Lãi suất cho vay đang trên đà giảm về biên độ 17 - 19%/năm, nhưng phần lớn doanh nghiệp được vay chưa thể sớm lấy lại được năng lực cạnh tranh trên thị trường.
Lãi suất hạ, doanh nghiệp chưa “khỏe”Ngân hàng Nhà nước vừa quyết định giảm lãi suất cho vay xuống mức 17-19%/năm đối với nhóm doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh thông thường và yêu cầu các ngân hàng không được vượt trần lãi suất huy động VND 14%/năm kể từ ngày 8/9/2011. Kèm theo đó, Ngân hàng Nhà nước cũng ban hành Chỉ thị 02/CT-NHNN ngày 7/9 khẳng định, nếu các ngân hàng thương mại có động thái lách trần lãi suất huy động, thì sẽ bị xử lý nghiêm (cách chức lãnh đạo, hạn chế mở rộng phạm vi, địa bàn hoạt động, phòng giao dịch).

Những việc làm trên được cho là không dễ thực hiện ngay trong tháng 9, nhưng mấy ngày qua, hàng loạt ngân hàng đã bung ra tổng hạn mức từ 3.000 đến 10.000 tỷ đồng/ngân hàng dành riêng cho khoản vay ngắn hạn (6 tháng) với lãi suất phổ biến ở mức 17% - 19%/năm. Khoản ưu đãi này chỉ dành cho một số doanh nghiệp thuộc lĩnh vực sản xuất, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản, công nghiệp. Còn những doanh nghiệp thuộc diện phi sản xuất, gồm tiêu dùng, bất động sản và chứng khoán, vẫn trong diện “cấm”.


Những biện pháp mạnh tay trên cho thấy, ngân hàng đang chung tay cùng các doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Tuy nhiên, đối với doanh nghiệp đi vay, cơ hội thoát khỏi khó khăn vẫn rất mong manh.


Liên quan đến vấn đề này, lãnh đạo một doanh nghiệp gỗ lớn tại TP.HCM cho biết, cách đây 5-6 năm, công ty có vay vốn để trồng rừng với lãi suất rất thấp, nhưng đến thời điểm này, nếu vay tiếp thì chắc chắn sẽ bị lỗ lớn và có thể công ty sẽ phải sang tên khu rừng đó.


Có thể nói, trong khoảng 5 năm trở lại đây, gỗ là mặt hàng có tỷ trọng tăng trưởng thấp. Tình trạng chung hiện nay của doanh nghiệp ngành gỗ là phải giảm công suất từ 30 đến 50%, việc vòng quay vốn chậm trong khi những khoản vay ưu đãi đều ngắn hạn. Dù lãi suất cho vay giảm còn khoảng 17 - 19%/năm (ở Trung Quốc, Singapore chỉ 2-4%), trong khi chi phí năng lượng, giá nguyên liệu tăng cao..., thì doanh nghiệp vẫn không có lợi thế cạnh tranh về giá và đang đứng trước nguy cơ mất thị trường. Những công ty có đơn hàng xuất khẩu cũng đau đầu vì lợi nhuận thu được quá thấp, một số dòng sản phẩm gỗ xuất khẩu vào Mỹ lại có nguy cơ bị áp thuế chống bán phá giá.


Chia sẻ quan điểm trên, ông Nguyễn Văn Tòng, Phó tổng giám đốc tài chính Công ty Thức ăn gia súc Lái Thiêu (Bình Dương) cho rằng, lãi suất hạ được như vậy trong lúc cả nền kinh tế khó khăn tạm gọi là “chuẩn”. Tuy nhiên, chi phí nguyên vật liệu đầu vào vẫn cao do tỷ giá và việc tiêu thụ sản phẩm đang dần rơi vào tay các đối thủ Trung Quốc và Đài Loan… khiến Công ty cũng lao đao. Hiện lượng khách hàng phía Nam của Công ty bị giảm tới 50% và tổng doanh thu chỉ đạt 70% so với cùng kỳ năm 2010.


“Với những doanh nghiệp thuộc lĩnh vực thủy sản, lãi suất giảm vẫn không hạn chế được vòng luẩn quẩn: thiếu nguyên liệu - giá tăng - lại tăng nuôi trồng không có kế hoạch - dư thừa nguyên liệu - giá giảm - người nuôi lỗ - lại không nuôi - thiếu nguyên liệu”, ông Trịnh Bá Hoàng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư thương mại Thủy sản Incomfish (ICF) chia sẻ.


Ngoài ra, đa số các doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh đều cho rằng, nguồn vốn đang chảy không đúng chỗ. Nếu tín dụng vào lĩnh vực sản xuất không được linh động nới lỏng theo đặc thù từng lĩnh vực, ngành nghề, thì sẽ gây phá sản hàng loạt doanh nghiệp. Bởi khi một doanh nghiệp nào đó nợ nần, trì trệ hoặc tạm ngưng sản xuất... thì sẽ gây ảnh hưởng đến các doanh nghiệp cung ứng khác theo kiểu domino.


Tình trạng làm ăn khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp trước tác động của chính sách tiền tệ là câu chuyện không mới. Song theo các chuyên gia, hoạt động của các doanh nghiệp cũng cần thay đổi theo hướng hợp lý hơn. Theo khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), doanh nghiệp chủ yếu đi vay vốn ngân hàng để làm ăn, nhưng lại đang đem quá nhiều vốn vay ngắn hạn đi đầu tư ngoài ngành theo kiểu trung và dài hạn. Trong đó, 90% doanh nghiệp có dính tới bất động sản, chỉ có 60% vốn doanh nghiệp phục vụ hoạt động chính là có hiệu quả.


Đồng quan điểm, ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc Ngân hàng Techcombank cho rằng, yếu tố lãi suất cao không quyết định tình hình làm ăn ảm đạm của doanh nghiệp. Vấn đề nằm ở chỗ, doanh nghiệp cần tái cơ cấu nguồn vốn, điều chỉnh hoạt động sản xuất và xây dựng chiến lược kinh doanh dài hạn
Theo Anh Hoa (Báo Đầu tư)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: tai chinh