12/10/2011 12:46 AM
Không cần bảo lãnh của Chính phủ nhưng thời gian qua, một số doanh nghiệp Việt đã thu hút vốn lớn với lãi suất "dễ thở" từ các nhà đầu tư nước ngoài. Khi phải đối mặt với lãi suất "khủng" trong nước do chính sách thắt chặt tiền tệ, đây có thể coi là nước cờ khôn ngoan.

Vốn lớn, lãi suất "dễ thở"


Tháng 5/2011, thông tin Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai huy động thành công 90 triệu trái phiếu quốc tế đã trở thành một sự kiện của DN trong nước. Số trái phiếu trên có thời hạn 5 năm, và sẽ trả trước một phần sau 3 năm. Lãi suất được cố định ở mức 9,875%, Credit Suisse là tổ chức bảo lãnh duy nhất.


Giữa lúc bất động sản đang khó khăn, thiếu vốn, khó bán hàng, nhiều doanh nghiệp phải bán cả dự án để thu hồi vốn tránh bị phá sản và tìm cách rút khỏi đất đai thì ông chủ Hoàng Anh Gia Lai Đoàn Nguyên Đức tuyên bố tìm mua các dự án. Ông tuyên bố đã chuẩn bị sẵn vốn đề làm điều đó nhằm chuẩn bị cho phát triển về sau. Nhiều người nhìn HAGL với sự thèm muốn và thán phục với "sức mạnh của kẻ sẵn tiền mặt" thời thắt chặt tiền tệ. Để có được điều này, ngoài khả năng tích lũy tự có, HAGL còn có thêm nguồn lực lớn từ số vốn huy động trên thị trường quốc tế.


Nói về việc quyết định ra nước ngoài tìn vốn, ông Đoàn Nguyên Đức đã từng chia sẻ vì vay vốn trong nước khó khăn và lãi suất cao. Trong khi dự kiến lãi suất trái phiếu của HAG sẽ khoảng từ 8% - 10%, thanh toán 6 tháng một lần cho đến ngày đáo hạn. Thậm chí, trái phiếu quốc tế của HAGL phát hành theo luật New York (Mỹ), doanh nghiệp có quyền mua lại trái phiếu này trong vòng ba năm kể từ ngày phát hành.


Lãi suất cao, DN xoay sở tìm vốn 'ngoại'


Tìm nguồn lực bên ngoài để thêm sức mạnh cho DN vượt qua khó khăn là cách được nhiều ngân hàng áp dụng thành công. Một trong những điển hình cho việc này là việc kêu gọi được nhà đầu tư nước ngoài vốn mua cổ phần để hoàn tất việc tăng vốn khi thi trường chứng khoán trong nước gần như "tê liệt" chức năng huy động vốn.


Một câu chuyện vẫn được mọi người nhắc đến đó là Ngân hàng An Bình với cả hai lần thành công trong việc bán cổ phiếu cho nước ngoài để tăng vốn thành công trong thời kỳ kinh tế suy thoái. Năm 2008, khi kinh tế thế giới suy thoái, chứng khoán tụt dốc thì ABBank vẫn là trường hợp hy hữu trong giai đoạn đó bán được cổ phần cho nước ngoài với giá rất cao so với thị trường trong nước thu về ngàn tỷ.


Cụ thể, Maybank - ngân hàng lớn nhất Malaysia đã chính thức mua 15% tổng số cổ phần của Ngân hàng Thương mại cổ phần An Bình (ABBank) với mức giá gấp 5 lần mệnh giá, tương đương tổng trị giá 2.138 tỷ đồng. Thời điểm đó, mọi đánh giá đều cho rằng rong giai đoạn "đen tối" của ngành tài chính Việt Nam, xem ra ABBank đúng là gặp may


Đến giữa năm 2011, Maybank một lần nữa khẳng cam kết hợp tác lâu dài với ABBank trong thời gian tới. Đi cùng với đó, Maybank cho biết sẽ mua thêm 5% cổ phần để tiếp tục duy trì tỷ lệ sở hữu tối đa 20% trong thời gian tới, theo quy định của pháp luật đối với một cổ đông pháp nhân. Đồng thời, sẽ tăng cường hỗ trợ ABBank về công tác quản lý nhân sự và công nghệ thông tin, quản trị rủi ro và quản trị công ty, làm đầu cầu để ABBank tham gia thị trường vốn và thị trường tiền tệ thế giới.


Ngoài ra, ABBank còn có thêm 600 tỷ khi có thêm mối quan hệ với Công ty Tài chính Quốc tế (IFC) - thành viên của nhóm Ngân hàng Thế giới (WB). IFC đầu tư để chính thức trở thành cổ đông với tỷ lệ sở hữu 10% vốn điều lệ.


