Thực hiện chủ trương của Chính phủ và kêu gọi của NHNN, các NHTM đã khẩn trương hạ lãi suất cho vay.

Mặc dù vẫn còn những doanh nghiệp than phiền chưa tiếp cận được vốn hay mong muốn lãi suất cho vay hạ nữa, nhưng thực tế cho thấy, thị trường đã có những chuyển động rõ rệt.

Các ngân hàng hiện chủ yếu áp mức lãi suất cho vay dưới 15%/năm

Những con số khả quan…

Bà An Thị Anh Thư, Phó Tổng giám đốc, Kế toán trưởng CTCP Dược phẩm Trung ương 1 cho biết, Công ty vay vốn kinh doanh tại các NHTM khoảng 160 tỷ đồng. Doanh nghiệp vừa đầu tư vừa sản xuất nên cần vốn nhiều, trong khi cuối năm ngoái, Công ty vay vốn ngân hàng với lãi suất là 18%/năm, thậm chí có thời điểm lên đến 19%/năm, khiến doanh thu sụt giảm mạnh. Từ tháng 6 trở lại đây, Công ty đã tiếp cận được lãi suất ở mức thấp hơn đến 5%/năm so với trước.

“Ý nghĩa lớn nhất của việc giảm lãi suất cho vay là giúp giảm chi phí đầu vào của doanh nghiệp, qua đó giảm giá bán hàng hoá, kích thích tiêu dùng, giải phóng hàng tồn kho. Bên cạnh đó, doanh nghiệp chủ động được kế hoạch sản xuất kinh doanh và đảm bảo được công việc cho 500 cán bộ công nhân viên”, bà Thư nói.

Ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Tập đoàn Phú Thái chia sẻ, trước đây, Tập đoàn vay của ngân hàng với lãi suất khoảng 21 - 22%/năm, mức lãi suất gần như san bằng những kết quả kinh doanh của Tập đoàn. Nhưng hiện nay, lãi suất đã giảm xuống dưới 15%/năm, nên hiệu quả hoạt động kinh doanh cũng như doanh thu tăng rõ rệt.

“Lợi nhuận trung bình từ hoạt động kinh doanh của Tập đoàn khoảng 25%, nếu lãi suất tiếp tục được giữ ở mức hợp lý từ 12 - 15%/năm, trong năm tới, Phú Thái dự kiến sẽ phát triển mạnh hơn so với năm nay”, ông Đoàn nhấn mạnh.

Số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng phần nào chứng minh những chuyển động trên thị trường, tín dụng đã bắt đầu có dấu hiệu tăng trở lại. Cụ thể, sau 7 tháng tăng trưởng âm, tín dụng tháng 8 đã tăng khoảng 1,4% so với đầu năm. Báo cáo tình hình kinh tế Việt Nam 8 tháng đầu năm 2012 và triển vọng năm 2013 của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia nhận định, chỉ số hàng tồn kho tuy vẫn ở mức khá cao so với cùng kỳ nhưng đã giảm nhanh kể từ tháng 3 tới nay, cho thấy, tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp đã phần nào được cải thiện hơn so với những tháng đầu năm. Cụ thể, so với cùng kỳ, chỉ số hàng tồn kho tháng 3 đạt 34,9%, tháng 4 đạt 32,1%, tháng 5 đạt 29,4%, tháng 6 đạt 26%, tháng 7 đạt 21%, tháng 8 đạt 20,8%.

Bên cạnh đó, Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất tại Việt Nam trong tháng 8/2012 của HSBC đã tăng từ 43,6 điểm tháng 7 lên 47,9 điểm tháng 8. Chỉ số này cho thấy điều kiện hoạt động trong lĩnh vực sản xuất của Việt Nam dù vẫn ở mức dưới 50 điểm bởi sản lượng sản xuất tiếp tục giảm, nhưng tốc độ giảm là thấp nhất trong 4 tháng cho thấy, tình hình đã được cải thiện đáng kể và đang ở mức tốt nhất kể từ tháng 5.

