Huyện Ngọc Hồi nằm ở vị trí “đắc địa” giáp với khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y (tỉnh Kon Tum), thuận lợi giao thương nên hàng loạt dịch vụ nhà hàng, khách sạn mọc lên như nấm. Tuy nhiên, ít ai biết được, những công trình lớn tọa lạc ngay trung tâm huyện lại được xây dựng bất hợp pháp.
Khi sự việc bị phát giác, thay vì xử lý nghiêm sai phạm, chính quyền địa phương lại chấp nhận phương án cho xây trước rồi cấp phép sau.
Ngang nhiên xây dựng không phép
Những ngày qua, PV báo ĐS&PL nhận được nhiều cuộc gọi của người dân tỉnh Kon Tum, phản ánh chính quyền huyện Ngọc Hồi “lấp liếm” bao che hàng loạt công trình xây dựng trái phép trên địa bàn.
Sau khi nhận được phản ánh của người dân, PV đã đến huyện Ngọc Hồi để “tận mục sở thị”. Bất kỳ ai lần đầu đến khu liên hợp của doanh nghiệp Bình Tây Nguyên phải choáng ngợp trước quy mô hoành tráng của công trình này.
Khu liên hợp hoành tráng xây dựng trên khe suối cạn của doanh nghiệp Bình Tây Nguyên.
Người dân nơi đây cho biết: “Mỗi ngày lượng khách ra vào khu liên hợp này rất đông, đặc biệt, khi sân khấu lên đèn không còn một chỗ trống. Mặc dù xây dựng trái phép nhưng doanh nghiệp Bình Tây Nguyên vẫn ngang nhiên hoạt động kinh doanh nhiều năm nay.
Tiếp đó, theo địa chỉ người dân cung cấp, PV tiếp tục tìm đến một khách sạn được cho xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp chưa chuyển đổi mục đích của doanh nghiệp Phú Phát (nằm ngay trung tâm huyện Ngọc Hồi). Theo ghi nhận của PV, khách sạn được xây dựng khang trang, cao 4 tầng đang hoàn thiện phần thô.
Điều PV thắc mắc là nếu chưa được cấp phép, tại sao các doanh nghiệp trên lại “bạo gan” thi công ngay giữa “thanh thiên, bạch nhật” như vậy?
Xây trước cấp phép sau
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Đức Xuân, Trưởng phòng TN&MT huyện Ngọc Hồi xác nhận: “Doanh nghiệp Bình Tây Nguyên mới được cấp phép xây dựng 400m2 đất thổ cư (doanh nghiệp đã xây nhà ở). Còn lại, phần diện tích đất mà doanh nghiệp này triển khai dự án khu liên hợp thuộc phần đất nông nghiệp chưa chuyển mục đích sử dụng là trái quy định. Còn dự án khách sạn quy mô 4 tầng của doanh nghiệp Phú Phát cũng xây dựng trên phần đất nông nghiệp và không có giấy tờ”.
Trong khi đó, ông Trần Văn Nhứt, Trưởng phòng Kế hoạch huyện Ngọc Hồi bao biện, doanh nghiệp Bình Tây Nguyên xây dựng theo đúng kết cấu hạ tầng.
Ông Nhứt lý giải: “Hồ cá đã có sẵn từ trước, nếu có, thì doanh nghiệp Bình Tây Nguyên chỉ xây thêm bờ kè”, có vấn đề gì đâu? Tuy nhiên, khi PV hỏi ông Nhứt đã vào tham quan khu liên hợp Bình Tây Nguyên chưa, ông Nhứt ngập ngừng trả lời rằng “chưa”.
Để thẩm định lại một lần nữa thông tin trên, PV tìm gặp ông Phạm Thanh Tâm, Chánh văn phòng UBND huyện Ngọc Hồi. Ông Tâm thừa nhận: “Hai doanh nghiệp Bình Tây Nguyên, Phú Phát triển khai các dự án kinh doanh khi chưa được cấp phép xây dựng trên diện tích đất nông nghiệp chưa chuyển đổi là sự thật.
Tuy nhiên, khi PV thông tin rằng trên địa bàn ngoài hai doanh nghiệp nói trên còn có nhiều đơn vị khác cũng có sai phạm tương tự, ông Tâm cho biết: “Hiện tại vấn đề này huyện chưa nắm rõ nhưng chúng tôi đã tiến hành thành lập tổ kiểm tra, rà soát lập danh sách các đơn vị có liên quan để có biện pháp xử lý”.
Liên quan đến vấn đề công trình xây dựng trái phép trên địa bàn huyện Ngọc Hồi, PV đã trao đổi với ông Bùi Thanh Bình (Chánh Văn phòng UBND tỉnh Kon Tum). Theo đó, khu liên hợp của doanh nghiệp Bình Tây Nguyên, khách sạn xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp chưa chuyển đổi mục đích của doanh nghiệp Phú Phát có đúng luật định; việc xây trước cấp phép sau thì xử lý thế nào?
Trả lời các vấn đề trên, ông Bình cho hay: “Quan điểm của tỉnh là sẽ xử lý theo đúng luật định”.
Hồ Nam (ĐSPL)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.