30/05/2011 1:00 AM
Theo Giám đốc Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam Ayumi Konishi, cho rằng các doanh nghiệp cần có sự chuẩn bị bởi chu kỳ lãi suất cao rất có thể sẽ kéo dài thêm một khoảng thời gian nữa.


Ông Ayumi Konishi cho rằng, trong ngắn hạn, lãi suất tại ngân hàng có xu hướng đi lên vì lạm phát của Việt Nam vẫn ở mức cao. Do đó, chính sách tiền tệ vẫn cần tiếp tục được thắt chặt. Về lý thuyết thì lãi suất chỉ có thể hạ khi lạm phát xuống thấp. Tuy nhiên, ở Việt Nam có một vấn đề là lạm phát kỳ vọng của nền kinh tế là rất cao. Nếu muốn ổn định, mức độ lạm phát thấp phải được duy trì trong ít nhất là 12 - 18 tháng. Do đó, các doanh nghiệp cần có sự chuẩn bị bởi chu kỳ lãi suất cao rất có thể sẽ kéo dài thêm một khoảng thời gian nữa.

Cũng theo ông Ayumi Konishi, Việt Nam đã có bài học từ cuối năm 2010, khi chính sách tiền tệ được nới lỏng sớm, lãi suất hạ thì lạm phát lại tăng cao. Điều này không nên lặp lại trong năm nay. ADB cũng đánh giá rất cao quyết tâm của Chính phủ tại Nghị quyết 11 và thực tế những giải pháp đề ra đã phát huy tác dụng. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn cần thêm thời gian.

Theo nghiên cứu của ADBthì lạm phát của Việt Nam vẫn sẽ ở mức cao cho đến tháng 8. Lạm phát tính theo năm (year-on-year) khi đó khoảng 20%. Do đó, nếu thực sự muốn kiềm chế lạm phát, lãi suất khó có thể hạ trong những tháng cuối năm 2011.

“Chúng tôi rất hiểu những khó khăn mà doanh nghiệp gặp phải trong điều kiện lãi suất cao. Tuy nhiên, cần thấy rằng mục tiêu tối thượng hiện nay là kiềm chế lạm phát. Khi các điều kiện vĩ mô ổn định hơn, tôi cho rằng lãi suất mới có điều kiện hạ”, ông Ayumi Konishi chia sẻ.

Liên quan tới lãi suất cơ bản mới và trần lãi suất tiền gửi liên ngân hàng, kiến nghị tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) mới đây ông Brett Lrause, Trưởng Nhóm Công tác Ngân hàng cho rằng, về mặt kỹ thuật, quy định hiện hành vẫn yêu cầu tiền gửi liên ngân hàng phải tuân theo trần lãi suất được gắn với lãi suất cơ bản do NHNN ban hàng, trong khi sự gắn kết đó không còn được áp dụng cho lãi suất của khách hàng. Điều này đã gây nên khó khăn trong thị trường và dẫn đến việc phân bổ thanh khoản và vốn không hiệu quả trên thị trường ngân hàng.

Do vậy, " chúng tôi kính đề nghị NHNN đi theo hướng chính thức xoá bỏ trần lãi suất tiền gửi liên ngân hàng ngay khi có thể , trong khi chờ Chính phủ chấp thuận cơ chế lãi suất cơ bản mới", ông Brett Lrause kiến nghị.

Liên quan tới những vấn đề này, ông Nguyễn Văn bình, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, khi bình ổn kinh tế vĩ mô đương nhiên cũng phải trả giá nhất định. NHNN chịu áp lực đòi hỏi của doanh nghiệp về tăng trưởng tín dụng cao hơn, lãi suất thấp hơn..., đó là đòi hỏi chính đáng nhưng giờ đây đòi hỏi này phải được xem xét trong bối cảnh lạm phát. Khi lạm phát ở mức 2 con số mà đòi hỏi lãi suất thấp thì là điều không thể.

Theo Đinh Bách (VnMedia)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: 0