“Mặc dù các điều kiện kinh doanh ở Việt Nam vẫn khó khăn, tốc độ xấu đi của ngành sản xuất đã chậm lại cho thấy các hoạt động kinh tế có thể sẽ dần hồi phục vào quý IV”, Trinh Nguyen, Chuyên viên kinh tế Ngân hàng HSBC nói.

… nhờ nỗ lực của toàn hệ thống

Để có được những kết quả như vậy là nỗ lực không nhỏ của hệ thống ngân hàng. Ông Phạm Quang Tùng, Phó Tổng giám đốc BIDV cho biết, tốc độ giải ngân cũng như doanh số cho vay của BIDV vẫn diễn ra khá đều bởi ngân hàng đã chủ động giảm lãi suất 4 lần ngay từ đầu năm 2012. Tuy nhiên, trước lời kêu gọi của NHNN, BIDV đã thực hiện triệt để việc giảm lãi suất đối với hai nhóm đối tượng khách hàng là doanh nghiệp và hộ dân.

“Lãi suất hiện đã được các ngân hàng đưa về khoảng 11 - 12%/năm là chấp nhận được. Đây cũng là mức lãi suất đã được thực hiện trong nhiều năm trước và tôi cho rằng, nó phù hợp với tình hình hiện nay và hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp. Một số doanh nghiệp nói lãi suất còn rất cao, cần phải giảm xuống nữa. Nhưng điều đó còn phụ thuộc vào kinh tế vĩ mô, đảm bảo hài hòa giữa lợi ích của người gửi tiền cũng như cân đối với các chỉ số kinh tế khác. Nhưng BIDV cam kết sẽ luôn là ngân hàng có lãi suất cạnh tranh trên thị trường”, ông Tùng nhấn mạnh.

Từ nay đến cuối năm 2012, VPBank triển khai Chương trình cho vay ưu đãi tài trợ xuất nhập khẩu dành cho khách hàng doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu trên toàn hệ thống. Theo đó, các doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu thực hiện dịch vụ thanh toán quốc tế và mua bán ngoại hối tại VPBank sẽ được tài trợ vốn với lãi suất ưu đãi chỉ 4 – 5%/năm. Bên cạnh đó, VPBank còn tài trợ vốn lưu động cho khách hàng thông qua việc cho vay với tài sản đảm bảo theo Hợp đồng xuất khẩu và thông qua việc chiết khấu hối phiếu đòi nợ kèm theo bộ chứng từ xuất khẩu.

“Với quy mô hỗ trợ trị giá 100 triệu USD, VPBank mong muốn đảm bảo các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp không bị gián đoạn và giúp doanh nghiệp vượt qua những khó khăn trong giai đoạn hiện tại. Nhưng hơn thế, Ngân hàng cũng cần những doanh nghiệp tốt, đặc biệt có hiệu quả trong kinh doanh”, một lãnh đạo cấp cao của VPBank chia sẻ.

Ông Alfred Schipke, Trưởng đoàn Tham vấn Điều IV Điều lệ Quỹ của IMF phụ trách Việt Nam nhận định, một năm trước đây, lạm phát ở Việt Nam tương đối cao và cán cân vãng lai ở vị thế yếu. Như vậy, các chính sách mà Chính phủ Việt Nam và NHNN thực hiện trong một năm qua đã phát huy kết quả tích cực. Điều này cho thấy, các nguy cơ bị tổn thương của nền kinh tế Việt Nam đã giảm đi so với một năm trước đây, điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh tiềm ẩn các cú sốc tiêu cực từ bên ngoài.

“Ổn định kinh tế vĩ mô và các khoảng đệm chính sách được tăng cường không chỉ quan trọng đối với nguy cơ bị tổn thương của nền kinh tế mà còn khôi phục lòng tin của thị trường, tạo điều kiện thúc đẩy đầu tư tư nhân, cả trong nước và nước ngoài, đảm bảo tốc độ tăng trưởng kinh tế cao trong tương lai”, ông Alfred Schipke nhấn mạnh.

Theo Hồng Dung (ĐTCK)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.