Ảnh minh hoạ
Triển vọng kinh tế thế giới năm 2021 đã trở nên lạc quan, rõ ràng hơn bao giờ hết sau một năm đầy rẫy khó khăn, biến động và bất định. Điều này được phản ánh qua sự thăng tiến mạnh mẽ của các chỉ số chứng khoán trên toàn cầu kể từ tháng 11 năm ngoái.
Những tin tức tích cực đã liên tục xuất hiện gần đây gồm nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, Trung Quốc, không những đã tránh được một cơn suy thoái mà còn tăng trưởng dương trên 2% năm 2020, đã và sẽ tiếp tục trở thành một cái phao cứu sinh cho kinh tế khu vực và thế giới tương tự như thời khủng hoảng kinh tế toàn cầu đầu thập kỷ trước, cũng như cam kết mạnh mẽ của chính quyền Biden ở Mỹ về việc "chơi lớn" để vực dậy nền kinh tế nước này.
Khu vực kinh tế châu Âu dù đang ngập chìm trong đợt phong tỏa mới trước sự tái bùng phát của Covid-19 nhưng việc triển khai tiêm chủng vaccine Covid-19 đã làm các Chính phủ ở đây đã trở nên lạc quan hơn vào triển vọng phục hồi nhu cầu do nới lỏng phong tỏa và sự bất trắc giảm đi.
Do vậy, dù có thể vẫn còn một số bất đồng về mức độ và khu vực diễn ra sự phục hồi và tăng trưởng dương, nhưng sự đồng thuận nhìn chung là sẽ có một sự phục hồi mạnh mẽ của kinh tế thế giới vào nửa năm sau của 2021, dựa trên các trụ cột chính gồm kiềm chế đại dịch, sự ổn định hơn về địa chính trị và các gói kích thích, hỗ trợ kinh tế khổng lồ. Trong số này, kiềm chế đại dịch (nhờ vaccine) là cơ sở quan trọng nhất bởi nó sẽ dập tắt nỗi sợ hãi về các đợt tái bùng phát dịch kèm theo là tái phong tỏa, ảnh hưởng nghiêm trọng đến phục hồi kinh tế.
Cam kết của tân tổng thống Biden về phục hồi lại quan hệ với các đồng minh thân cận và với thế giới cũng có nghĩa là Mỹ sẽ trở nên dễ đoán định và nhất quán hơn trong quan hệ với các nước trên thế giới dưới thời ông Biden so với ông Trump, là người được biết đến có tính khí thất thường, thường bất ngờ thông báo lật ngược chính sách của mình qua những dòng twit. Quan hệ kinh tế quốc tế cũng vì thế mà sẽ ổn định, dễ tiên đoán hơn, góp phần thúc đẩy phục hồi và tăng trưởng kinh tế trong những năm tới.
Các gói kích thích phục hồi kinh tế dựa trên chính sách tiền tệ và tài khóa siêu nới lỏng kể từ năm 2020 sẽ tiếp tục được duy trì trong thời gian tới. Trong số những gói kích thích kinh tế này phải kể đến gói 1,9 nghìn tỷ USD hỗ trợ tài chính gia đình và phòng chống dịch mới công bố ở Mỹ (tương đương 9% thu nhập quốc dân của Mỹ), 750 tỷ Euro ở khu vực EU nhằm không chỉ cứu trợ các ngành bị ảnh hưởng mà còn xây dựng một nền kinh tế mới ở khu vực này. Trung Quốc thì đã thi hành các gói hỗ trợ quy mô lớn tương tự từ quý 2 năm 2020.
Điều đáng lưu ý là về xu hướng mới trong lập trường chính sách. Vốn đã từng vất vả chống đỡ với giảm phát và suy thoái trong cả thời gian dài, các ngân hàng trung ương chủ chốt dường như sẵn sàng duy trì chính sách nới lỏng để hạ lãi suất xuống các mức thấp kỷ lục kể cả sau khi nền kinh tế đã đi sâu vào giai đoạn phục hồi. Thậm chí Fed còn cam kết duy trì chính sách nới lỏng kể cả sau khi lạm phát vượt trên mức mục tiêu 2% trong một thời gian sau đó.
