Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại cuộc giao ban với các bộ, ngành địa phương, dù có đà tăng song tốc độ tăng trưởng GDP quý I/2012 thấp hơn so với cùng kỳ nhiều năm, ước đạt 4% (cùng kỳ năm ngoái tăng 5,57%, quý IV/2011 tăng 6,1%). Tuy nhiên, nếu nhìn cụ thể hơn từng tháng thì mức tăng trưởng thấp tập trung trong tháng 1, 2 và đến tháng 3 đã có xu hướng cải thiện đáng kể.
Ông Bùi Hà, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Kinh tế quốc dân (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), phân tích: các chỉ số kinh tế vĩ mô tháng 3 như chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng thấp cho thấy tín hiệu tốt về lạm phát có xu hướng giảm. Xuất khẩu tăng khá và được ví như điểm sáng trong bức tranh kinh tế quý I với tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt gần 24,5 tỷ USD, tăng 23,6% so với cùng kỳ năm trước.

Nhập siêu thấp, ước tính 3 tháng đầu năm là 251 triệu USD, chiếm hơn 1% kim ngạch xuất khẩu. Đây là một tác nhân quan trọng trong cân đối ngoại tệ và tỷ giá ổn định nhưng cũng phản ánh tình hình sản xuất trong nước và đầu tư trong nước bị tác động xấu bởi khó khăn kinh tế thế giới.


Theo phân tích của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tình hình sản xuất công nghiệp những tháng đầu năm 2012 vẫn gặp nhiều khó khăn, nhất là đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo. Đây là nhóm ngành có tốc độ tăng chậm do giá đầu vào biến động và lãi suất tín dụng còn ở mức cao, dẫn đến khả năng tiếp cận vốn còn hạn chế. Đầu tư tư nhân khó khăn, chế biến khó cả đầu vào và đầu ra nên nhập khẩu đầu vào máy móc thiết bị giảm.


Đại diện các địa phương cũng phản ánh doanh nghiệp trên địa bàn gặp nhiều khó khăn , mà nguyên nhân là do nhu cầu tiêu dùng giảm dẫn tới hàng tồn khó lớn, doanh nghiệp không thể thu hồi vốn để trả tiền vay ngân hàng. Các doanh nghiệp thật sự mong muốn chủ trương đúng đắn hạ lãi suất đi vào cuộc sống, với việc việc hạ lãi suất cho vay.


Số liệu đáng chú ý được ông Lâm Nguyên Khôi, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh, đưa raL tính đến này 19/3, trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đã có tới 931 doanh nghiệp khóa mã số thuế để giải thể tại Cục Thuế thành phố, trong đó 526 doanh nghiệp đã hoàn tất thủ tục giải thể tại Sở Kế hoạch và Đầu tư, tăng 23,8% so với cùng kỳ. Cùng với đó, có 5.012 doanh nghiệp đã gửi thông báo ngưng hoạt động, nhưng chỉ có 462 doanh nghiệp gửi thông báo tạm ngừng hoạt động đến Sở Kế hoạch và Đầu tư, tăng gấp 4,6 lần so cùng kỳ.


Người Việt vốn có tâm lý mong muốn đầu năm mọi sự được hanh thông, thuận lợi nên việc phải giải thể, phá sản doanh nghiệp cũng là cực chẳng đã. Mà diễn biến thực tế như vậy cho thấy sức khỏe doanh nghiệp thực sự suy giảm sau thời gian dài chống chọi với khó khăn.


Trong khi đó, theo dự báo, năm nay kinh tế Việt Nam và cả thế giới sẽ tiếp tục khó khăn. Kinh tế Việt Nam có độ mở cao nên hả năng bị va đập cũng không hề nhỏ. Hiện lạm phát đang dịu đi, đó là dấu hiệu tích cực, nhưng tính thanh khoản tiền tệ vẫn kém, do đó với doanh nghiệp, khó khăn vẫn chưa hề giảm.


Dù vậy, đại diện phía Ngân hàng Nhà nước, bà Đỗ Thị Nhung, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Tiền tệ Ngân hàng Nhà nước, cũng có một tuyên bố phần nào làm yên lòng doanh nghiệp. Bà Nhung khẳng định, Ngân hàng Nhà nước nhận thức được cái khó của doanh nghiệp cũng như tính chất đồng hành của cả hai phía ngân hàng và doanh nghiệp.


Khi doanh nghiệp phát triển thì ngân hàng mới khỏe mạnh. Vì vậy, trong thời gian vừa qua, một loạt các chính sách lãi suất và trần lãi suất đã được điều chỉnh giảm 1%. Lộ trình đến cuối năm, nếu lạm phát có xu hướng giảm và kinh tế vĩ mô chuyển biến tích cực, thanh khoản của các ngân hàng tốt thì Ngân hàng Nhà nước sẽ giảm mỗi quý 1% lãi suất huy động và mục tiêu đến cuối năm thì lãi suất huy động sẽ xoay quanh 10-11%. Cộng với mức chênh lệch 3-4% thì lãi suất cho vay sẽ giảm tương ứng để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận được vốn ngân hàng.


Tại cuộc tham vấn của Chính phủ với các chuyên gia kinh tế vừa diễn ra, ông Cao Viết Sinh, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng sắp tới cần phải tập trung giải quyết khẩn trương hơn, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất, chế biến, tăng cường xúc tiến thương mại…


Ông Sinh cho rằng cần có những đoàn đi xuống cơ sở, các địa phương, rà soát cụ thể khó khăn, tìm đúng đối tượng hỗ trợ, thúc đẩy công nghiệp phát triển , nhất là ngành công nghiệp chế biến chế tạo - mấu chốt để duy trì tăng trưởng GDP một cách hợp lý. Theo đó, thực hiện các biện pháp phát triển thị trường, hỗ trợ các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm, giảm hàng tồn kho, tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, đổi mới các kênh thu mua, phân phối… Ưu tiên vốn cho vay phát triển sản xuất công nghiệp, sản xuất hàng xuất khẩu, tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ tín dụng để thu mua lúa gạo, sản xuất, chế biến nông sản, thủy sản xuất khẩu.


Theo nhiều chuyên gia, để đạt được tốc độ tăng trưởng 5,5% - 6% trong các quý tới, GDP phải tăng trên 6%. Tiến sỹ Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, dự báo có thể phải sang quý II/2012 mới định hình được phần nào tình hình kinh tế, lạm phát giảm sâu hơn thì lãi suất mới giảm thêm, doanh nghiệp mới dễ thở hơn trên một nền vĩ mô tốt hơn.
Theo Vietnamplus
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.