Số lượng và chiều sâu của chính sách trong hai tháng qua đối với thị trường BĐS là nhiều hơn hẳn, sâu hơn hẳn và có hệ thống hơn hẳn so với một số văn bản rời rạc tác động đến kênh đầu tư chứng khoán. So sánh này phải chăng là một hàm ý mà các nhà đầu tư cần để mắt tới trong việc chọn lựa kênh đầu tư?

Cánh cửa cuối cùng đã gần như khép lại


Cách đây chỉ một tháng, việc gửi tiền vào hệ thống ngân hàng vẫn còn được xem là một biện pháp sinh lãi khiêm tốn và cũng để trú ẩn đối với nhiều nhà đầu tư có vốn nhàn rỗi. Tỷ lệ thông thường của nhà đầu tư chọn biện pháp này hầu như không dưới 30%. Điều đó cũng phản ánh một quy luật kinh tế thường xảy ra: khi các kênh đầu tư như thị trường chứng khoán (TTCK), bất động sản (BĐS), vàng đều chịu sức ì quá lớn hoặc trở nên mong manh thì cho tiền vào ngân hàng là an toàn nhất.


Nhưng những biến động nhanh chóng của thị trường tín dụng chỉ trong nửa tháng qua đã gần như khép lại cánh cửa cuối cùng đối với số nhà đầu tư có tiền nhàn rỗi. Không còn cơ chế thỏa thuận với mức lãi suất huy động cao, trong khi những động thái dứt khoát về biện pháp kinh tế và cả biện pháp hành chính của Ngân hàng nhà nước đã kéo tuột mức lãi suất huy động về đúng quy định ban đầu là 14%.


Ít ra trong vài tháng tới, sự can thiệp hành chính của Ngân hàng Nhà nước vẫn còn tác dụng. Lãi suất đã hạ một cách thực chất, dù mới chỉ là lãi suất huy động. Thế nên ít ra ngay tại thời điểm này và trong những tuần lễ tới đây, nhà đầu tư sẽ phải đau đầu hơn để tính toán xem kênh gửi tiết kiệm có còn hấp dẫn không.


Lãi suất giảm: Cửa đầu tư cuối cùng đã khép!


Với mức trần lãi suất tiền gửi là 14%, độ hấp dẫn chắc chắn đã giảm đi nhiều so với các mức lãi suất thỏa thuận 18-20% trước đây. Có thể đó là một lý do quan trọng khiến nhà đầu tư có xu hướng rút dần tiền khỏi ngân hàng. Hậu quả tức thì càng lớn sẽ xảy ra với những ngân hàng nào có cơ chế thỏa thuận lãi suất huy động càng cao, mà trong thực tế phần lớn rơi vào số ngân hàng thương mại nhỏ, tiềm lực yếu và thanh khoản thấp.


Mặt khác, với tỷ lệ lạm phát trong nước dự kiến khoảng 18% trong năm 2011, không nhà đầu tư nào dám bảo đảm là lãi suất tiền gửi sẽ thực dương trong 12 tháng tới, tính từ tháng 9/2011 này. Với một bộ phận nhà đầu tư quen làm ăn lớn, ngay cả việc lãi suất có bảo đảm thực dương 4-5%/năm cũng không khuyến khích họ giữ tiền trong ngân hàng, mà chỉ cần phát hiện ra một tín hiệu xác đáng và khả quan nào tại một kênh đầu tư khác, họ sẵn sàng rút phần lớn hoặc toàn bộ tiền khỏi ngân hàng để "quay vòng".


Luồng tâm lý trên cũng là một cơ sở cho các nhà đầu tư chứng khoán nhen nhóm hy vọng. Một nhận định của Công ty chứng khoán ACB đã tự tin dự báo là chỉ số chứng khoán có khả năng tăng mạnh từ đây đến cuối năm 2011 do tiền tiết kiệm dồn sang kênh chứng khoán.


Niềm hy vọng của nhà đầu tư chứng khoán và nhận định của Công ty chứng khoán ACB càng có cơ sở khi cho đến nay, bất chấp TTCK đã giảm sút thê thảm và còn phải đối mặt với hiểm họa trong trung hạn về xu hướng thoái vốn của các quỹ nước ngoài, nhưng thường trực vẫn có khoảng 30% số nhà đầu tư chọn kênh này - một tỷ lệ không thua kém mấy so với kênh gửi tiết kiệm.


Tính hai mặt của vàng và chứng khoán


Nhưng bài toán về xu hướng dịch chuyển dòng vốn, đã không hề đơn giản từ khi vẫn còn kênh ngân hàng hé mở, thì nay lại càng trở nên khó giải vào lúc cánh cửa cuối cùng ở kênh này đã gần như đóng hẳn. Nhìn tổng quát hiện thời, tất cả các kênh đầu tư đều khó, quá khó để phân tích và dự đoán.


Chứng khoán trong lịch sử và vàng trong thời kỳ "cận đại" là hai kênh xem ra có thể mang lại lời lãi nhiều nhất. Nhưng hai kênh này lại đang biểu hiện một sự trái ngược rất lớn: trong khi chỉ số chứng khoán đang rất thấp (hoặc ở vùng đáy), thì chỉ số giá vàng lại đang rất cao (hoặc ở vùng đỉnh). Rõ ràng, đầu tư vào một kênh giá đang cao vời vợi, kèm theo hình ảnh bong bóng như vàng là một trò chơi hết sức mạo hiểm.


Có thể mường tượng một kết quả dễ nhận ra đối với trò chơi đó: xác suất biến động tăng của giá vàng nhỏ hơn xác suất biến động giảm của nó. Cho tới nay, vẫn còn nhiều người kỳ vọng giá vàng sẽ còn tăng nữa, thậm chí có thể lên đến 65-70 triệu đồng/lượng nếu giá vàng thế giới tăng đến 2.500 USD/oz.


Tuy nhiên để mục tiêu này trở thành hiện thực, nền kinh tế thế giới dứt khoát phải... suy thoái.


Trong giai đoạn này, theo "chuyên gia tận thế" Roubini, khả năng suy thoái của nền kinh tế thế giới là 50-60%. Nghĩa là vẫn còn khoảng gần phân nửa xác suất là giá vàng không tăng hơn, hoặc có tăng cũng không vượt đỉnh cũ được bao nhiêu. Ngược lại, nếu trong những tháng cuối năm 2011, kể cả sang năm 2012 nền kinh tế thế giới duy trì được sự ổn định với tốc độ tăng trưởng GDP vừa phải (như dự báo của IMF), thì chưa có lý do thuyết phục nào để giá vàng tiếp tục phi mã. Khi đó, hệ quả tất yếu là giá vàng thế giới cần phải có một thời gian để điều chỉnh giảm, kéo theo giá vàng Việt Nam cũng giảm theo.


Có một cách mà nhà đầu tư trong nước có thể tham khảo và vận dụng là giống như nhà đầu tư Mỹ trong những ngày gần đây - bán vàng để mua cổ phiếu. Nếu trường hợp này xảy ra, chứng khoán sẽ là kênh được ưu ái nhiều khi hội tụ được dòng tiền từ cả kênh vàng lẫn kênh tiết kiệm.


Trong đợt tăng từ giữa tháng 8/2011 đến nay, dường như TTCK đang phần nào thể hiện tính hội tụ trên về dòng vốn. Cần chú ý, đây là thị trường có được phản ứng đầu tiên trước cả khi xu thế giảm lãi suất được xác lập. Phải chăng thị trường này đang ứng nghiệm quy luật "đỉnh lạm phát là đáy chứng khoán"? Liệu có thực là chứng khoán đang khởi động trước sự phục hồi của nền kinh tế từ 3-6 tháng theo quy luật thông thường?


Những khả năng trên đều có thể diễn ra, trừ việc đợt tăng điểm lần này của TTCK vẫn tuân theo cách tăng hoàn toàn thiếu tự nhiên, hay nói cách khác là thị trường được đánh lên. Một câu hỏi khác lại cần đặt ra: tại sao thị trường lại được đánh lên khi phía trước vẫn còn nhiều vấn nạn rất lớn như xu hướng thoái vốn của các tổ chức lớn, tình trạng kiệt quệ thanh khoản, niềm tin nhà đầu tư bị khủng hoảng?


Không dễ để thỏa mãn những câu hỏi trên, nhưng chỉ cần một trong những câu hỏi đó tỏ ra có cơ sở biện chứng, đặc biệt là biện chứng lịch sử, thì xác suất rủi ro đối với người bỏ tiền vào cổ phiếu hiện thời là cao hơn hẳn. Còn nếu quả thực TTCK đang bị lợi dụng đánh lên dựa vào thông tin tích cực từ việc giảm lãi suất, nhưng không phải là quá trình hồi phục bền vững mà chỉ đơn thuần để thoát hàng của các tổ chức đầu cơ lớn, thì đương nhiên hành động này sẽ là một tai họa đối với nhà đầu tư nhỏ lẻ.


Kênh đầu tư ảm đạm nhất?


Thế còn BĐS thì sao? So với chứng khoán và vàng, đây là kênh đầu tư ảm đạm nhất, với chưa đầy 20% nhà đầu tư chọn lựa. Tất nhiên, cũng có thể nói theo phép tư biện là một khi lãi suất huy động giảm, dòng tiền tiết kiện cũng có thể chảy một phần vào nhà đất. Trong thực tế, hiện tượng này cũng đã diễn ra ở phạm vi hẹp như việc một số khách hàng dùng vàng và USD mua đất Bình Dương. Nhưng vẫn chỉ là phạm vi hẹp, chứ chưa chứng tỏ được tính xu hướng...


Có lẽ, điểm an ủi lớn nhất và rõ rệt nhất của kênh BĐS chỉ là trong hai tháng qua, đặc biệt trong tháng 8/2011, kênh này nhận được nhiều chính sách hỗ trợ nhất từ phía các cơ quan nhà nước, trong đó cần kể đến những đề xuất về chính sách của Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính, chủ trương của Chính phủ có tác dụng trực tiếp và một số tác động gián tiếp về chính sách của Ngân hàng Nhà nước.


Nếu rảnh rỗi và làm thống kê, bạn sẽ nhận ra số lượng và chiều sâu của chính sách trong hai tháng qua đối với thị trường BĐS là nhiều hơn hẳn, sâu hơn hẳn và có hệ thống hơn hẳn so với một số văn bản rời rạc tác động đến kênh đầu tư chứng khoán. Hiện tượng này lại diễn ra khá phù hợp với dự đoán của một quan chức có trách nhiệm: thị trường BĐS sẽ phục hồi trước TTCK; trong tháng 8/2011 thị trường BĐS đã bắt đầu phục hồi từ ... chính sách!


So sánh trên phải chăng là một hàm ý mà các nhà đầu tư cần để mắt tới trong việc chọn lựa kênh đầu tư?

Theo Việt Thắng (VEF)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.