Trả lời Bloomberg ngày 21/5, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Đồng Tiến cho biết Việt Nam khó giảm thêm lãi suất năm nay, khi đang tập trung dọn dẹp nợ xấu và phục hồi tăng trưởng.

"Áp lực lạm phát vẫn tồn tại. Còn nhiều yếu tố có khả năng đẩy cao lạm phát đến cuối năm. Vì thế, khả năng Ngân hàng Nhà nước cắt giảm lãi suất là rất khó", ông cho biết.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa chấp thuận thành lập Công ty quản lý tài sản (VAMC) để mua lại nợ xấu từ các nhà băng trong nước, Ngân hàng Nhà nước cho biết. Kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng ở mức thấp nhất 13 năm vào năm ngoái, khi tỷ lệ nợ xấu thuộc hàng top Đông Nam Á khiến các doanh nghiệp khó tiếp cận vốn.

Edwin Gutierrez, Giám đốc danh mục đầu tư tại Aberdeen Asset London nhận xét: "Giảm thêm lãi sẽ không thực sự kích thích được nền kinh tế. Mối quan tâm của hệ thống ngân hàng bây giờ không phải là cho vay, mà là công ty quản lý tài sản". Trong email trả lời Bloomberg, Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết VAMC sẽ bắt đầu hoạt động vào quý II.

Ngân hàng Nhà nước đang tập trung xử lý nợ xấu và chưa thể giảm thêm lãi suất. Ảnh: Công Tâm

Việc các ngân hàng lưỡng lự cho vay có thể khiến Việt Nam tăng trưởng dưới 6% năm thứ ba liên tiếp, theo dự đoán của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB). Năm ngoái, GDP Việt Nam chỉ tăng 5,03%.

Phó thống đốc cho biết đang hướng tới các chính sách thận trọng mà vẫn thúc đẩy tăng trưởng”. Khi nền kinh tế còn nhiều thách thức, Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ vẫn tiếp tục theo đuổi chính sách tăng trưởng 5,5% và giữ lạm phát ở 6,5% năm nay, ông Tiến cho biết.

Trước đó, Ngân hàng Nhà nước đã giảm lãi suất tái cấp vốn từ 8% xuống 7% mỗi năm, áp dụng từ ngày 13/5. Lãi suất tái chiết khấu cũng được hạ từ 6% xuống 5%. Đây là lần giảm thứ 8 kể từ đầu năm 2012.

Theo ông Nguyễn Đồng Tiến, Chính phủ sẽ kiên quyết theo đuổi mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô. Việt Nam đang lên kế hoạch cắt giảm lãi suất cơ bản 2% mỗi năm và trần lãi suất huy động tiền đồng 0,5% mỗi năm. Ông cũng dự đoán tỷ lệ nợ xấu trong ngân hàng sẽ được giảm xuống 5% cuối năm nay, từ 7,8% tháng 12/2012.

Tiết lộ với hãng tin quốc tế, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết Thủ tướng có thể chấp thuận nâng tỷ lệ sở hữu của khối ngoại trong ngân hàng nội để hỗ trợ các nhà băng yếu kém. Tuy nhiên, ông cũng cho biết việc này sẽ được cân nhắc tùy từng trường hợp. Việt Nam hiện cho phép một nhà đầu tư nước ngoài nắm tối đa 20% cổ phần một ngân hàng. Ngoài ra, tổng mức sở hữu của khối ngoại cũng không được quá 30%.

Theo thông báo của Ngân hàng Nhà nước, VAMC sẽ là công ty 100% vốn nhà nước. Vốn điều lệ của VAMC được cấp từ nguồn vốn hợp pháp của Ngân hàng Nhà nước. Nhà đầu tư có thể đấu giá nợ xấu và một loại trái phiếu đặc biệt sẽ được phát hành để mua nợ xấu của các nhà băng.

Theo báo cáo của Chính phủ hồi đầu tuần, nợ xấu của các ngân hàng thương mại là 4,51% vào cuối tháng 3. Tăng trưởng tín dụng 4 tháng đầu năm là 2%. Trong khi đó, theo JPMorgan Chase, các hãng đánh giá tín nhiệm từng nhận định tỷ lệ nợ xấu tại Việt Nam vào khoảng 10% - 20%. Theo Thống đốc Nguyễn Văn Bình, nợ xấu của nhà băng lớn nhất Việt Nam theo giá trị tài sản - Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) vào khoảng 6,1%, tính đến tháng 6 năm ngoái.

Ngân hàng Nhà nước cho biết: "Nợ xấu trong hệ thống ngân hàng có thể tăng năm nay khi nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, việc này vẫn nằm trong tầm kiểm soát của chúng tôi".

Theo số liệu từ các ngân hàng thương mại, khoảng 22.500 tỷ đồng (1 tỷ USD) nợ xấu đã được giải quyết trong năm 2012 nhờ dự phòng rủi ro. Ba tháng đầu năm, 5.500 tỷ đồng nữa cũng đã được xử lý. Dự phòng rủi ro tín dụng đã tăng lên 68.500 tỷ đồng cuối tháng 3, từ 64.200 tỷ cuối năm ngoái, theo Ngân hàng Nhà nước.

Ông Tiến cũng cho biết Ngân hàng Nhà nước không có kế hoạch bơm tiền trực tiếp cho các nhà băng vì thanh khoản của các ngân hàng đang "rất tốt". Theo ông, nợ xấu có thể tăng do kinh tế khó khăn, nhưng các biện pháp xử lý sẽ giúp giữ tỷ lệ này ở mức chấp nhận được.

Tuần trước, ông Vũ Viết Ngoạn - Chủ tịch Ủy Ban Giám sát Tài chính quốc gia dự đoán VAMC có thể giải quyết khoảng 100.000 tỷ đồng nợ xấu. Chánh thanh tra Ngân hàng Nhà nước - Nguyễn Hữu Nghĩa cũng cho biết các ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu trên 3% sẽ phải bán nợ cho VAMC.

Phó thống đốc nhận xét: "Rất nhiều nhà đầu tư và ngân hàng nước ngoài đang muốn rót vốn vào nhà băng Việt Nam. Nếu chúng ta mở cửa cơ chế, nhà đầu tư ngoại sẽ đổ tiền vào vì họ thấy có tiềm năng".

Thùy Linh (VnExpress)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.