12/10/2017 1:19 PM
Cách đây 5 - 7 năm, bất động sản dọc hai bên Đại lộ Thăng Long từng được coi là nơi “hốt bạc” của giới đầu tư. Tuy nhiên, khi cơn lốc khủng hoảng qua đi thì các dự án trên trục đường này lại “đắp chiếu” nhiều nhất.
Một phần dự án Nam An Khánh đến thời điểm hiện tại vẫn là đô thị ma
Đầu tiên phải kể đến Nam An Khánh – khu đô thị từng được coi là “hàng khủng” trên tuyến đường Đại lộ Thăng Long, tuy nhiên khi thị trường rơi vào khó khăn chủ đầu tư cũng không thoát khỏi khủng hoảng và khiến cho dự án bất động một thời gian dài. Cách đây 2 năm, để có tiền tái khởi động dự án, Sudico đã "cắt đất" để bán cho các ngân hàng.
Tại dự án khác là Spendora, kết quả kinh doanh bết bát trong nhiều năm qua cùng việc các sản phẩm đã hoàn thành nhưng ế ẩm khiến Vinaconex gặp bế tắc trong việc bán cổ phần dự án được ví như Paris của Hà Nội với slogan đầy mê hoặc “nơi ước đến, chốn mong về”.
Nằm ở phía Tây và khá xa khu trung tâm, các sản phẩm tại dự án Splendora được bán dưới dạng hoàn thiện chứ không phải nhà xây thô, hơn nữa cơ cấu diện tích lớn đồng nghĩa với việc người mua phải bỏ ra từ vài tỷ đến vài chục tỷ đồng để sở hữu căn hộ tại đây.
Hiện trên thị trường thứ cấp, sản phẩm biệt thự, liền kề tại dự án Slpendora đang được chào bán tràn lan và bị rớt giá thê thảm. Hiện nhiều nhà đầu tư đang chào bán các suất biệt thự, liền kề được khởi công trong giai đoạn 1 với mức chênh khoảng 3 - 5 tỷ đồng/suất, trong khi một năm trước đó, mức chênh mỗi suất lên đến cả chục tỷ đồng.
Nỗi đau của bất động sản Đại lộ Thăng Long có lẽ không thể không kể tới dự án Tricon Tower của Công ty CP đầu tư Minh Việt.
Dự án Tricon Tower đến nay vẫn là những cọc chông sừng sững
Sau khi hoàn thành phần móng, cho tới nay dự án vẫn đang chìm trong giấc ngủ dài và chưa biết tới ngày nào tái khởi động bởi chính ông chủ của dự án hiện nay không còn có thông tin nào ở Việt Nam. Và 128 khách hàng đã ký hợp đồng mua bán căn hộ Tricon Towers từ những năm 2009, 2010 cũng có nguy cơ rơi vào cảnh mất trắng căn hộ nếu không có ai giải cứu.
Còn nằm cách đó không xa, “đại dự án” khu du lịch, vui chơi, giải trí, đô thị sinh thái Tuần Châu (Sài Sơn - Quốc Oai) do Công ty cổ phần Tuần Châu Hà Nội làm chủ đầu tư cũng trong cảnh “đóng băng” sau khi chính thức khởi công tháng 2/2008.
Theo quy hoạch, dự án có quy mô trên 18ha gồm sân golf, khu vui chơi giải trí, trung tâm thương mại quốc tế, khu biệt thự và khách sạn 5 sao… nhưng đã gần chục năm trôi qua, hàng trăm héc ta “bờ xôi ruộng mật” và những ngôi nhà xây dựng dang dở vẫn trong tình trạng bị bỏ hoang.
Không chỉ có những dự án nằm dọc Đại lộ Thăng Long, hiện nay nhiều dự án “chết lâm sàng” vẫn nằm la liệt trên thị trường mà chưa biết bao giờ mới vực dậy như: Chuỗi dự án của Vina Megastar, Usilk City, AZ Lâm Viên Complex, Habico Phạm Văn Đồng…
Hệ lụy của cuộc khủng hoảng bất động sản đã khiến nhiều doanh nghiệp lao đao, khắp nơi, từ Bắc chí Nam cho tới miền Trung, đâu đâu cũng thấy những công trường trơ những cọc sắt nhọn hoen gỉ, những cao ốc văn phòng gần đến ngày chào thuê thì chủ đầu tư hết tiền, ngân hàng không giải ngân và vì thế việc xây dựng cũng bị ngưng trệ.
Nguyên nhân cơ bản khiến các dự án đến nay vẫn chưa phục hồi được là khả năng tài chính của chủ đầu tư không đảm bảo, nếu không muốn nói là không có khả năng để tiếp tục triển khai dự án. Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, do thị trường khó khăn và chủ đầu tư đã đầu tư quá dàn trải, khiến tiền thu được của khách hàng không được đổ vào dự án nên tiến độ các dự án kể trên gần như “bất động”.
Nguyên nhân thứ hai là tính pháp lý của dự án không đảm bảo. Bởi sau khi dự án được phê duyệt, chủ đầu tư đã chuyển nhượng từng phần của dự án cho nhà đầu tư thứ cấp ở nhiều cấp độ. Nhiều hợp đồng huy động vốn đã trải qua 5, 7 lần chuyển nhượng càng khiến cho tính pháp lý của hợp đồng ngày càng mờ nhạt, thậm chí, các ngân hàng cũng né tránh cho vay những dự án này.
Vì vậy lối thoát duy nhất cho các dự án "chết lâm sàng" là chuyển nhượng cho chủ đầu tư mới có năng lực hơn, tuy nhiên cũng ít nhà đầu tư dám nhận.
An Bình (DDDN)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.