Cụ thể, cơ quan Ngân hàng Trung ương ghi nhận xu hướng giảm nhẹ ở lãi suất huy động tiền đồng so với tuần trước đó với diễn biến một số NHTM nhà nước như VietinBank và Vietcombank điều chỉnh giảm 0,1-0,5%/năm lãi suất huy động ở một số kỳ hạn dưới 12 tháng. Dù diễn biến giảm lãi suất khó lan sang các NHTM khác, đặc biệt ở các ngân hàng có quy mô nhỏ và tiềm lực vốn yếu, song động thái điều chỉnh trên khá bất ngờ và khiến nhiều nhà đầu tư kỳ vọng vào khả năng NHNN sẽ giảm trần lãi suất huy động.
Thực tế cho đến nay, theo phân tích của NHNN, mặt bằng lãi suất huy động bằng VND vẫn phổ biến ở mức 0,8-1%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng, 5-6%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn 1 tháng và có kỳ hạn dưới 6 tháng, 6-7,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng và kỳ hạn trên 12 tháng có lãi suất cao nhất 7,5-8,3%/năm.
Cùng với dấu hiệu lãi suất huy động trên thị trường dân cư giảm nhẹ, mặt bằng lãi suất vay mượn giữa các ngân hàng tuần qua trên thị trường liên ngân hàng cũng có xu hướng giảm mạnh ở nhiều kỳ hạn. Đáng chú ý, lãi suất bình quân kỳ hạn qua đêm (vốn có doanh số giao dịch lớn nhất) giảm tới 0,32%/năm so với tuần trước đó và về mức 1,76%/năm. Các kỳ hạn dưới 3 tháng còn lại cũng có dấu hiệu hạ nhiệt lãi suất và được giao dịch dao động trong khoảng 2,32-4,35%/năm, giảm 0,06-0,54%/năm so với tuần trước đó.
Được biết ở tuần này, doanh số giao dịch trên thị trường liên ngân hàng trong kỳ bằng VND đạt xấp xỉ 115.211 tỉ đồng và bằng USD quy đổi ra VND đạt 66.650 tỉ đồng. Các giao dịch VND vẫn chủ yếu tập trung vào kỳ hạn qua đêm (chiếm 41% tổng doanh số VND), 1 tuần (chiếm 27%) và 2 tuần (chiếm 15%). Đối với giao dịch USD, các kỳ hạn có doanh số lớn nhất bao gồm kỳ hạn, qua đêm, 1 tuần và 2 tuần với tỉ trọng lần lượt chiếm 58%, 16% và 8% tổng doanh số giao dịch bằng USD.