ExxonMobil, Delta Offshore Energy, General Electric và AES đã lần lượt ký thỏa thuận hợp tác, phát triển các dự án năng lượng khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) tại Việt Nam.

Dự án tỷ đô của AES

Trong khuôn khổ Diễn đàn kinh doanh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương 2020 diễn ra ngày 28/10, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết, AES sẽ ký một thỏa thuận với Petro Vietnam Gas để phát triển một nhà máy nhập khẩu LNG trị giá 2,8 tỷ USD và một nhà máy điện tại Việt Nam.

Kỳ vọng gì từ cuộc đổ bộ của các “ông lớn” ngành năng lượng Mỹ vào Việt Nam? - Ảnh 1.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh.

"Việt Nam đã bật đèn xanh cho AES, công ty có trụ sở tại Virginia, để tiến hành dự án", ông Pompeo cho biết tại Diễn đàn Doanh nghiệp Ấn Độ - Thái Bình Dương trực tuyến.

Ông Pompeo cũng cho rằng, thỏa thuận này sẽ mở ra cánh cửa cho việc nhập khẩu LNG trị giá hàng tỷ đô la của Mỹ vào Việt Nam mỗi năm, đồng thời mô tả đây là một "tình huống đôi bên cùng có lợi".

Trong khuôn khổ Diễn đàn, Ngoại trưởng Mỹ cho rằng, các công ty Mỹ luôn tuân thủ nguyên tắc luật pháp và minh bạch và có tiêu chuẩn chất lượng rất cao đối với sản phẩm của họ.

Trên thực tế, AES là tập đoàn năng lượng có trụ sở tại Bang Virginia, Mỹ. Họ nằm trong danh sách 500 công ty lớn nhất Hoa kỳ do tạp chí Fortune bình chọn (Top 500 Fortune) và là một trong những công ty hàng đầu thế giới về lĩnh vực năng lượng. Hiện tại AES đang có mặt tại 15 quốc gia và khu vực với hơn 10.500 nhân sự.

Kỳ vọng gì từ cuộc đổ bộ của các “ông lớn” ngành năng lượng Mỹ vào Việt Nam? - Ảnh 2.

Đoàn công tác AES gặp gỡ PV GAS năm 2019.

Tại Việt Nam, AES đã có các hoạt động thành công và hiệu quả kể từ năm 2010 đến nay. Họ đã đầu tư vào dự án Nhà máy điện than Mông Dương 2 với công suất 1150 MW tại Quảng Ninh. Tháng 9/2019, AES cũng đã được Chính phủ Việt Nam chấp thuận cho phép làm chủ đầu tư dự án Nhà máy điện Sơn Mỹ 2 sử dụng khí LNG qua kho LNG Sơn Mỹ mà PV GAS làm chủ đầu tư.

Và một loạt các dự án đáng kỳ vọng

Cũng tại diễn đàn hôm thứ Tư, Delta Offshore Energy đã chính thức hóa một kế hoạch được công bố trước đó về thỏa thuận trị giá 3 tỷ USD với Bechtel, General Electric và McDermott để phát triển nhà máy điện LNG 3,2 gigawatt tại tỉnh Bạc Liêu, Việt Nam.

Dự án tại Bạc Liêu đã được cấp phép hồi tháng 1/2020, với tổng mức đầu tư 4 tỉ USD. Nhà máy có công suất 3.200 MW, có thể tạo ra hơn 20 TWh điện hàng năm và có công suất tái khí hóa lên đến 6MTPA. Khi đi vào hoạt động, dự kiến kế hoạch mỗi năm nhập khẩu khoảng 3 triệu tấn khí hóa lỏng để phục vụ cho việc vận hành nhà máy.

Đáng chú ý đây là dự án sử dụng LNG sản xuất điện đầu tiên do khu vực tư nhân sở hữu và vận hành, được phê duyệt trong quy hoạch tổng thể phát triển điện lực quốc gia Việt Nam với hình thức 100% vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Kỳ vọng gì từ cuộc đổ bộ của các “ông lớn” ngành năng lượng Mỹ vào Việt Nam? - Ảnh 3.

ExxonMobil cũng đầu tư dự án tỷ đô tại Hải Phòng, Việt Nam từ đầu tháng 10/2020.

Trước đó, "gã khổng lồ" ExxonMobil đã cùng Hải Phòng và công ty Nhật Bản JERA đã ký biên bản ghi nhớ cho dự án điện LNG tích hợp tại Hải Phòng. Theo đó, dự án tổ hợp nhà máy điện khí LNG do tập đoàn ExxonMobil đề xuất đầu tư tại khu công nghiệp Tiên Lãng 1, với công suất 4.500 MW từ đầu tháng 10/2020. Dự án sử dụng công nghệ tuabin khí hỗn hợp với tổng mức đầu tư khoảng 5,09 tỉ USD. ExxonMobil đã nộp đơn đăng ký quy hoạch tổng thể.

Có thể nói, tại thời điểm này, Việt Nam đang xây dựng nhiều nhà máy chuyển điện từ LNG, với nhà máy đầu tiên đi vào hoạt động vào năm 2023, một động thái đầy tham vọng có thể đưa LNG trở thành nguồn năng lượng chính cho nền kinh tế đang phát triển nhanh của Việt Nam.

Hiện tại, khí hóa lỏng - LNG được mua bán rất phổ biến trên thị trường quốc tế và trở thành nguồn năng lượng quan trọng của nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Trung Quốc, các nước châu Âu và Bắc Mỹ… Khu vực Đông Bắc Á đang là thị trường tiêu thụ LNG mạnh mẽ với Nhật Bản là quốc gia nhập khẩu LNG lớn nhất thế giới, mỗi năm khoảng 80 triệu tấn.

Nguyễn Chuẩn (Diễn đàn doanh nghiệp)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.