11/08/2015 4:56 PM
Nguồn vốn ngân hàng vẫn được cho là “dư thừa”, tín dụng tăng trưởng cao trong năm 2015, song, lãi suất cho vay lại có xu hướng tăng lên. Điều này đang đi ngược lại yêu cầu của Chính phủ là giảm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp bớt gánh nặng lãi vay!

Tổng hợp báo cáo tài chính nửa đầu năm 2015 cho thấy, tốc độ huy động vốn của nhiều ngân hàng cao hơn hẳn tăng trưởng tín dụng. Có ngân hàng huy động vốn tăng mạnh tới 45%, trong khi, mức tăng tín dụng cao nhất được ghi nhận chỉ khoảng hơn 9%.

Dư thừa vốn?

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến ngày 20/7, huy động vốn toàn hệ thống chỉ tăng 6,04%, vẫn thấp hơn mức tín dụng 7,32%. Nhiều ngân hàng đã cải thiện đáng kể tình hình cho vay và huy động vốn, nhờ đó, lợi nhuận tốt hơn.

Đơn cử, trong 6 tháng qua, Ngân hàng BIDV có tăng trưởng huy động vốn trên thị trường 1 là 33% so với cùng kỳ năm 2014 và tăng 11,2% so với đầu năm nay, đạt 574.000 tỷ đồng. Ở đầu ra, tín dụng cũng tăng mạnh tới 31% so với cùng kỳ năm trước và tăng 9,1% so với đầu năm, đạt mức 535.000 tỷ đồng. Chênh lệch vốn đầu vào - đầu ra lên tới gần 40.000 tỷ đồng cho thấy thanh khoản của BIDV rất dồi dào. Tín dụng tăng cao đã giúp BIDV tăng lợi nhuận tới 25%, đạt 3.016 tỷ đồng và giảm nợ xấu xuống mức gần 2%.

Hay tại Ngân hàng Vietcombank, huy động vốn 6 tháng qua tăng 7,67% so với cuối năm 2014 và tín dụng tăng 6,52%, cải thiện đáng kể so với cùng kỳ năm trước. Một số ngân hàng lớn khác như Sacombank, Eximbank, MaritimeBank, Techcombank, SHB… cũng có tốc độ tăng trưởng vốn hiện cao hơn tăng trưởng tín dụng và lợi nhuận tăng cao hơn trước.

Ở khối ngân hàng thương mại, sự cách biệt giữa vốn huy động và cho vay còn rõ nét hơn, như: NamABank có tốc độ huy động vốn tăng tới 45%, trong khi dư nợ tín dụng tăng 36%. KienLongBank có huy động vốn ở thị trường 1 tăng 19,81% và tín dụng cho vay tăng 7,89%, nhờ đó lợi nhuận trước thuế đạt 158 tỷ đồng…

Tín dụng ngân hàng tăng mạnh nhưng lãi suất cho vay không rẻ

Theo một nguyên lãnh đạo ngân hàng, trong nửa đầu năm 2015, đa phần các ngân hàng đã cải thiện đáng kể nguồn vốn huy động, thanh khoản dồi dào hơn. Thế nhưng, số chênh lệch giữa huy động và cho vay chỉ khoảng vài nghìn tỷ đồng ở các ngân hàng nhỏ, nhưng lên tới vài chục nghìn tỷ đồng ở ngân hàng lớn. Khi nguồn vốn dư thừa quá lớn lại tạo áp lực phải đẩy vốn ra để cân đối dòng tiền, tìm kiếm lợi nhuận.

“Vốn vẫn đang dư thừa ở các ngân hàng nên phải tìm kênh để cho vay, như tín dụng đổ vào các dự án bất động sản, giao thông... cũng tăng nhanh thời gian qua. Hiện giờ đã là giữa quý 3 nên các ngân hàng càng phải “chạy đua” hoàn thành các chỉ tiêu năm”- vị lãnh đạo này nói, chia sẻ áp lực cho vay ở lĩnh vực bất động sản, khi có tới vài ngân hàng cùng tham gia tài trợ vốn nên lãi suất rẻ sẽ là lợi thế. Dĩ nhiên, khi ngân hàng hào hứng cho vay thì doanh nghiệp sẽ có vốn để đầu tư, mở rộng sản xuất, từ đó có nguồn thu trả nợ lại cho ngân hàng, hạn chế nợ xấu.