Trong cuối năm ngoái và đầu năm nay, các ngân hàng đã ráo riết và vất vả để hoàn thành yêu cầu tăng vốn từ ngân hàng nhà nước lên 3.000 tỷ đồng. Kinh tế khó khăn, chứg khoán tụt giảm, rất nhiều ngân hàng đã không kịp đáp ứng đánh phải lỡ hẹn những cũng có những thành công nhờ gọi được vốn ngoại.


Có thể kể đến, Ngân hàng Phương Đông (OCB) bán một phần vốn cổ đông chiến lược nước ngoài sẵn có là BNP Paribas (PNPP) để nâng vốn 2.600 tỷ lên 3.000 tỷ đồng. SouthernBank được chấp thuận tăng vốn điều lệ từ 3.049 tỷ đồng lên trên 3.212 tỷ đồng thông qua chào bán cổ phần riêng lẻ cho UOB (Singapore) với tỷ lệ sở hữu cổ phần là 20% vốn điều lệ.


Tương tự, VIB, Mekong Bank cũng tăng vốn điều lệ lên vài trăm tỷ đồng thông qua bán cổng phần cho một số định chế tài chính lớn từ Úc, Singapore.


Minh bạch thông tin trên trường quốc tế


Thị trường vốn quốc tế rất lớn và cơ hội dành cho tất cả các DN. Nhưng để huy động vốn được trên thị trường này là điều hoàn toàn không dễ. Đề được chấp nhận cho vay vốn hay có được cái bắt tay hợp tác của các nhà đầu tư ngoại, các DN trong nước phải chứng minh được giá trị và uy tín của mình.Việc tiếp cận nguồn vốn đầu tư nước ngoài là một quá trình gian nan, lâu dài và bên cạnh việc chuẩn bị nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh thì DN phải có sự chuẩn bị về tâm lý.


Hơn thế, quan ngại lớn nhất đối với các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam chính là sự minh bạch trong quản trị, kinh doanh và thông tin. Các nhà đầu tư nước ngoài quan ngại nhất là vấn đề minh bạch của các công ty Việt Nam bởi họ muốn đầu tư dài hạn, có tầm nhìn ít nhất 7-10 năm.


Để làm điều đó, các DN phải chứng minh được giá trị của mình cả về kinh doanh, quản trị... để tạo niềm tin cho nhà đầu tư ngoại. mà điều đó không Kiểu "ễ mà có ngay được nếu DN không lam ăn bài bản và ngiêm túc từ sớm. Thị trường nước ngoài đánh giá cao các doanh nghiệp minh bạch thông tin bao gồm tin tốt và tin xấu để nhà đầu tư có những quyết định và ước định được rủi ro khi tham gia đầu tư.


Chính vì thế, chia sẻ kinh ngiệm thành công của HAGL, các chuyên gia cho rằng, để thành công, doanh nghiệp phải có trách nhiệm về các thông tin công bố; báo cáo, kế hoạch kinh doanh; tái cơ cấu tài chính, nhân sự, dự án để đảm bảo các chỉ tiêu kế hoạch là khả thi cao; phải trao đổi thường xuyên với nhà đầu tư nước ngoài để nhà đầu tư nắm bắt, hiểu rõ doanh nghiệp, quy mô vốn hóa của doanh nghiệp trên thị trường. Các công đoạn phải được sắp xếp lại theo cách mà nhà đầu tư quốc tế nhìn nhận là minh bạch, phù hợp với nhà đầu tư tại thị trường mình cần huy động vốn.


Trong khi đó, đối với các nhà đầu tư vào ngân hàng, dù tình hình còn khó khăn nhưng vẫn có những thương vụ thành công. Điều này cho thấy, các nhà đầu tư ngoại vẫn luôn tìm kiếm và tận dụng các cơ hội đầu tư ở Việt Nam.


Trên thực tế, những ngân hàng có đối tác nước ngoài đều xây dựng được những sản phẩm và dịch vụ tài chính cạnh tranh, nâng cao năng lực công nghệ ngân hàng.. Ngược lại những đối tác ngoại cũng thu được những lợi nhuận lớn từ việc đầu tư vào ngân hàng Việt Nam. Chính vì vậy, việc gia tăng hợp tác để có được sự hỗ trợ nhiều hơn từ phía đối tác nước ngoài trong các lĩnh vực trên là rất cần thiết đối với nhiều ngân hàng thương mại Việt Nam để phát triển và cạnh tranh. Còn với ngân hàng ngoại, họ cũng tìm được kỳ vọng của mình là lợi nhuận và thị phần.


Khi cả hai đều tìm được giá trị mong muốn của mình trên nên tảng một thị trường còn nhiều tiềm năng và cô hội thì không có gì lạ khi sẽ có nhiều hơn những sự kiên công bố nhà đầu tư ngoại của các ngân hàng Việt Nam. Đó chính là một sự kết nối nhu cầu và giá trị, không có ai cho không ai nhưng để được có vốn thì chính các ngân hàng và DN phải chứng minh được giá trị của minh đáng để đầu tư và là cơ hội cho nhà đầu tư ngoại.

Theo Lê Khắc (VEF)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.