02/03/2017 10:57 AM
Quy định cho phép tổ chức tín dụng và khách hàng được thỏa thuận về lãi suất cho vay tại Thông tư 39/2017/TT-NHNN nhận được sự đồng tình của nhiều ngân hàng.
Quy định mới về thủ tục, hồ sơ vay vốn cũng được gia, giảm cho phù hợp với tình hình thực tế hơn
Tại buổi tập huấn triển khai Thông tư 39/2017/TT-NHNN do Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM tổ chức đầu tuần này, ông Trương Đình Long, Phó tổng giám đốc OCB nhận xét, Thông tư có nhiều thay đổi lớn so với Quyết định 1627/2001/QĐ-NHNN trên nhiều khía cạnh như đối tượng khách hàng, phương thức cho vay, lãi suất, cơ chế tính lãi, nợ quá hạn…
Trong đó, Thông tư đã làm rõ lãi suất cho vay, phương thức cho vay, nợ quá hạn. Những quy định mới này sẽ có tác động tích cực đến hoạt động cho vay của các tổ chức tín dụng nói chung và OCB nói riêng.
Mặc dù thị trường đang có những cách hiểu khác nhau về quy định cho vay hộ kinh doanh theo Thông tư 39/2017, song theo ông Long, Thông tư 39 chỉ quy định cụ thể hơn về đối tượng vay vốn, tức người đứng tên vay vốn của hộ kinh doanh là chủ hộ, chứ không hề nói cá nhân kinh doanh theo hình thức hộ kinh doanh không được vay vốn ngân hàng.
“Do đó, các tiểu thương nói riêng và hộ kinh doanh nói chung có thể an tâm về các chính sách cho vay của ngân hàng hầu như không thay đổi. Có chăng chỉ là thay đổi tích cực hơn về định nghĩa người vay vốn và thủ tục, hồ sơ vay sẽ được gia giảm nhằm phù hợp với thực tế và theo đúng định hướng mà Thông tư đề ra”, ông Long nhận xét.
Một trong điểm mới đáng chú tại Thông tư 39/2017/TT-NHNN là việc quy định rõ về việc tổ chức tín dụng và khách hàng được “thỏa thuận lãi suất”. Theo nhiều lãnh đạo ngân hàng, thuật ngữ “thỏa thuận lãi suất” thể hiện đúng bản chất của tín dụng là một sản phẩm của nền kinh tế hàng hóa, tức người mua và người bán tự thỏa thuận giá cả.
Việc đưa quy định lãi suất cho vay về đúng quy luật cung - cầu, theo lãnh đạo các nhà băng, khó có khả năng làm tăng lãi suất cho vay. Bởi dù ngân hàng muốn cho vay với mức lãi suất cao để tối ưu hóa lợi nhuận thì trong môi trường kinh doanh ngân hàng cạnh tranh, khách hàng có rất nhiều lựa chọn “người cho vay”.
Tất nhiên, họ chỉ đến với ngân hàng có mức lãi suất cho vay phù hợp nhất. Vì vậy, các ngân hàng phải tự cân đối đến nguồn vốn, chi phí, rủi ro… để đưa ra mức lãi suất phù hợp mới có thể thu hút khách hàng sử dụng dịch vụ của mình. Nếu không, ngân hàng sẽ tự đào thải mình ra khỏi cuộc cạnh tranh ngày càng khốc liệt trên thị trường ngân hàng.
Theo đại diện Sacombank, cụm từ “thỏa thuận lãi suất” mà NHNN sử dụng đã trả lại đúng bản chất “thuận mua - vừa bán” cho nền kinh tế thị trường cạnh tranh. Việc áp trần lãi suất trước đây khiến các ngân hàng thương mại gặp vướng, nên việc cho vay bị ách tắc ở nhiều chỗ như: cho vay qua thẻ, cho vay tín chấp, thấu chi...
Ngoài ra, việc tinh giản thủ tục theo từng đối tượng khách hàng, mục đích sử dụng vốn; các sản phẩm với nhiều phương thức cho vay như cho vay lưu vụ, cho vay tuần hoàn, cho vay quay vòng được nhìn nhận sẽ thúc đẩy hoạt động cho vay trong năm 2017.
Khẳng định việc hướng đến thỏa thuận lãi suất theo Thông tư 39/2017/TT-NHNN là cần thiết đối với thị trường, nhất là khi thị trường tiền tệ hiện đã đi vào ổn định hơn so với trước, TS. Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc NHNN cho rằng, việc NHNN tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ năm 2017 theo hướng ổn định tỷ giá, kiểm soát lạm phát và cung tiền hợp lý sẽ tạo điều kiện cho ngân hàng ổn định lãi suất huy động, có điều kiện giảm lãi suất cho vay.
Trong năm 2017, mục tiêu hoạt động của ngành ngân hàng là tổng phương tiện thanh toán tăng 16 - 18%, tín dụng tăng 18%, tiếp tục theo đuổi chính sách ổn định được mặt bằng lãi suất. Theo lãnh đạo nhiều nhà băng, chính sách tiền tệ sẽ hỗ trợ tốt cho các tổ chức tín dụng tăng trưởng tín dụng, nhằm đảm bảo khả năng cung ứng vốn cho nền kinh tế, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn tín dụng.
Tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng không có nghĩa là không kiểm soát rủi ro, mà công tác giám sát, nâng cao chất lượng tín dụng được cải thiện hơn năm 2016, lãnh đạo OCB nhấn mạnh.
Thùy Vinh (ĐTCK)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.