28/03/2017 4:22 PM
Theo chuyên gia, Ngân hàng Nhà nước sẽ bằng mọi giá giữ cho lãi suất ít nhất là không tăng trên diện rộng.
Ảnh minh họa.
Trong thời gian gần đây, xuất hiện một số ngân hàng rục rịch tăng lãi suất huy động tiền đồng. Thậm chí, một số nhà băng còn phát hành chứng chỉ tiền gửi với lãi suất từ 8,2%-9,2%/năm cho các kỳ hạn từ 5 đến 7 năm.
Theo đánh giá của một số chuyên gia trong ngành, mục tiêu cơ bản của các ngân hàng trong việc tăng lãi suất là nhằm cơ cấu lại nguồn vốn của họ, đặc biệt là nguồn vốn trung và dài hạn, để một mặt phục vụ mục tiêu tăng trưởng tín dụng trung và dài hạn cũng như đáp ứng Thông tư 06.
Thanh khoản hệ thống đang khá căng thẳng!
Tuy vậy, theo ông Nguyễn Đức Hùng Linh, Giám đốc khối Phân tích Khách hàng cá nhân, công ty chứng khoán SSI, thì thì vấn đề lệch kỳ hạn không phải vấn đề quá lớn và không kéo dài và sẽ không đủ tạo sóng tăng lãi suất ngân hàng như tháng 3 vừa qua.
Chia sẻ tại buổi giao lưu trực tuyến “Đường đi của lãi suất năm 2017” do báo Tri Thức trẻ tổ chức, ông Linh cho rằng, có 3 nhân tố chính ảnh hưởng đến lãi suất là lạm phát, tỷ giá và thanh khoản ngân hàng.
Về lạm phát, 2 tháng đầu năm 2016 đạt 0,42%; trong khi đó 2 tháng đầu năm 2017 là 0,69%; lạm phát 2017 cao hơn do tăng giá xăng dầu. Với giá dầu giảm, giá lương thực thực phẩm ổn định, áp lực lạm phát không thực sự lớn.
Về tỷ giá, FED nâng lãi suất nhưng kể từ khi nâng lãi suất đồng USD lại mất giá Chỉ số Dollar Index đã giảm -1% kể từ ngày 15/3. Các đồng tiền lớn, kể cả CNY đều lên giá so với USD và VND, vì thế làm tăng lợi thế hàng hóa xuất khẩu của Việt nam.
Tuy nhiên tiềm ẩn rủi ro tỷ giá, theo ông Linh, là có do nhập siêu và lượng cung ngoại tệ giảm trong khi cầu tăng. 2 tháng 2017 nhập siêu 800 triệu USD (cùng kỳ xuất siêu 675 triệu USD). Kiều hối về Việt nam giảm do lãi suất tại Mỹ tăng nhanh trong khi Việt Nam duy trì lãi suất USD 0%. Nhà máy lọc dầu Dung Quất dự định đóng cửa sửa chữa, làm tăng nhu cầu USD để nhập khẩu xăng dầu thảnh phẩm.
Về thanh khoản ngân hàng, đại diện SSI cho rằng, thanh khoản ngân hàng trong tháng 3 khá căng thẳng, thể hiện ở lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm ngày 22/3 tăng lên 4,87% (tháng 3 năm 2016 cao nhất là 4,5%, cuối tháng 2/2017 là 3,25%), nhu cầu vay OMO xuất hiện sớm, dư nợ hiện tại là 25,7 nghìn tỷ.
Các NHTM cũng đặt kỳ vọng lãi suất tăng, thể hiện ở mức lãi suất đấu thầu trái phiếu chính phủ kỳ hạn 5 năm tuần 24/3 là 5%-5,6% trong khi vào tuần 24/2 thấp hơn: 4,85%-5,5%.
Thanh khoản giảm khiến nhu cầu đấu thầu TPCP cũng giảm, tuần 24/2 có 3,9 nghìn tỷ đặt thầu TPCP 5 năm, tuần 24/3 chỉ còn 2,5 nghìn tỷ.
Theo đó, ông Linh cho rằng, thanh khoản căng là một nguyên nhân chính khiến lãi suất huy động tăng.
Bên cạnh nguyên nhân này còn có thêm 1 nguyên nhân phụ, đó là việc giảm tỷ lệ cho vay dài hạn bằng nguồn vốn ngắn hạn từ 60% xuống 50%, áp dụng từ 1/1/2017.
Tuy nhiên nếu nhìn tổng thể thì tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay dài hạn vào cuối năm 2016 của toàn hệ thống chỉ là 34,5%, trong đó khối NHTMCP có tỷ lệ cao hơn trung bình cũng chỉ là 39%. Việc sử dụng chứng chỉ tiền gửi huy động kỳ hạn dài vỡi lãi suất cao vì vậy sẽ chỉ giới hạn ở quy mô nhỏ, tập trung ở những ngân hàng cổ phần có chưa đảm bảo được tỷ lệ này.
Theo đó, chuyên gia này cho rằng, việc lãi suất tăng trong thời gian qua có thể chỉ là ngắn hạn và kỳ vọng trong thời gian tới sẽ ổn định trở lại.
“NHNN sẽ làm mọi giá để lãi suất không tăng trên diện rộng”
Theo nhận định của TS. Nguyễn Đức Độ, Phó viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính, nếu như nguyên nhân chính khiến các ngân hàng tăng lãi suất vừa qua là do tình trạng mất cân đối về kỳ hạn giữa tiền gửi và tiền cho vay, thì tình hình có lẽ chưa quá nghiêm trọng vì khi các ngân hàng đáp ứng được yêu cầu về tỷ lệ vốn ngắn hạn được phép cho vay dài hạn, họ sẽ ngừng tăng lãi suất.
Tuy nhiên, nếu nguyên nhân dẫn đến tăng lãi suất là do thiếu tiền tiết kiệm về tổng thể trong nền kinh tế, thì mọi thứ lại khác. Huy động vốn trong năm 2016 đã tăng quá nhanh, đạt đến 18,38% và cao hơn nhiều mức 13,59% của năm 2015.
Nếu so với tốc độ tăng thu nhập của cả nền kinh tế, được đo bằng mức tăng trưởng GDP danh nghĩa là 7,3% trong năm 2016, có thể thấy rằng trong năm 2016 người gửi tiền tiết kiệm đã phần nào ứng trước tiền gửi của năm 2017 và vì vậy huy động vốn trong năm 2017 khả năng sẽ gặp nhiều khó khăn hơn so với năm 2016.
Nhưng mặt khác, nền kinh tế hiện nay không được mạnh khi tốc độ tăng sản lượng công nghiệp trong 2 tháng đầu năm chỉ ở mức 2,4%, mức thấp trong lịch sử. Vì vậy, nhu cầu về vốn trong năm nay khả năng sẽ không cao.
Năm nay, Chính phủ dự định chỉ bội chi ngân sách 178,3 nghìn tỷ, thấp hơn mức 254 nghìn tỷ năm 2016. Hơn nữa, các khoản vay đảo nợ cũng bắt đầu giảm khi kỳ hạn vay dài hơn. Đây là những yếu tố có tác động giảm sức ép lên lãi suất.
Theo chuyên gia, dù có hay không có thêm sức ép, thì lãi suất tại Việt Nam hiện nay đã ở mức cao và tác động tiêu cực đến nền kinh tế.
Lãi suất thực của Việt Nam tương đối cao, tính toán của WB cho lãi vay thực năm 2015 cỡ 7,3%, năm 1996 là năm cao nhất trong 10 năm trở lại là 10,49%, năm 1997 trước suy thoái là 7,3%... lãi suất này tác đọng tiêu cực với kinh tế.
Theo đó, TS. Độ cho rằng, NHNN sẽ bằng mọi giá giữ cho lãi suất ít nhất là không tăng trên diện rộng. Nhưng làm thế nào vẫn là câu chuyện tương đối dài nhưng nhiệm vụ sẽ là giữ cho lãi suất không tăng.
Linh Linh (Bizlive)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.