08/08/2012 1:10 PM
Không chỉ khoán chỉ tiêu huy động cho cán bộ, nhân viên (Tiền Phong ngày 7-8 đã thông tin), nhiều ngân hàng còn huy động lãi suất vượt trần 9%/năm để giành giật khách gửi tiền.

Việc vượt trần lãi suất huy động sẽ cản trở chủ trương giảm lãi suất cho vay của NHNN. Ảnh: Hồng Vĩnh.

Lách để vượt trần

Anh Văn, giám đốc một sàn bất động sản tại Hải Phòng cho biết, anh gửi tiền tại ngân hàng T cách đây hơn tháng, khi đó NHNN đã áp trần lãi suất huy động ngắn hạn 9%, nhưng thực tế ngân hàng vẫn trả cho khách 10,3%/năm. Khoản lãi suất vượt trần được ngân hàng trả luôn tiền mặt cho khách.

Chủ một công ty địa ốc tại Hà Nội cho biết, cách đây 2 tuần, ông được một ngân hàng thương mại cổ phần X (thuộc nhóm 1) mời gửi tiền với lãi suất 11,5%/năm cho kỳ hạn 6 tháng.

Theo đó, hợp đồng gửi tiền kỳ hạn 6 tháng của ngân hàng vẫn ghi lãi suất 9%/năm để... “ghi nhớ”. Còn sau 3 tháng, ngân hàng sẽ trả trước phần chênh 2,5% vào tài khoản của khách. Số lãi 9% còn lại sẽ trả vào cuối kỳ, khi rút gốc.

Trước đó, Ngân hàng nhà nước (NHNN) đã chỉ thị cấm lách trần huy động kỳ hạn ngắn theo những cách trên hoặc cho rút gốc trước hạn vẫn hưởng nguyên lãi suất, tính lãi bậc thang…

Do vậy, các ngân hàng buộc phải giảm lãi suất huy động. Nhưng không ít nhà băng vẫn “đi đêm” với lãi suất không dưới 10%/năm.

Một chuyên gia ngân hàng cho hay, lách trần lãi suất huy động là “thói quen” khó bỏ của các ngân hàng thương mại (NHTM). Vì hai lý do: một là thanh khoản của ngân hàng vẫn rất khó khăn.

Hai là sức ép phải duy trì nguồn vốn cũ, đồng thời phải tăng vốn huy động lên. Vì thế, các NHTM phải chạy đua lãi suất để giành khách hàng gửi tiền.

“Các ngân hàng có nhiều chiêu lách và biến tấu các khoản chi thêm, cơ quan quản lý khó mà kiểm soát được”- vị chuyên gia ngân hàng nói.

Từ đầu tháng 8, nhiều ngân hàng đã tăng lãi suất tiền gửi trung và dài hạn lên mức 10-12%/năm để hút vốn. Vì lãi suất các kỳ hạn này không bị điều chỉnh bởi lệnh cấm của NHNN.

Đơn cử, với kỳ hạn trên 12 tháng, Ngân hàng Bắc Á hiện trả lãi 11,9%/năm, Seabank là 11%/năm, Vietcombank trả lãi 10% (kỳ hạn 12 tháng và từ 24-60 tháng).

Tại khu vực Cầu Giấy (Hà Nội), Phòng giao dịch của VPBank niêm yết lãi suất là 10%/năm cho kỳ hạn từ 12 tháng trở lên.

Để cải thiện thanh khoản, nhiều ngân hàng đẩy mạnh các gói huy động chỉ 1-2 tháng (thay vì tối thiểu 3 tháng như trước), vẫn trả lãi suất kịch trần 9%/năm.

Khi lượng vốn huy động từ dân cư quá ít, các ngân hàng yếu thanh khoản phải vay nóng trong hệ thống hoặc “cầu cứu” NHNN.

Theo số liệu của NHNN cập nhật đến ngày 2-8, lãi suất qua đêm có xu hướng tăng trong nhiều ngày qua và ở mức 4,35%/năm. Giao dịch trên thị trường liên ngân hàng mỗi ngày khoảng 20.000-28.500 tỷ đồng.

Thống kê trên thị trường mở, từ cuối tháng 6 đến giữa tháng 7, tổng khối lượng giao dịch phát sinh là 2.925 tỷ đồng, với lãi suất 8-8,5%/năm. Ngày 13-7, thị trường mở đã phát sinh giao dịch tới 1.065 tỷ đồng, với lãi suất 8%/năm.

Cty tài chính cũng đua huy động

Ngày 6-8, website của Cty Tài chính Handico (Hafic) niêm yết lãi suất huy động dưới 12 tháng là 14%/năm, cao hơn mức trần huy động của ngân hàng tới 5%.

Một nhân viên của công ty này cho biết, công ty vẫn nhận tiền gửi của nhiều cá nhân, tổ chức, nhưng với kỳ hạn trên 6 tháng và lãi suất đúng 9% như quy định của NHNN.

“Nếu khoản tiền gửi giá trị từ 2-5 tỷ đồng, thì có thể trình lãnh đạo xem xét”- Nhân viên này nói và cho biết, có thể giới thiệu khách gửi tiền sang một ngân hàng, nhưng phải là “chỗ người quen mới nhận gửi tiền, lãi cao hơn, tối thiểu là 11-11,5%, tối đa có thể tới 13%”.

Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên Tiền Phong, một lãnh đạo của Hafic khẳng định: “Công ty không nhận tiền gửi của cá nhân 6 tháng hay 12 tháng dưới bất kỳ hình thức nào. Công ty không cho nhân viên huy động từ cá nhân, mà chỉ có mấy nhân viên làm huy động trên thị trường 2 từ tổ chức, ngân hàng với nhau thôi”.

Tại Cty Tài chính Sông Đà, khách lạ hỏi gửi tiền thì được biết, công ty không nhận tiền gửi cá nhân, chỉ nhận tiền gửi của doanh nghiệp với lãi suất là 9%/năm cho kỳ hạn ngắn.

Nếu gửi 12 tháng, thì có thể cao hơn 10-11%/năm, bằng lãi suất huy động của Agribank, nhưng với điều kiện không được rút lãi trước hạn.

Theo TS Cấn Văn Lực, chuyên gia ngân hàng, NHNN quy định: Công ty tài chính không được nhận tiền gửi của cá nhân dưới 12 tháng. Nhưng thực tế, thời gian qua, việc huy động vốn từ các doanh nghiệp thành viên trong tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng hết sức khó khăn.

“Cơ quan chức năng cần vào cuộc kiểm tra xem công ty tài chính nào được phép và không được phép huy động vốn ngắn hạn từ cá nhân. Nếu có vi phạm, chắc chắn họ sẽ bị phạt”.

"Trước đây, Thống đốc đã từng xử phạt ngân hàng vượt trần lãi suất huy động vốn bằng cách miễn chức, sa thải cán bộ. Nhưng gần đây, nhiều ngân hàng vẫn vi phạm sao không thấy xử lý nữa? Còn nếu chỉ phạt hành chính vài chục triệu đồng thì ai sợ?”.

Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành

Theo Tiền Phong
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.