15/11/2012 1:59 PM
Hôm qua 14-11 tại Hội thảo cập nhật tình hình kinh tế và tái cấu trúc hệ thống ngân hàng Việt Nam do Ngân hàng ANZ Việt Nam tổ chức, TS. VÕ TRÍ THÀNH, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, nhận định bức tranh kinh tế vĩ mô Việt Nam năm 2012 đã cải thiện, song rủi ro còn hiển hiện khi sản xuất kinh doanh phục hồi chậm chạp và yếu. TS. Thành nhận định:

Bức tranh đan xen sáng tối

Trong bối cảnh lạm phát cao, Việt Nam đã ban hành Nghị quyết 11, hy sinh tăng trưởng trong ngắn hạn để ổn định kinh tế vĩ mô, thay đổi cách thức tăng trưởng. Bước sang năm 2012, Việt Nam vẫn ưu tiên tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, giữ mức tăng trưởng hợp lý, đưa ra lộ trình cải cách cơ cấu (DNNN, khu vực tài chính ngân hàng, đầu tư công) tạo tiền đề chuyển đổi mô hình tăng trưởng hiệu quả và bền vững.

Hiện nay, bức tranh kinh tế Việt Nam có các màu sắc chủ đạo: Kinh tế vĩ mô cải thiện, lạm phát giảm nhanh, từ 23% tháng 8 năm ngoái (tính theo năm) nay chỉ 7%, dự tính cả năm khoảng 8-8,5%. Thâm hụt thương mại từ chỗ cả chục tỷ USD nay cân bằng, đến hết tháng 10 thặng dư 200 triệu USD. Cán cân thanh toán quốc tế 9 tháng thặng dư 8-9 tỷ USD, dự trữ ngoại tệ tăng khoảng trên 10 tỷ USD lên 23 tỷ USD.

Tiến hành cải cách sâu rộng hơn

Việt Nam cần có những động thái tích cực hơn nhằm cải thiện môi trường kinh tế, đáp ứng những thay đổi và thách thức mới. Những động thái này bao gồm chiến lược đúng đắn để cải cách DNNN, tái cơ cấu ngân hàng, thị trường vốn để giúp doanh nghiệp có được nhiều nguồn lực hơn thông qua việc cho phép nhà đầu tư nước ngoài tham gia sâu rộng hơn vào thị trường này. Tuy nhiên về lâu dài, động lực chính giúp Việt Nam duy trì tăng trưởng vẫn là tiêu dùng nội địa, tương tự nhiều nền kinh tế khác tại châu Á hiện nay.

Ông Aninda Mitra,
Trưởng ban Kinh tế Đông Nam Á Ngân hàng ANZ

Tuy vậy, nhìn chung rủi ro hiện hữu vẫn còn rất lớn. Thứ nhất, lạm phát còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố trong bối cảnh kinh tế biến động.

Thứ hai, phụ thuộc vào cách điều hành chính sách tài khóa của Chính phủ.

Thứ ba, về thâm hụt ngân sách, Chính phủ đặt mục tiêu năm 2012 là 4,8% GDP (140.000 tỷ đồng) nhưng đến tháng 10 năm nay thâm hụt con số tuyệt đối đã vượt dự toán năm (trên 153.000 tỷ đồng).

Các doanh nghiệp khó khăn, bất động sản đóng băng nên nguồn thu từ thuế bất động sản, dịch vụ giảm mạnh. Thứ tư, rủi ro lớn nhất là hệ thống tài chính ngân hàng rất yếu. Việc xử lý NHTM yếu kém và nợ xấu khó khăn hơn kỳ vọng đặt ra.

Tổng cầu giảm mạnh, tồn kho lớn, việc tiếp cận vốn tín dụng hết sức khó khăn vẫn tiếp tục là những điểm nghẽn trong nền kinh tế. Theo Tổng cục Thống kê, các chỉ số kinh tế đang diễn ra theo chiều hướng phục hồi từ từ như tăng trưởng GDP, chỉ số công nghiệp quý sau tốt hơn quý trước, xuất khẩu vẫn rất tốt (tăng trưởng 10 tháng đạt 17-18%), tồn kho khu vực chế biến giảm… nhưng thực tế tỷ lệ số doanh nghiệp bi quan tăng lên mạnh nhất kể từ cuối năm ngoái đến nay.

