % so với tháng 2.2016. Tổng hợp những yếu tố trên cho thấy lạm phát năm 2017 sẽ tiếp tục xu thế tăng và có thể tăng mạnh hơn năm 2016 nếu thành phần chu kỳ của lạm phát (đặc biệt là tăng giá dịch vụ công) không được kiểm soát chặt chẽ.
Không vội chốt gửi tiền kỳ hạn dài
Theo nhận định của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, trên thị trường, mặt bằng lãi suất huy động không có nhiều biến động so với tháng trước. Tuy nhiên, ở một số ngân hàng thương mại đã ghi nhận hiện tượng lãi suất huy động tiền đồng kỳ ngắn hạn tăng nhẹ từ 0,1 - 1,2% so với thời điểm trước Tết Nguyên đán, một phần do tác động của quy định tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn xuống mức 50% áp dụng kể từ đầu năm 2017 và nhu cầu cân đối nguồn trước tết.
Trong khi đó, lãi suất cho vay tiếp tục ổn định. Cụ thể trong tháng 2 vừa qua, mặt bằng lãi suất huy động bằng tiền đồng phổ biến ở mức 0,8 - 1%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 4,5 - 5,4%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 5,4 - 6,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn trên 12 tháng ở mức 6,4 - 7,2%/năm.
Theo chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu, năm nay NHNN sẽ khó kéo giảm lãi suất cho vay do nhiều áp lực. Hơn nữa, trường hợp nếu lãi suất để phát hành trái phiếu chính phủ cũng phải duy trì ở mức cao để có tiền chi tiêu thì các ngân hàng sẽ không thể giảm lãi suất huy động.
Đặc biệt, nếu trong thời gian tới, Mỹ tăng lãi suất USD cũng sẽ tạo căng thẳng cho tỷ giá USD/VND của VN. Khi đó, bắt buộc chênh lệch lãi suất giữa tiền đồng với USD phải khá lớn để các ngân hàng có thể duy trì được nguồn vốn huy động... “Vì vậy, người gửi tiền hiện nay đừng vội chốt theo kỳ hạn dài mà có thể lựa chọn kỳ hạn ngắn hoặc trung hạn, phù hợp với số tiền và mục tiêu của mình sẽ có lợi hơn trong trường hợp lãi suất gia tăng”, ông Nguyễn Trí Hiếu khuyên.
"Người gửi tiền hiện nay đừng vội chốt theo kỳ hạn dài mà có thể lựa chọn kỳ hạn ngắn hoặc trung hạn, phù hợp với số tiền và mục tiêu của mình sẽ có lợi hơn trong trường hợp lãi suất gia tăng".
Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu
Thảo Vy (Thanh niên)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.