09/09/2015 7:53 AM
Nhiều bạn đọc ở Hà Nội phản ánh, mặc dù đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính và các giao dịch khác với chủ đầu tư ở một số khu đô thị (KĐT) nhưng họ vẫn chưa được nhận giấy chứng nhận quyền sử dụng nhà, đất (sổ đỏ). Nguyên nhân chủ yếu là do chủ đầu tư “chậm” thực hiện nghĩa vụ thuế với Nhà nước. Thực trạng này gây khó khăn cho việc xác lập quyền sở hữu, ảnh hưởng đến các hoạt động thương mại có liên quan tài sản của người dân...

Hàng trăm lý do... nợ thuế

Cục Thuế Hà Nội đã công bố 268 đơn vị, cá nhân, doanh nghiệp (gọi tắt là chủ đầu tư) liên quan đến nợ đọng thuế bất động sản với tổng số nợ lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Tính đến ngày 25-8, đã có 157 trong số 268 đơn vị nộp nợ thuế vào ngân sách với tổng số tiền 939 tỷ đồng; 130 trong số 230 doanh nghiệp nộp hơn 250 tỷ đồng; có 27 trong số 38 doanh nghiệp nợ thuế sử dụng đất đã nộp hơn 688 tỷ đồng. Hàng trăm dự án nợ thuế sử dụng đất cho thấy thực tế là nhiều chủ đầu tư đã và đang tìm mọi cách chây ỳ nghĩa vụ tài chính với Nhà nước. Thậm chí, có những dự án đã bán hết từ lâu cũng viện ra vô vàn lý do để chậm, hoãn nộp thuế khiến người mua nhà, đất gặp khó khăn khi muốn hợp thức hóa tài sản của mình. Trong danh sách công bố nợ thuế đợt một của Cục Thuế Hà Nội, có một số đơn vị điển hình như: Công ty cổ phần Sông Đà Thăng Long, hơn 375 tỷ đồng; dự án Khu đô thị Phú Lương (Hà Đông) nợ tiền sử dụng đất gần 200 tỷ đồng; dự án Diamond Flower Tower (Handico 6) nợ hơn 100 tỷ đồng; dự án Imperia Garden (203 Nguyễn Huy Tưởng, quận Thanh Xuân) nợ hơn 200 tỷ đồng; hai dự án Khu đô thị Bắc Đại Kim và nhà ở Công an quận Hoàng Mai nợ hơn 60 tỷ đồng; dự án đầu tư xây dựng văn phòng giao dịch, nhà ở, chung cư cao tầng, biệt thự nhà vườn của Công ty CP Sản xuất bao bì và Hàng xuất khẩu (quận Hoàng Mai) nợ hơn 322 tỷ đồng; dự án tổ hợp văn phòng, dịch vụ thương mại và nhà ở Thành An nợ hơn 142 tỷ đồng… Tổng số nợ liên quan đến đất và sử dụng đất của các dự án trên địa bàn Hà Nội đến giữa năm 2015 còn hơn bảy nghìn tỷ đồng.

Có rất nhiều lý do được các chủ dự án đưa ra để biện minh cho hành vi chậm nộp thuế sử dụng đất đối với các dự án, nhất là các dự án nhà ở. Trong đó đáng kể nhất là lý do tình hình tài chính, kinh doanh bất động sản khó khăn khiến doanh nghiệp không có nguồn tiền lưu thông để nộp thuế. Thực tế có nhiều dự án đang triển khai, thậm chí đã bán hết, thu tiền của khách hàng theo tiến độ xây dựng nhưng không nộp, điển hình như dự án chung cư Beriver tại Long Biên của chủ đầu tư Handico 9; dự án khu đô thị Phú Lương (tại Hà Đông); tổ hợp nhà ở, văn phòng Thành An Tower (Thanh Xuân)...

Bà Nguyễn Thị Hải Yến, Trưởng phòng tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế (Cục Thuế Hà Nội) cho biết: Mặc dù việc “bêu” tên doanh nghiệp, dự án nợ thuế là bất đắc dĩ nhưng là cần thiết để thu hồi tiền ngân sách. Sau khi nêu tên doanh nghiệp nợ thuế, Cục Thuế Hà Nội đã nhận được sự hợp tác của hầu hết chủ dự án theo hướng: Hoặc trả một phần nợ, hoặc xin gia hạn, chấp nhận nộp phạt và chịu lãi ngân hàng. Theo nhận định của một số chuyên gia bất động sản, việc nợ thuế của chủ dự án, ngoài lý do tài chính khó khăn, không loại trừ khả năng chủ đầu tư chiếm dụng vốn, sử dụng nguồn tiền thu của khách hàng vào mục đích khác mà không nộp thuế sử dụng đất như cam kết. Với hình thức mua nhà trả góp như hầu hết dự án bất động sản triển khai hiện nay, khách hàng không thể biết chủ đầu tư nộp thuế đất hay chưa, khiến họ gặp rủi ro khi mua nhà của các chủ đầu tư hạn chế về năng lực tài chính. Một số dự án, sau khi giao nhà, khách hàng muốn làm sổ đỏ phải bỏ tiền tự nộp thuế sử dụng đất, thậm chí mất thêm một khoản tiền không nhỏ để “chạy” sổ. Điều này giải thích vì sao trong cùng một dự án, nhà có sổ đỏ trước, nhà có sau…

Cần kiên quyết xử lý

Trong danh sách nợ thuế được công bố, cả nước có tới gần 600 doanh nghiệp, hàng trăm dự án chưa hoàn thành nghĩa vụ thuế sử dụng đất. Đối với các doanh nghiệp lớn, uy tín, việc hoàn thành nghĩa vụ thuế để khách hàng làm sổ đỏ là không khó (các doanh nghiệp này đều cam kết sẽ giao sổ cho khách sau khi bàn giao nhà). Thế nhưng, đối với các doanh nghiệp ít tên tuổi, các dự án nhỏ, ngay cả khi số tiền nợ thuế không lớn, nhiều chủ đầu tư nợ thuế kéo dài.

Anh Lê Quý Thanh, mua căn hộ ở khu đô thị mới Phú Lương (Hà Đông), nhận nhà hơn nửa năm nay mà chưa làm được sổ. Anh cho biết: Hồ sơ thủ tục tôi đã nộp cho chủ dự án từ lâu, không biết khó khăn gì mà chưa làm được. Một khách hàng giấu tên ở dự án 203 Nguyễn Huy Tưởng tỏ ra rất bức xúc trước việc gia đình anh đã thanh toán hết tiền nhà nhưng chưa nhận được sổ đỏ. “Hóa ra do doanh nghiệp còn nợ thuế sử dụng đất. Trước kia, khi rao bán nhà, họ cam kết số tiền chúng tôi đóng trả góp đã có khoản tiền làm sổ đỏ”. Chị Bình, đại diện các hộ dân ở khu tái định cư Đại Kim (Hoàng Mai) cho biết, sẽ tìm cách khiếu nại chủ đầu tư bởi chị và nhiều hộ dân đã phải chạy vạy tự đi làm sổ đỏ mất nhiều thời gian, tiền bạc. Ở nhiều dự án mà người dân chưa được nhận sổ đỏ, sau khi ngành thuế công bố danh sách, nhiều khách hàng đã tìm tới văn phòng điều hành của công ty để “hỏi cho ra lẽ”.

UBND thành phố Hà Nội đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các sở, ngành liên quan tăng cường các biện pháp quản lý, bảo đảm việc thu tiền sử dụng đất. Thậm chí, đối với các dự án không có khả năng triển khai tiếp, sẽ thu hồi, giao đơn vị khác, đồng thời không làm thủ tục giao đất, cho thuê dự án mới... Trên cơ sở đó, Cục Thuế Hà Nội cũng đề xuất các phương án thu nợ đối với các doanh nghiệp cố tình chây ỳ, đó là: Phong tỏa tài sản; thông báo hóa đơn của doanh nghiệp không có giá trị; đề nghị tịch biên tài sản; thu hồi giấy chứng nhận kinh doanh... Với những hộ dân đã mua nhà tại các dự án còn nợ thuế sử dụng đất, theo ông Lê Thanh Nam, Trưởng phòng Quản lý đất đai (Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội), chỉ dự án nào đã hoàn thành trước năm 2013 thì mới xem xét, giải quyết cấp sổ đỏ. Những dự án sau thời gian này mà chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế sử dụng đất thì không giải quyết.

Như vậy, các hộ dân chưa được cấp sổ đỏ do chủ đầu tư nợ thuế sử dụng đất mà đã hoàn thành giao dịch trước năm 2013, chỉ cần hoàn thiện đầy đủ thủ tục, đăng ký với cơ quan quản lý (Sở Tài nguyên và Môi trường) là được cấp sổ. Việc chậm nộp thuế sử dụng đất khi đã triển khai dự án là hành vi gian dối với khách hàng và có dấu hiệu chiếm dụng vốn Nhà nước của một số chủ đầu tư bất động sản, cần phải được kiên quyết xử lý.

Trần Thường - Lê Quân (Nhân dân)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.