Có 3 lý do: Các con số khái quát của Tổng cục Thống kê chưa phản ánh hết hình ảnh thực của vi mô. Xuất khẩu tăng chủ yếu do doanh nghiệp nước ngoài, trong đó chủ yếu là Samsung. Các lĩnh vực xuất khẩu chủ yếu trong nước như ngành gạo, cà phê tăng trưởng xuất khẩu 10 tháng đạt 0,3%.

Con số dương ấy chỉ xuất hiện vào tháng 10, còn tháng 9 vẫn âm. Chưa bao giờ tốc độ nhập khẩu Việt Nam thấp như hiện nay, tăng 6-7%. 90% hàng xuất khẩu Việt Nam liên quan đến nguyên liệu, hàng hóa đầu vào từ Trung Quốc, cứ 100 đồng nhập khẩu có 60 đồng là chi phí nguyên liệu trung gian đầu vào.

Tồn kho trong ngành công nghiệp chế biến, tồn kho bất động sản trên 2 tỷ USD (70.000 căn hộ tồn kho không bán được). Theo tính toán tác động gói hỗ trợ doanh nghiệp 36.000 tỷ đồng của Chính phủ đến doanh nghiệp nhỏ và vừa vô cùng thấp. Tín dụng tăng trưởng quá thấp, từ 12% năm ngoái, đến nay chỉ còn 3,3% (đến đầu tháng 11, tính cả mua trái phiếu công ty), trong khi đó chính sách tài khóa cũng thắt chặt, mỗi tháng đầu tư công giải ngân chỉ 12.700 tỷ đồng.

Chống lạm phát, tái cơ cấu – nền tảng phát triển bền vững

Năm 2013, mục tiêu của Quốc hội đặt ra là ổn định kinh tế vĩ mô, tăng trưởng hợp lý. Đặc biệt, tăng trưởng tín dụng chặt chẽ, chỉ khoảng 14-16%, tài khóa vẫn 4,8%. Dư địa giảm lãi suất cho vay và huy động không còn, bởi lạm phát dự kiến 8,5% và trần lãi suất huy động hiện nay là 9%/năm. Điều NHNN có thể làm được là giảm khoảng cách giữa cho vay và huy động, bởi hiện nay mức chênh lệch còn khá cao, khoảng 5-6%.

Dự báo năm tới cán cân thanh toán quốc tế vẫn tiếp tục thặng dư 3-4 tỷ USD mặc dù thâm hụt thương mại sẽ lớn hơn, dự trữ ngoại hối Việt Nam theo dự báo sẽ tăng từ 22-23 tỷ USD lên 28-29 tỷ USD. Với mức lạm phát 8,5% hoàn toàn có thể giữ tỷ giá tăng vào khoảng 2-3% như mục tiêu đề ra.

Những khoản vay dù có tài sản đảm bảo là bất động sản, cũng rất khó bán nếu bên vay vỡ nợ. Ảnh: Lã Anh

Thực tế đang có các dấu hiệu tích cực: Triển khai chương trình xử lý nợ xấu sau khi được Chính phủ phê duyệt. NHNN sẽ can thiệp mạnh mẽ nếu những NHTM yếu kém không tự mình xử lý được các tồn tại và sau thời hạn ấy NHNN sẽ “ra tay”. 2 điều này sẽ góp phần khơi thông dòng tín dụng lưu thông bình thường hơn.

Năm 2013 một vài “đại gia” tập đoàn nhà nước bắt đầu cổ phần hóa, tái cơ cấu, kể cả với Vinashin. Đây là tín hiệu tích cực đối với thị trường dịch vụ, tài chính. Nợ xây dựng cơ bản 80.000-90.000 tỷ đồng sẽ giảm, bước đầu sẽ đẩy mạnh việc giải ngân cho các dự án quan trọng.

Riêng vấn đề tái cấu trúc DNNN, dự kiến năm 2013 sẽ có những chuyển biến lớn. Số lượng DNNN cổ phần hóa sẽ thực hiện vào khoảng 700 DNNN, từ nay đến năm 2015. Chính phủ cũng đang xây dựng văn bản pháp lý quy định DNNN công bố thông tin minh bạch.

