Ông Võ Trường Thành, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành (TTF) cho biết, hiện doanh nghiệp có khoảng 30% vốn ngắn hạn vay ngân hàng với lãi suất 15-18% một năm. 70% còn lại chịu lãi 12-15%.
“Ngân hàng nhỏ thường cho vay với lãi suất cao hơn nhà băng lớn”, ông Thành cho biết. So với năm ngoái, mức lãi suất như vậy đã thấp hơn. Tuy nhiên, ông cho rằng, trong ngắn hạn, lãi suất chỉ nên dao động 11-13% mới giúp tình hình kinh doanh khả quan.
Theo bà Nguyễn Thị Nhi, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần ống thép Việt Đức PIPE (VGS), hiện có 2 nhóm ngân hàng cho vay với 2 mức lãi suất khác nhau. Nhóm ngân hàng có vốn nhà nước, lãi suất dao động 12-13%. Còn ngân hàng cổ phần 100% vốn tư nhân trong khoảng 13-14%. Tuy nhiên, vay tiền từ nhóm ngân hàng có vốn nhà nước rất vất vả, trong khi đó, nhóm tư nhân thường linh hoạt hơn. Bà Nhi cho hay, hiện công ty phải chịu đựng mức lãi suất cao như nửa cuối năm ngoái, chứ không được điều chỉnh giảm. "Với tình hình kinh doanh hiện nay, lãi vay 10% là hợp lý nhất", bà nhìn nhận.
Doanh nghiệp còn gặp khó trong tiếp cận nguồn vốn. Ảnh: Hoàng Hà
Ông Lê Đình Vinh, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn FLC cũng cho biết, nhiều ngân hàng công bố cho vay với lãi suất 14%, nhưng đó chỉ là danh nghĩa. Sau khi cộng thêm một số chi phí, doanh nghiệp phải trả 17-18% một năm.
Tình hình nợ xấu tăng cao cũng là nguyên nhân khiến các ngân hàng kiểm soát chặt hoạt động cho vay, nhất là lĩnh vực bất động sản. Theo ông Vinh, nhiều doanh nghiệp vẫn còn các khoản nợ lớn, tài sản có thể thế chấp cạn kiệt. Muốn được vay tiếp, họ buộc phải có nguồn thế chấp mới. Nhưng chỉ những dự án có tính pháp lý đầy đủ, minh bạch, hiệu quả cao mới được ưu tiên giải ngân.
“Hiện nay, ngân hàng cho vay theo kiểu hợp tác ba bên. Họ sẽ không cho chủ đầu tư vay trực tiếp dự án mà cho vay gián tiếp qua khách hàng”, ông Vinh khẳng định. Điều này có nghĩa, khách hàng được ngân hàng cho vay tiền để mua nhà, còn chủ đầu tư có vốn gián tiếp từ khách hàng mua nhà. Việc thỏa thuận này được ký kết của ba bên: ngân hàng, khách hàng và chủ đầu tư.
Lãi vay là áp lực không nhỏ cho doanh nghiệp có nhu cầu vốn thời điểm này, bởi theo ông Vinh, những tháng đầu năm, thị trường bất động sản chưa thoát khỏi tình trạng đóng băng, giao dịch ảm đạm, khó tìm vốn trong kinh doanh.
Khó tiếp cận vốn ngân hàng, nhiều công ty xoay sở bằng nhiều cách khác nhau. Ông Nguyễn Văn Lực, Tổng giám đốc Công ty Thủy sản số 4 (TS4) cho biết, 2 năm nay rất khó khăn về nguồn vốn. Các tổ chức tín dụng luôn đòi hỏi phải có tài sản thế chấp, trong khi đó tài sản thế chấp của của công ty hiện nay đã hết.
Với nhu cầu vốn tăng cao, công ty phát hành cổ phiếu bán cho cổ đông chiến lược nhưng vẫn chưa giải quyết hết khó khăn. “Không thể chờ lâu, cuối cùng chúng tôi chọn cách huy động vốn từ chính các thành viên hội đồng quản trị, ban lãnh đạo. Ai có tài sản cá nhân đều mang ra cầm cố hết để vay thêm vốn”, ông Lực chia sẻ.
Hiện tại, Thủy sản số 4 đã giải quyết được 80% nhu cầu vốn, do đó nỗi lo thiếu vốn cũng không còn nặng nề như trước đây. Tuy nhiên, theo ông Lực, sắp tới rất có thể công ty lại phải thuyết phục thêm một số khách hàng thân quen cho nợ mua nguyên liệu đầu vào do vẫn thiếu hụt 20% vốn còn lại.
Trong khi đó, có đơn vị được ngân hàng chào mời cho vay lại từ chối vì lãi vay cao, hay khó tìm đầu ra cho sản phẩm. Tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư và phát triển SACOM (SAM), ông Đỗ Văn Trắc cho biết, hiện nay công ty chưa có nhu cầu vay vốn vì còn thăm dò tình hình thị trường, mặc dù được các ngân hàng chào đón nồng nhiệt.
Ông Trắc cho biết, những tháng đầu năm 2013, công ty sản xuất liên tục, một ngày 3 ca, đơn đặt hàng cáp quang đang rất tốt. Ông hy vọng năm nay mảng truyền hình cáp phát triển công ty sẽ có cơ hội phát triển hơn. Tùy tình hình sản xuất trong thời gian tới sẽ tính phương án vốn phù hợp.
Đánh giá về mức lãi suất vay của các doanh nghiệp, ông Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho biết, hiện nay doanh nghiệp đang vay ở nhiều mức lãi suất khác nhau, số ít được vay với lãi suất 11-13%, thậm chí có nơi phải trả 15-16%.
"Mức này nói chung là thấp hơn so với mọi năm, nhưng vẫn cao nếu so với khả năng sinh lời của doanh nghiệp. Tôi nghĩ chỉ nên 8-10% là hợp lý", ông Kiêm nói. Cũng theo ông Kiêm, hiên nay, lượng hàng tồn kho của các doanh nghiệp đã giảm, nhưng không phải là do doanh nghiệp bán được hàng hay làm ăn tốt, mà chủ yếu do bị thu hẹp quy mô và không có vốn để sản xuất.
"Giảm lãi vay và giảm thuế rất quan trọng trong lúc này để hỗ trợ các doanh nghiệp. Đồng thời, phải giải phóng nhanh tồn kho bất động sản mới cứu nổi doanh nghiệp", tiến sĩ Cao Sỹ Kiêm đề xuất.