Vừa qua, các ngân hàng thương mại nhà nước đã điều chỉnh giảm lãi suất huy động Việt Nam đồng ở các kỳ hạn dưới 1 năm với mức giảm từ 0,3% đến 0,5%/năm. Việc 4 Ngân hàng thương mại lớn chiếm khoảng trên 50% thị phần tiền gửi của toàn hệ thống ngân hàng đồng loạt giảm đã khiến không ít người dân có gửi tiền trong ngân hàng hiện nay dao động trước các kênh đầu tư khác như: vàng, chứng khoán, bất động sản…
Với mức lãi suất thấp như hiện nay, liệu nguồn tiền đang gửi ở ngân hàng có chảy sang các kênh đầu tư khác có mức sinh lợi cao hơn?
Lãi huy động giảm còn 2-3% thì dòng tiền có thể sẽ khác
Sau khi biểu lãi suất của các ngân hàng thương mại nhà nước đồng loạt thay đổi, lãi suất huy động kì hạn dưới 3 tháng tối đa giảm chỉ còn 4,8%/năm, kì hạn 6 tháng là 5,3%/năm, kì hạn tiền gửi 12 tháng giảm còn 6,9%, một số ngân hàng thương mại cổ phần khác cũng thực hiện giảm lãi suất huy động đối với các kì hạn ngắn (dưới 12 tháng), song gửi tiết kiệm vẫn là lựa chọn của nhiều người bởi đây vẫn được coi là kênh đầu tư an toàn.
Bà Nguyễn Thu Vân, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội cho biết: “Tôi cũng không biết đầu tư vào cái gì cả nên tôi gửi tiết kiệm để yên tâm lúc ốm đau hay lúc nhà có việc, nên dù lãi suất có xuống thì cũng vẫn gửi, bởi vì gửi vào các ngân hàng thương mại nhà nước thì yên tâm”.
Mặc dù so với mức lạm phát 3,14% trong 9 tháng qua thì mức lãi suất 4-6%/năm đối với các kì hạn dưới 12 tháng đang được niêm yết tại các ngân hàng thương mại lớn vẫn đảm bảo cho người gửi tiền mức lãi suất thực dương. Tuy nhiên, quyết định hạ lãi suất lần này cũng khiến không ít người gửi tiền phân vân.
Anh Phùng Thế Hưng, ở Hoàn Kiếm, Hà Nội nói: “Tôi thấy trên thị trường hiện cũng có những kênh đầu tư tích cực như chứng khoán, bất động sản từ đầu năm cũng tốt lên. Tôi sẽ ưu tiên việc đầu tư đấy hơn là gửi tiền vào ngân hàng”.
Theo PGS.TS. Phạm Hồng Chương, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, khi lãi suất xuống mức thấp, người dân không thỏa mãn với mức lãi suất đó thì dòng tiền có thể sẽ chuyển dịch sang các kênh đầu tư khác như vàng, chứng khoán hay bất động sản… Tuy nhiên, đó chỉ là xu hướng trong ngắn hạn của một bộ phận người gửi tiền. Về trung và dài hạn, dòng tiền huy động của các ngân hàng vẫn ổn định bởi mức giảm lãi suất huy động 0,3-0,5%/năm không quá lớn.
PGS.TS. Phạm Hồng Chương nhận định: “Có thể khi lãi suất xuống khoảng 2-3%/năm thì lúc ấy dòng vốn đầu tư có thể sẽ khác đi nhưng với mức giảm hiện nay và mức lãi suất hiện nay khoảng 4-5%/năm thì phần lớn người dân cũng sẽ chọn phương án gửi tiền tiết kiệm tại ngân hàng”.
Lãi suất huy động hiện tại vẫn hấp dẫn người gửi tiền
Theo các chuyên gia kinh tế, dù lãi suất tiền gửi đã giảm nhưng không vì thế mà dòng tiền trong thời gian tới sẽ chuyển hướng rõ rệt sang các kênh đầu tư khác. Nguyên nhân là do thị trường bất động sản đang có dấu hiệu dư cung với hàng loạt các dự án đủ các phân khúc liên tục tung ra thị trường; trong khi đó, việc vay mượn thêm vốn trung hạn để thêm vào tiền tiết kiệm để mua bất động sản đầu tư sẽ không dồi dào như trước.
Ông Trần Minh Hoàng, Trưởng Bộ phận nghiên cứu kinh tế và Chiến lược thị trường, Công ty chứng khoán Vietcombank cho rằng: trong ngắn hạn và có thể cả trung hạn, dòng tiền ở Việt Nam vẫn sẽ đổ vào ngân hàng bởi lẽ đây là kênh đầu tư an toàn nhất với đa số người dân vì lãi suất tiền gửi vẫn có phần cao hơn chỉ số lạm phát và ở mức khá cao so với nhiều quốc gia khác.
Theo ông Hoàng, biến động của thị trường vàng thế giới không thực sự thuận lợi cho việc thu hút dòng tiền, kể cả trong trường hợp lãi suất huy động có điều chỉnh nhất định. Tương tự như vậy, thị trường bất động sản dấu hiệu ấm lên cũng có nhưng chủ yếu bắt nguồn từ nhu cầu thực hơn là nhu cầu đầu cơ. Với thị trường tỉ giá và ngoại hối thì cũng tương tự như thị trường vàng, diễn biến khá ổn định. Có lẽ sẽ không ảnh hưởng nhiều đến việc chuyển dịch dòng vốn một cách rõ rệt giữa kênh huy động sang kênh đầu tư khác.
Hầu hết người dân Việt Nam vẫn gửi tiền tiết kiệm như là kênh đầu tư, mà đầu tư thì lợi nhuận càng cao càng tốt. Có giai đoạn lãi suất tiền gửi cao 15-16%/năm làm người gửi tiền nghĩ rằng bỏ tiền vào ngân hàng để đầu tư, trong khi ở các nước gửi tiền tiết kiệm được xem là khoản để dành, mang tính bảo toàn vốn. Tuy nhiên, với mức lãi suất đang giảm như hiện nay, các chuyên gia kinh tế khuyến cáo, nhà đầu tư nên thận trọng nghiên cứu kỹ thị trường trước khi quyết định kênh đầu tư cho mình.