Đà tăng mạnh của chứng khoán, vàng và dầu thô trong phiên đêm qua (10/10) xuất phát từ quyết định bắt tay vượt khủng hoảng giữa lãnh đạo hai nền kinh tế lớn nhất châu Âu, có vẻ như là một dấu hiệu cho thấy kinh tế thế giới đã qua cơn bĩ cực, nhưng đã "tới hồi thái lai" hay chưa thì vẫn còn rất mong manh.
Kinh tế thế giới đã qua “cơn bĩ cực”?
Niềm tin của giới đầu tư hàng hóa quốc tế vào kinh tế toàn cầu vẫn còn rất mong manh - Ảnh: Getty

Trên thị trường chứng khoán Mỹ, chốt ngày giao dịch 10/10, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng vọt 330,06 điểm, tương ứng 2,97%, lên 11.433,18 điểm. Chỉ số S&P 500 nhảy 39,43 điểm, tương ứng 3,41%, lên 1.194,89 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 86,70 điểm, tương ứng 3,50%, lên chốt ở mức 2.566,05 điểm.

Khu vực chứng khoán châu Âu cũng tăng điểm mạnh cùng chiều. Chỉ số FTSE 100 của Anh tăng 95,60 điểm, tương ứng 1,80%, lên 5.399 điểm. Chỉ số CAC 40 của Pháp tiến 65,91 điểm, tương ứng 2,13%, lên 3.161,47 điểm. Chỉ số DAX của Đức tăng vọt 171,59 điểm, tương ứng 3,02% lên 5.847,29 điểm.

Đóng cửa trước đó, chiều ngày 10/10, hầu hết các thị trường chứng khoán khu vực châu Á - Thái Bình Dương cũng đi lên cho dù mức tăng điểm có phần nhẹ nhàng hơn rất nhiều. Chỉ số MSCI khu vực (không bao gồm Nhật Bản) tăng 0,9% lên 385,84 điểm, cứ 4 mã tăng thì có 3 mã giảm điểm.

Trên thị trường vàng, kết thúc phiên giao dịch đêm 10/10 tại Mỹ, giá vàng giao tháng 12 tăng 35 USD, tương ứng hơn 2%, lên 1.670,8 USD/ounce, mức cao nhất kể từ ngày 22/9. Đầu giờ sáng nay (11/10), giá vàng trên bảng điện tử tiếp tục điều chỉnh tăng hơn 10 USD/ounce so với giá đóng cửa lên 1.681,1 USD/ounce.

Lý do chính khiến các thị trường hàng hóa quốc tế đồng loạt tăng vọt trở lại là từ cam kết của hai nhà lãnh đạo Pháp, Đức rằng sẽ làm mọi biện pháp cần thiết để hỗ trợ các ngân hàng trong khu vực châu Âu đang ngấp nghé bờ vực nguy hiểm, do ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng nợ công dai dẳng.

Cuối ngày 9/10 tuần trước, tuyên bố tại một cuộc họp báo chung ở Berlin, Đức, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy cam kết sẽ sớm đưa ra những biện pháp khẩn cấp để giải quyết cuộc khủng hoảng nợ trong Khu vực đồng tiền chung châu Âu.

Hai nhà lãnh đạo cấp cao Pháp và Đức đã đưa ra tuyên bố này sau cuộc hội đàm nhằm ngăn chặn cuộc khủng hoảng tài chính và nợ công đang có nguy cơ lây lan trong khu vực. Hai bên thông báo từ nay tới cuối tháng 10/2011, Đức và Pháp sẽ đưa ra một đề nghị tổng thể nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng nợ châu Âu.

Thủ tướng Angela Merkel và Tổng thống Nicolas Sarkozy không công bố chi tiết, nhưng cho biết, trong cuộc đấu tranh chống cuộc khủng hoảng tài chính, Đức và Pháp sẽ hỗ trợ những ngân hàng bị ảnh hưởng và tới cuối tháng 10 sẽ đưa ra một "gói cứu trợ tổng thể" cùng với một tầm nhìn mới cho châu Âu.

Hai bên khẳng định không có sự bất đồng và quyết tâm chăm lo cho sự ổn định của đồng Euro để có thể thể hiện một châu Âu mạnh tại Hội nghị thượng đỉnh G20 đầu tháng 11 tới tại Cannes, Pháp, làm cho hội nghị thượng đỉnh này trở thành một thành công cho nền kinh tế thế giới.

Hai nhà lãnh đạo cấp cao Pháp và Đức khẳng định rằng Hy Lạp phải tiếp tục ở lại Khu vực đồng Euro và giờ đây phải tìm ra một giải pháp lâu dài cho đất nước này. Hai bên cho biết đang hợp tác chặt chẽ với Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ủy ban châu Âu là các đơn vị đang kiểm tra tình hình ở Hy Lạp, để tìm cách giải quyết vấn đề.