Dự kiến đến năm 2020 có thể Chính phủ chỉ giữ lại trên dưới 5 DNNN 100% vốn nhà nước còn lại sẽ cổ phần hóa. Trong khu vực DNNN hiện nay còn nhiều vấn đề chưa xử lý dứt điểm được bởi có nhiều quan điểm như về tránh độc quyền, công cụ điều tiết vĩ mô… Một khi những quan điểm nền tảng ấy chưa thay đổi căn bản thì rất khó cải cách thực sự quyết liệt khu vực này.

Đại phẫu, cải tổ khu vực ngân hàng

Hệ thống tài chính ngân hàng Việt Nam đã có sự phát triển rất nhanh, tài sản tăng lên hàng ngàn lần so với đầu những năm 90. Nhưng điểm yếu của nó cũng bắt đầu bộc lộ nhiều hơn. Hệ thống NHTM Việt Nam tồn tại nhiều rủi ro, lớn nhất là rủi ro tín dụng do chính sách cho vay theo chỉ định đối với DNNN.

Thống đốc NHNN cho rằng hiện nay những khoản tín dụng trên 80% là có tài sản bảo đảm, nhưng thực tế với DNNN có rất nhiều khoản không có tài sản bảo đảm. Những tiêu cực liên quan đến lợi ích, sở hữu chéo cũng bộc lộ rõ dần và khả năng rủi ro cho vay dưới chuẩn rất cao.

“Trò chơi” đầu tư vào nhiều ngân hàng, chưa tách bạch giữa ngân hàng đầu tư và ngân hàng tín dụng cũng tồn tại nợ xấu gây nguy cơ mất vốn. Hệ thống giám sát không theo kịp thị trường, việc kiểm toán kế toán theo chuẩn mực quản trị quốc tế triển khai rất yếu và cải tổ rất chậm, nên tính minh bạch, độ an toàn còn thấp.

Hiện nay Thái Lan đã thực hiện quản trị ngân hàng theo Basel 3, Trung Quốc tuyên bố không có lý do gì chậm trễ trong việc thực hiện Basel 2, còn Việt Nam đặt mục tiêu cải tổ trong hệ thống ngân hàng đến năm 2015 mới thực hiện Basel 2.

Hiện nay 25 nguyên tắc của Basel 1 thực tế nhiều NHTM chưa thực hiện hết. Nói như vậy để thấy rằng sự yếu kém của hệ thống ngân hàng nằm trong cả định chế, trong cả hệ thống, cả khâu quản lý, gắn cả chính sách vĩ mô của Việt Nam, tức đòi hỏi phải cải tổ hệ thống giám sát minh bạch, nâng cao năng lực quản trị, đáp ứng thông lệ quốc tế về quản trị, chuẩn mực hạch toán kiểm toán.

Cơ cấu lại các NHTM yếu kém, xử lý nợ xấu và tạo dựng sự cân đối của thị trường tài chính Việt Nam là những vấn đề rất lớn đang đặt ra.

Hiện nay có nhiều thuận lợi để nước ta tái cấu trúc nền kinh tế. Thuận lợi đầu tiên là ý chí chính trị khá cao, thể chế hóa qua các Nghị quyết của Đảng và Nhà nước. Bên cạnh đó vẫn còn khó khăn bởi vấn đề lợi ích nhóm. Việc xử lý nợ xấu chúng ta không cần sự hỗ trợ nguồn lực vốn từ IMF, không cần chương trình Quỹ bình ổn tiền tệ Chiangmai của ASEAN, nhưng việc hỗ trợ kỹ thuật thì rất cần.

Hiện nay, Việt Nam đã tham gia chương trình hỗ trợ kỹ thuật của IMF, sẽ có những đánh giá hoàn thiện về hệ thống tài chính Việt Nam. Có thể thấy nguồn lực và hỗ trợ kỹ thuật không phải là vấn đề lớn nhất trong xử lý nợ xấu mà điều chính yếu là làm sao giải trình trước áp lực xã hội liên quan đến vấn đề lợi ích nhóm.

Theo Mai Thảo (SGĐTTC)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.