Khó giảm lãi suất

Từ năm 2014 đến nay, mặt bằng lãi suất cho vay đã được điều chỉnh giảm mạnh, từ mức trên 20%/năm xuống còn khoảng 8-13%/năm ở thời điểm này. Tuy vậy, lãi vay thường giảm không tương xứng với tốc độ giảm lãi huy động. Chẳng hạn, lãi suất huy động vốn kỳ hạn dưới 6 tháng ở các ngân hàng lớn dao động quanh mức 4-4,5%/năm, hoặc 4,5-5,3%/năm ở ngân hàng nhỏ. Song, lãi suất cho vay cũng khoảng 10-13%/năm. Trừ trường hợp ngân hàng ưu đãi cho doanh nghiệp thì có thể giảm thêm 0,5-1% lãi suất.

Ở lĩnh vực cho vay mua nhà, hiện đang có một hình thức giảm lãi suất khác là ngân hàng bắt tay với chủ đầu tư dự án để hỗ trợ lãi vay cho người mua nhà. Mức lãi suất rẻ nhất thị trường hiện tại là 5,99%/năm duy trì cố định trong 12 tháng đầu tiên, sau đó lãi suất sẽ tính theo lãi suất huy động vốn trên 12 tháng cộng với biên độ 4-4,5%/năm, tương ứng lên tới 10-11%/năm.

Còn nhìn chung, các ngân hàng vẫn siết chặt cho vay mua nhà dự án, quy định mức lãi vay khá cao để hạn chế rủi ro nợ xấu của khách hàng.

Xét về hiệu quả cho vay, khi tín dụng tăng trưởng cao, các nhiều ngân hàng vẫn chậm cắt giảm lãi vay, mà duy trì chênh lệch lãi suất cao, khoảng 4-6%/năm so với lãi huy động để tối đa lợi nhuận, giúp trích dự phòng xử lý nợ xấu.

Một số chuyên gia cho rằng, hiện nay NHNN chưa muốn “ép” lãi suất giảm ngay vì tạo điều kiện cho ngân hàng thương mại có thêm nguồn xử lý nợ xấu, bổ sung vốn, bù đắp chi phí… Việc giảm lãi suất tiền đồng có thể ảnh hưởng tới tỷ giá USD/VND khi mà tỷ giá thực tế đã vượt xa tỷ giá danh nghĩa hiện tại. Tỷ giá vẫn đang “nhấp nhổm” tăng dù NHNN đã phải 2 lần điều chỉnh tăng tỷ giá tới 2% từ đầu năm 2015 đến nay.

Trong giai đoạn 2013-2015, nhiều ngân hàng đã tập trung đầu tư vào trái phiếu Chính phủ khi tín dụng bị siết chặt. Nhưng hiện nay, khi nhu cầu vốn của doanh nghiệp và Chính phủ tăng lên cùng với dự báo lạm phát năm 2015 tăng nhẹ, có thể kéo theo tăng lợi suất trái phiếu, dẫn tới đẩy lãi suất trong nước dâng cao hơn.

Chia sẻ áp lực cho vay, một lãnh đạo chi nhánh của KienLongBank than thở, trong nửa cuối năm 2015 tín dụng thường có xu hướng tăng cao hơn để phục vụ sản xuất, kinh doanh và theo đó, lãi suất sẽ “nhích” lên do thanh khoản căng thẳng hơn. “Các ngân hàng phải cạnh tranh giành khách hàng, cạnh tranh lãi suất rẻ. Ngân hàng xét duyệt mức lãi vay cho từng khách hàng trên cơ sở đánh giá năng lực tài chính, uy tín, rủi ro… nhưng rõ ràng, họ sẽ chọn chỗ nào cho vay rẻ hơn”.

Hải Hà (TBKD)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.