Hai bên bày tỏ hy vọng rằng Quỹ cứu trợ mở rộng, được gọi là Quỹ ổn định tài chính châu Âu (EFSF), sẽ sớm được tất cả các nước thành viên ký kết. Quỹ này sẽ cung cấp những khoản vay cho các nước đang đối mặt với nguy cơ vỡ nợ; mua trái phiếu chính phủ trên thị trường thứ cấp; cấp tiền cho các quốc gia thành viên để tái cấp vốn cho khu vực ngân hàng.

EFSF sẽ thay thế cho Cơ chế ổn định châu Âu (ESM) - một quỹ cứu trợ thường trực của EU sẽ hết hạn hiệu lực vào năm 2013. EFSF sẽ có hiệu lực nếu được toàn bộ 17 quốc gia thành viên Khu vực đồng tiền chung châu Âu nhất trí thông qua.

Những cam kết của lãnh đạo hai nền kinh tế lớn nhất khu vực châu Âu đã mang lại tín hiệu lạc quan cho các thị trường hàng hóa trong phiên giao dịch đầu tuần, xoa dịu những lo lắng về cuộc khủng hoảng nợ châu Âu, nâng giá đồng Euro trở lại trước đồng bạc xanh của Mỹ.

Ngoài yếu tố châu Âu, những yếu tố mới cho thấy kinh tế Mỹ có thể không rơi vào suy thoái kép cũng là tín hiệu tốt đáng chú ý trong thời điểm này, nhất là khi Mỹ và châu Âu đã đóng vai trò kéo lùi thị trường các loại trong vài tháng qua.

Theo báo cáo mới nhất của Bộ Lao động Mỹ, trong tháng 9/2011 nền kinh tế lớn nhất thế giới này đã tạo thêm 103.000 việc làm, cao hơn nhiều so với mức dự báo 55.000 việc làm do các nhà phân tích đưa ra trước đó. Trong khi đó, có nhiều dấu hiệu cho thấy, việc kinh doanh của các công ty Mỹ trong quý 3 đã tăng trưởng tốt hơn nhiều so với trước đây.

Giới phân tích cho rằng, thị trường chứng khoán Mỹ tuần này sẽ tập trung chú ý tới kết quả lợi nhuận doanh nghiệp trong quý 3. Mặc dù, hiện tại chưa ai dám chắc các báo cáo kết quả kinh doanh sẽ đủ sức đưa các hàn thử biểu ở Phố Wall tăng cao hơn, nhưng điều này chắc chắn sẽ mang lại luồng sinh khí mới cho các thị trường.

Theo hãng tin Reuters, lợi nhuận của các công ty và các dự báo về triển vọng của thời gian tới có thể cung cấp cho nhà đầu tư thêm những manh mối mới về sức khỏe của nền kinh tế toàn cầu, bao gồm cả tác động từ cuộc khủng hoảng nợ châu Âu.

“Trong 3 tuần tới, thị trường Mỹ sẽ chú ý nhiều nhất tới lợi nhuận, thứ nhì là tình hình châu Âu. Tuy nhiên, câu chuyện của châu Âu vẫn có thể nổi lên trở thành vấn đề các nhà đầu tư quan tâm hàng đầu bất kỳ lúc nào”, ông Ken Polcari, Giám đốc điều hành của công ty ICAP Equities ở New York phát biểu.

Với những tín hiệu tăng trưởng này, liệu có thể cho rằng, kinh tế thế giới đã qua cơn bĩ cực và tới hồi sáng sủa hơn hay không? Phần lớn giới phân tích cho rằng, sự hồi phục này còn rất mong manh và việc các thị trường biến động lên xuống với biên độ lớn vẫn có khả năng xảy ra, bởi lẽ mọi tin tức tới giờ cũng vẫn chỉ là những cam kết.

Trong bài viết trên tờ Jakarta Globe mới đây, chuyên gia kinh tế Paul Donovan, thuộc ngân hàng đầu tư UBS, cho biết nhiều chuyên gia đã nhận định châu Âu khó có thể thoát khỏi cuộc khủng hoảng hiện nay và như vậy đồng Euro có vẻ như không nên tồn tại.

Bởi một khi đã tồn tại thì cái giá của sự sụp đổ sẽ rất khủng khiếp, bởi chỉ riêng với Hy Lạp, quy mô của nền kinh tế này sẽ bị thu hẹp còn một nửa. Đó là một thiệt hại lớn gấp nhiều lần so với những gì châu Á đã trải qua trong cuộc khủng hoảng tài chính 1997-1998. Nếu từ bỏ đồng Euro, Đức sẽ thiệt hại 1/4 nền kinh tế, chưa kể mất mát về mặt chính trị.

Thiệt hại kinh tế và tỷ lệ thất nghiệp sẽ trở thành cơn ác mộng tồi tệ nhất kể từ những năm 1930. Những chuyên gia kinh tế theo quan điểm tiêu cực còn cho rằng, những dày vò về kinh tế có thể dẫn tới bất cứ trạng thái nguy hiểm này, từ bất ổn xã hội lan rộng đến chính quyền quân sự, thậm chí dẫn tới xung đột, nội chiến.
Theo Diệp Anh (VnEconomy)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: tai chinh