Ngay trước thềm cuộc họp sáng qua, một
loạt các ngân hàng công bố hưởng ứng chủ trương của Ngân hàng Nhà nước
về việc giảm lãi suất cho vay thỏa thuận tiền đồng về 17 - 19%/năm vào
giữa tháng 9 này. Ngân hàng Đầu tư và Phát triển VN (BIDV) đã công bố
áp dụng trần lãi suất cho vay VND mới với mức cao nhất không quá 19%/năm
dành cho nhóm khách hàng sản xuất. Trong khi đó, Tổng giám đốc Ngân
hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHB) Nguyễn Văn Lê cho biết, SHB cũng dành khoảng
4.200 tỷ đồng cho các khoản vay ngắn hạn với mục đích bổ sung vốn mua
nông sản, lương thực, thủy sản, sản xuất nông nghiệp, trồng trọt và chăn
nuôi… SHB đưa ra chương trình hỗ trợ đặc biệt cho các doanh nghiệp vừa
và nhỏ trên toàn hệ thống SHB, trên cơ sở nhu cầu vay vốn của doanh
nghiệp trên toàn hệ thống SHB, tạo điều kiện để cho các doanh nghiệp
tiếp cận vốn vay từ nay đến cuối năm.
Không
chỉ SHB, nhiều ngân hàng khác cũng cho biết đã thiết kế các chương
trình ưu đãi và sẽ triển khai rộng rãi từ vài ngày nay. Giám đốc chi
nhánh Ngân hàng Hàng hải Hà Nội Hoàng Trung Dũng cho biết, việc Ngân
hàng Nhà nước hủy bỏ giới hạn cấp tín dụng từ nguồn vốn huy động không
quá 80% đã giúp các ngân hàng linh hoạt trong việc sử dụng nguồn vốn huy
động để cho vay, tạo ra sự liên thông giữa các thị trường vốn. Trong
bối cảnh tổng phương tiện thanh toán trong năm 2011 bị khống chế ở mức
thấp, biện pháp này của Ngân hàng Nhà nước sẽ giúp làm tăng vòng quay
đồng tiền, giảm thiếu hụt thanh khoản, đồng thời giúp ngân hàng giảm chi
phí, giảm dần mặt bằng lãi suất cho vay. Đây được xem là động thái tháo
gỡ một trong những nút chặn an toàn đối với các ngân hàng bên cạnh
nhiều quy định bảo đảm an toàn như: tỷ lệ an toàn vốn, tỷ lệ dự phòng,
tỷ lệ cho vay phi sản xuất…
Trong vòng một tuần trở lại, lãi suất huy động trên thị trường đã bắt đầu giảm. Lãi suất huy động phổ biến hiện dao động quanh mức 16 - 16,5%/năm, giảm 1 - 2%/năm so với trước đây. Tuy vậy, việc hạ lãi suất nhanh trong thời gian này là rất khó, theo lý giải của Phó giáo sư tiến sĩ Nguyễn Thị Mùi, Thành viên hội đồng chính sách tiền tệ quốc gia, thực tế lãi suất cho vay vẫn chưa thể giảm nhiều được vì lãi suất huy động đầu vào của các ngân hàng vẫn đang cao. Chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước với xu hướng giảm lãi suất để hạn chế bớt khó khăn cho nền kinh tế trong bối cảnh là dư địa tín dụng của nền kinh tế những tháng cuối năm là còn khá, tăng cung tiền tệ 6 tháng cuối năm còn khá. Rõ ràng những động thái như vậy sẽ tạo điều kiện để hạ lãi suất trong những tháng tới. Việc hạ lãi suất ngay xuống 14 - 15% là còn khó khăn bởi còn phụ thuộc vào độ trễ chính sách và vào việc giảm lạm phát. Việc giảm lãi suất có thể, nhưng giảm với tốc độ như mong muốn thì rõ ràng phụ thuộc nhiều vào giảm lạm phát. Vì ngân hàng huy động vốn, không bảo toàn được vốn cho người gửi tiền thì ngân hàng cũng gặp khó khăn trong huy động vốn.
Theo một số chuyên gia tài chính, việc thực hiện giảm lãi suất có thể sẽ gặp phải một số khó khăn, ngoài ra những biến động khác trên thị trường như giá vàng, giá USD tăng cao… cũng có thể tác động khó đến việc điều tiết lãi suất. Trên bình diện đó, việc giảm lãi suất cho vay chỉ có thể thực hiện dần dần và phải mất một thời gian để đạt mức lãi suất 17% - 19% như mong muốn. Ngoài ra, từ nay đến cuối năm sẽ là mùa cao điểm của lạm phát, cao điểm nhu cầu thanh toán và cầu vốn, thanh khoản và lãi suất có thể lại chịu sức ép khiến định hướng giảm lãi suất hiện nay khó bền vững. Lý giải cho câu chuyện vì sao cho đến thời điểm này vẫn còn ngân hàng huy động mức lãi suất cao, theo Pgs Ts Nguyễn Thị Mùi, lãi suất cao thì khu vực bất động sản, chứng khoán chấp nhận được, thậm chí lãi suất 24 - 25%/năm cũng chấp nhận được, nhưng với mức lãi suất đó để sản xuất kinh doanh thì không thể chấp nhận được. Mặt khác, một số ngân hàng huy động hiện nay chủ yếu là nguồn vốn ngắn hạn, và không kỳ hạn. Khi mà các chỉ tiêu khác còn room, nhưng các ngân hàng vẫn không thể thờ ơ với thanh khoản của mình nên vẫn phải huy động một lượng vốn nhất định để đảm bảo tính thanh khoản vì ngân hàng cho vay ra đôi khi vượt quá lượng vốn đã huy động vì vậy rất cần thiết phải có một lượng tiền để khi cần thiết các ngân hàng còn giải quyết thanh khoản. Một số ngân hàng, trong đó có một số ngân hàng nhỏ, vẫn đang huy động với mức cao tùy theo số dư tiền gửi, 18 - 19%. Và nếu lúc này, nếu phát hiện ngân hàng phá rào tăng lãi suất huy động cao hơn mức 14%/năm, Ngân hàng Nhà nước phải xử lý nghiêm thì mới có thể thực hiện được việc giảm lãi suất cho vay về 17 - 19%/năm. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại phải cùng hợp tác để điều luồng tiền đi đúng địa chỉ.
Cách đây ít ngày, Thống đốc Nguyễn Văn Bình đã thông báo, hạ lãi suất không phải ý kiến chủ quan của những người làm chính sách mà đó là nhu cầu nội tại của nền kinh tế và của chính các ngân hàng thương mại… Ngân hàng Nhà nước sẽ điều hành để mặt bằng lãi suất giảm, nhưng vẫn trên bình diện là chống lạm phát. Tuy nhiên, cũng có những cảnh báo mà Ngân hàng Nhà nước cần phải lưu tâm đó là giảm lãi suất sẽ để lại những hệ quả nếu lãi suất không được xem xét một cách cẩn trọng. Cụ thể như giảm lãi suất, tức là bơm tiền vào nền kinh tế, từ đó sẽ khiến áp lực lạm phát sẽ quay trở lại. Hay câu chuyện lãi suất giảm sẽ gây sức ép cho mất giá của đồng nội tệ do chênh lệch lãi suất giữa nội tệ và ngoại tệ bị thu hẹp.