Những diễn tiến và xu hướng nói trên đem lại những hàm ý lớn cho Việt Nam. Trong bối cảnh nới lỏng và tiền rẻ tràn ngập trên toàn cầu trong một thời gian dài nữa, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ tiếp tục có cơ hội tăng điểm với triển vọng dòng vốn nước ngoài tiếp tục đổ vào đây. Triển vọng này của thị trường chứng khoán Việt Nam cũng là một phần kết quả của việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) rất có thể sẽ tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng của mình trong thời gian tới, nhất là khi các ngân hàng trung ương khác trên thế giới tiếp tục bơm tiền mạnh mẽ, gián tiếp dẫn đến sự tăng giá của tiền đồng nếu NHNN không có sự điều chỉnh tương ứng.
Chính sách tiền tệ tiếp tục nới lỏng và lãi suất tiếp tục được duy trì ở mức thấp sẽ tác động tới giá bất động sản ở Việt Nam theo hướng tăng lên, đặc biệt trong bối cảnh nguồn cung bị hạn chế bởi nhiều lý do.
Tuy vậy, đằng sau sự lạc quan trên là một số rủi ro lớn. Trước hết, điều vẫn chưa rõ ràng nếu vaccine sẽ hoàn toàn ngăn ngừa sự mắc và lây lan virus Covid-19 và các biến thể của nó. Nhiều nhà khoa học cảnh báo rằng vaccine không phải là liều thuốc vạn năng và lo ngại sự nới lỏng quá nhanh các biện pháp phong tỏa, kiểm soát dịch sẽ làm tăng vọt sự lây nhiễm virus trong các nhóm người chưa được tiêm chủng. Nếu điều này xảy ra, chu kỳ phục hồi kinh tế thế giới sẽ tiếp tục bị ngắt mạch bởi những đợt phong tỏa mới. Nhu cầu không phục hồi như kỳ vọng sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến xuất khẩu, và do đó, ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.
Rủi ro lớn khác là kỷ nguyên tiền rẻ tràn ngập thế giới sẽ không kéo dài đủ lâu bởi các quan điểm đối lập ở các nền kinh tế lớn. Ở Mỹ, một số nghị sĩ phe Cộng hòa đã kêu gọi thắt chặt lại chính sách tài khóa trước sự tăng phi mã của khối nợ nần ở Mỹ. Điều này sẽ cản trở chương trình kích thích 1,9 nghìn tỷ USD của ông Biden. Ở châu Âu, từ Ý đến Đức đã có những lời kêu gọi tương tự nhắm đến nhanh chóng giảm thâm hụt ngân sách trong khu vực. Còn Trung Quốc thì phải đối mặt với các bất cân đối nghiêm trọng trong nền kinh tế trong dài hạn nên sẽ sớm phải thi hành các biện pháp tái cân bằng gồm giảm chi tiêu công, giảm nợ.
Ngoài ra, lạm phát có thể là một điều được hoan nghênh ở nhiều nước sau nhiều năm phải chật vật đối phó với giảm phát. Nhưng lạm phát đối với NHNN là một trong những rủi ro vĩ mô chính. Do vậy, nếu lạm phát thế giới có xu hướng tăng, tác động quá lớn lên lạm phát trong nước, điều này sẽ buộc NHNN phải thi hành một chính sách tiền tệ thận trọng hơn, dù có thể đi ngược lại trào lưu chung của thế giới. Do vậy, biến số lạm phát trong nước luôn cần được dự đoán, phân tích khi muốn biết đường hướng của chính sách tiền tệ và lãi suất ở Việt Nam.
-
Quốc gia Đông Nam Á đầu tiên gia nhập BRICS
Ngày 6/1, Indonesia chính thức trở thành thành viên đầy đủ của BRICS, nhóm các nền kinh tế mới nổi gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi. Đây là quốc gia Đông Nam Á đầu tiên gia nhập BRICS, đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong chiến lược đối ...
-
9 quốc gia sẽ gia nhập BRICS từ ngày 1/1/2025
Nga vừa công bố danh sách 9 quốc gia chính thức trở thành đối tác của BRICS từ ngày 1/1/2025. Động thái này đánh dấu bước mở rộng quan trọng của khối BRICS, đồng thời mở ra tiềm năng tăng cường hợp tác khu vực và toàn cầu, đặc biệt là với các quốc gi...
-
Hai tỷ phú Ấn Độ rời khỏi câu lạc bộ 100 tỷ USD
Hai tỷ phú hàng đầu Ấn Độ, ông Mukesh Ambani và ông Gautam Adani, đã chính thức rời khỏi câu lạc bộ "centibillionaire" (những người sở hữu tài sản trên 100 tỷ USD).