Tại Hội nghị sơ kết hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cho biết, bám sát nội dung các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ và diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ, trong 6 tháng đầu năm 2023, Ngân hàng Nhà nước đã tập trung triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng phát biểu. Ảnh: VPG

Về điều hành lãi suất, trong bối cảnh mặt bằng lãi suất thế giới tiếp tục tăng và neo ở mức cao, thực hiện chủ trương của Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về giảm lãi suất cho vay nhằm tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, doanh nghiệp và người dân, NHNN đã liên tục điều chỉnh giảm 04 lần các mức lãi suất với mức giảm 0,5-2,0%/năm.

Theo đó, mặt bằng lãi suất thị trường đã có xu hướng giảm. Đến cuối tháng 6/2023, lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân của các giao dịch phát sinh mới bằng VND của các ngân hàng thương mại (NHTM) giảm khoảng 1,0%/năm so với cuối năm 2022; các NHTM đã chủ động điều chỉnh và triển khai các chương trình/gói tín dụng ưu đãi để giảm lãi suất cho vay với mức giảm khoảng 0,5-3,0%/năm tùy đối tượng khách hàng đối với các khoản vay mới.

Điều hành chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2023, nhằm cung ứng thêm vốn tín dụng, đáp ứng kịp thời nhu cầu của nền kinh tế, ngày 10/7/2023, NHNN đã điều chỉnh tăng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2023 cho các TCTD với mức giao toàn hệ thống khoảng 14%.

Nhằm góp phần tháo gỡ khó khăn cho thị trường trái phiếu, theo chủ trương của Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngày 23/4/2023, NHNN đã ban hành Thông tư số 03/2023/TT-NHNN quy định ngưng hiệu lực thi hành Khoản 11 Điều 4 Thông tư số 16/2021/TT-NHNN quy định việc TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua, bán trái phiếu doanh nghiệp.

NHNN đã chỉ đạo các NHTM triển khai chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng từ nguồn vốn của các NHTM với lãi suất cho vay thấp hơn từ 1,5%-2% lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng trên thị trường theo đúng chỉ đạo của Chính phủ đối với chủ đầu tư, người mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ.

Đến ngày 30/6/2023, dư nợ tín dụng nền kinh tế đạt trên 12,49 triệu tỷ đồng, tăng 4,73% so với cuối năm 2022. Trong đó, cơ cấu tín dụng tiếp tục tập trung vốn cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, theo chủ trương của Chính phủ, đóng góp tích cực vào tăng trưởng GDP cả nước.

Tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được kiểm soát. Trong công tác tái cơ cấu hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu, NHNN tiếp tục triển khai quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp nêu tại Đề án Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025 (Đề án 689).

Anh Mai
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.