“Với chi phí huy động vốn tăng cao thời gian qua, thì lãi suất cho vay thỏa thuận khó điều chỉnh giảm ngay xuống mức thấp”.
Hiện mặt bằng lãi suất huy động tiền gửi đang được duy trì ở mức trần mới là 14%/năm, song lãi suất cho vay thỏa thuận bằng VND giảm chậm và không được như kỳ vọng.

Kết quả khảo sát của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tại Hà Nội và TP.HCM đều cho thấy, nhìn chung, các ngân hàng thương mại trên địa bàn đã thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thống đốc NHNN về việc ấn định mức lãi suất huy động tối đa là 14%/năm.

Theo đó, mức lãi suất huy động cao nhất được các ngân hàng áp dụng đúng trần quy định. Với các kỳ hạn tiền gửi còn lại, lãi suất tiết kiệm dao động trong khoảng 12 – 13,75%/năm.

Đại diện nhiều ngân hàng cho biết, việc huy động được tiền tiết kiệm trong quý IV hàng năm thường khó khăn hơn so với các quý trước đó, vì đây là giai đoạn nhu cầu chi lương, thưởng của doanh nghiệp cũng như nhu cầu chi tiêu của người tiêu dùng cao hơn 3 quý đầu năm.

Đồng thời, áp lực lạm phát trong những tháng cuối năm đẩy kỳ vọng lãi suất của khách hàng gửi tiền, khiến sự “mặc cả” về mức lãi suất tiền gửi với ngân hàng cao hơn, nên khó tránh được việc tồn tại tình trạng thỏa thuận “ngầm” về lãi suất tiết kiệm giữa khách hàng và các tổ chức tín dụng.

Chính vì thế, lãi suất cho vay thỏa thuận giảm khá chậm. Cụ thể, tại SeABank, lãi suất cho vay thỏa thuận áp dụng cho khách hàng cá nhân vẫn ở mức 19%/năm (có tài sản thế chấp). Còn nếu khách hàng cá nhân cần vốn, nhưng không tài sản thế chấp (tức vay tín chấp) phải trả lãi suất cho ngân hàng lên đến mức 20 - 23%/năm.

Tương tự, tại Eximbank, lãi suất cho vay thỏa thuận áp dụng cho khách hàng cá nhân cũng xoay quanh mức 18%/năm.

Đối với khách hàng doanh nghiệp, dù được các ngân hàng dành nhiều ưu đãi hơn, nhưng hiện lãi suất cho vay vẫn ở mức bình quân 17 - 19%/năm ở các ngân hàng nhỏ và 16 - 18%/năm đối với ngân hàng lớn, chỉ giảm khoảng 1 -2%/năm so với trước khi NHNN yêu cầu đưa lãi suất tiền gửi về trần 14%/năm.

Tuy lãi suất cho vay thỏa thuận còn cao, nhưng các ngân hàng cũng lựa chọn rất kỹ khách hàng trước khi trao vốn. Đại diện nhiều ngân hàng thừa nhận, dù rất muốn kích thích tăng trưởng dư nợ tín dụng, song trước áp lực lãi vay còn ở mức cao, rủi ro nợ xấu sẽ luôn rình rập. Hơn nữa, việc giảm mạnh lãi suất cho vay thỏa thuận không phải là dễ đối với ngân hàng khi chi phí đầu vào còn cao.

Theo Phó tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần tại TP.HCM, sở dĩ lãi suất cho vay thỏa thuận giảm chậm so với chi phí huy động, bởi các khoản vốn huy động lãi suất cao ở đầu và giữa tháng 12 vừa qua đến nay mới “thấm” vào chi phí cho vay.

Chẳng hạn, Techcombank huy động với lãi suất 17%/năm trong 3 ngày (từ 8 đến 10/12), sau đó tuy có điều chỉnh, nhưng lãi suất tiết kiệm được Ngân hàng này áp dụng vẫn ở mức khá cao.

Do áp dụng mức lãi suất tiền gửi cao, nên Techcombank đã thu hút được được một lượng vốn lớn, bình quân 8.000 tỷ đồng/ngày. Vì thế, Techcombank phải áp dụng mức lãi suất cho vay thỏa thuận cao hơn nhiều so với huy động vốn, mới đủ bù đắp chi phí.

Có điều chắc chắn là, trong ngày một, ngày hai, Techcombank không thể giải ngân hết số vốn huy động mới, với lãi suất cao, do đó cần có thời gian để điều chỉnh giảm.

Ông Trần Phương Bình, Tổng giám đốc DongA Bank cho biết, trước áp lực lãi vay hiện nay, khó tránh được việc doanh nghiệp kêu, nhưng ngân hàng cũng không còn cách nào khác. “Với chi phí huy động vốn tăng cao thời gian qua, thì lãi suất cho vay thỏa thuận khó điều chỉnh giảm ngay xuống mức thấp”, ông Bình nói.

Còn theo Giám đốc Khối khách hàng cá nhân của một ngân hàng thương mại cổ phần, lãi suất đầu ra phải ở mức 18 – 19%/năm, thì ngân hàng mới thể bù đắp được chi phí và mong có lãi trong hoạt động cho vay. “Chênh lệch lãi suất huy động vốn và cho vay hiện nay chỉ dao động trong khoảng 2 -3%/năm là ngân hàng mừng rồi”, vị giám đốc trên nói.

PGS TS Trần Hoàng Ngân, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia dự báo, mặt bằng lãi suất sẽ được điều chỉnh giảm sau Tết Nguyên đán khi lạm phát được kiểm soát.

“Mặt khác, khả năng nguồn vốn khả dụng của ngân hàng sẽ ứ đọng lại, do dư nợ tín dụng khó tăng trưởng trong những tháng trước Tết Nguyên đán. Vì thế, các ngân hàng sẽ phải cắt giảm dần chi phí huy động để cho vay”, ông Ngân nói.

Cafeland.vn - Theo Báo Đầu Tư
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland