21/07/2019 10:58 AM
Bước qua nửa tháng 7, nhiều ngân hàng công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm, trong đó có một số nhà băng lập mức lãi khủng với hàng ngàn tỷ đồng.

Điểm chung bước đầu cho thấy lợi nhuận một số ngân hàng tiếp tục “không có đỉnh”, gắn với lực đẩy đến từ các hướng dịch chuyển trước đây để bền vững hơn.

Trong đó, nhiều ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP) đã vươn lên ngoạn mục trong bảng xếp hạng lợi nhuận và bám sát vị trí top đầu của nhóm 4 “ông lớn” ngân hàng có vốn nhà nước.

Đồng loạt báo lãi khủng

Đến ngày 16/7, nhiều ngân hàng thương mại đã sơ kết hoạt động 6 tháng đầu năm 2019 với những con số khả quan về lợi nhuận, tình hình kinh doanh.

Cụ thể, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) vừa thông báo lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm 2019 ở mức 11.280 tỷ đồng, tăng 40,7% so với cùng kỳ năm trước. Thu hồi nợ ngoại bảng đạt 1.942 tỷ đồng, hoàn thành 55,5% kế hoạch năm 2019 và dư nợ tín dụng sau 6 tháng tăng 9,7%.

Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) cho biết kết thúc 6 tháng đầu năm 2019, tổng lợi nhuận trước thuế đạt 1.620 tỷ đồng, tăng 58% so với cùng kỳ và đạt 50,6% kế hoạch đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) đã đề ra.

Mức lợi nhuận này được ghi nhận sau khi ngân hàng trích đầy đủ dự phòng rủi ro theo quy định.

Một ngân hàng khác cũng báo lợi nhuận tăng mạnh trong 6 tháng đầu năm là Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) với con số lợi nhuận trước thuế gần 1.500 tỷ đồng, hoàn thành 55% kế hoạch cả năm và tăng gấp rưỡi cùng kỳ năm 2018.

Trong khi đó, Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) công bố lợi nhuận trước thuế của 6 tháng đạt 1.820 tỷ đồng, tăng 58% so với cùng kỳ và hoàn thành 54% kế hoạch năm. Đến cuối tháng 6, dư nợ cho vay của VIB tăng tới 19% so với đầu năm.

Tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm mới đây, Ngân hàng TMCP Quân Đội (MB) cho biết kết thúc nửa đầu năm 2019, MB duy trì đà tăng trưởng tốt, hoàn thành các chỉ tiêu kinh doanh đặt ra. Lợi nhuận trước thuế của riêng ngân hàng đạt 4.306 tỷ đồng, hoàn thành 50,5% kế hoạch năm, tăng 22,5% so với cùng kỳ năm 2018.

Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) cũng ghi nhận con số lãi nghìn tỷ trong nửa đầu năm. Tại buổi gặp gỡ nhà đầu tư để công bố kết quả kinh doanh sơ bộ 6 tháng đầu năm 2019, đại diện ACB cho biết tổng lợi nhuận trước thuế của ngân hàng đạt 3.600 tỷ đồng. Tăng trưởng tín dụng và tiền gửi lần lượt là 9% và 7%. Năm 2019, chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của ACB ở mức 17%, được tăng thêm 4% sau khi đạt chuẩn Basel 2.

Nhiều ngân hàng đạt mức lãi khủng trong 6 tháng đầu năm 2019

Gia tăng dịch chuyển

Điểm chung đáng chú ý của các nhà băng đã công bố kết quả kinh doanh cơ bản 6 tháng đầu năm nay là nguồn thu chính vẫn tới từ lãi thuần nhưng đã “co hẹp” hơn, song song đó gia tăng dịch chuyển và thêm hướng mở tín dụng sang mảng dịch vụ. Điều này đã dần đóng góp tích cực vào cơ cấu lợi nhuận của các nhà băng…

Như tại VIB, mảng bán lẻ chiếm 78% tổng danh mục cho vay của ngân hàng. Trong đó, hai sản phẩm cho vay chủ lực của VIB là cho vay mua nhà ở và cho vay mua ô tô đạt tăng trưởng 19% và 23% trong 6 tháng đầu năm (năm 2018 đạt tốc độ tăng trưởng tương ứng là 45% và 59%).

Kết quả, 6 tháng đầu năm, lãi từ hoạt động dịch vụ của VIB tăng tới 142% lên mức 764 tỷ đồng, chiếm 21%; lãi thuần từ hoạt động khác cũng tăng 11%, đạt 93,5 tỷ đồng.

Mức lợi nhuận “không có đỉnh” trong thời gian qua của Vietcombank cũng nhờ vào 3 hướng dịch chuyển so với giai đoạn trước đây. Đó là dịch chuyển mạnh từ bán buôn sang bán lẻ; đẩy mạnh vốn cho hoạt động đầu tư; gia tăng tỷ trọng và nguồn thu dịch vụ qua mở rộng khách hàng và phát triển các sản phẩm, tiện ích.

Trong khi đó, ACB cho biết lợi nhuận tăng trưởng có sự đóng góp không nhỏ của mảng phân phối bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance) với Bảo hiểm AIA. Doanh thu dự kiến của mảng bancassurance cho cả năm 2019 khoảng 600 tỷ đồng.

Hàng loạt ngân hàng khác như: TPBank, Sacombank, MB… cũng đang chuyển dịch cơ cấu kinh doanh sang mảng dịch vụ, phí, bán lẻ và đã thu được những kết quả khả quan. Ngoài ra, sự chuyển dịch này còn giúp nhà băng hạn chế rủi ro nợ xấu, kinh doanh tăng trưởng bền vững hơn.

Theo đánh giá của các chuyên gia, mức tăng trưởng lợi nhuận này sẽ tiếp tục được các nhà băng “phá vỡ” trong 6 tháng cuối năm. Thời điểm này, thị trường bắt đầu đón nhận thông tin một số ngân hàng thương mại được Ngân hàng Nhà nước nới “room” chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay. Đây cũng được xem là một kết quả đến sau khi có chuyển biến trong xử lý nợ xấu và củng cố được an toàn, chuẩn mực hoạt động cao hơn (Basel 2)…

Hiện, thị trường vẫn đang chờ đợi báo cáo tài chính chính thức từ các ngân hàng, dự kiến sẽ lần lượt được công bố trong vài tuần tới. Tuy nhiên, với những gì đang diễn ra, cơ hội đang rộng mở cho khối ngân hàng TMCP có thể bám sát nhóm “big 4” ngân hàng có vốn nhà nước. Trong đó, một số thành viên như MB, Techcombank, VPBank… được kỳ vọng sẽ tiếp tục có mức tăng trưởng tốt về lợi nhuận.

Huyền Anh (TBKD)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.