Theo đó, mới đây Ban Kinh tế - Ngân sách (KT-NS) Hội đồng nhân dân (HĐND) TP Cần Thơ trong báo cáo số 489 thẩm tra các báo cáo, dự thảo nghị quyết của UBND phố trình tại kỳ họp cuối năm 2019 đã chỉ ra hàng loạt vấn đề liên qua đến Cadif.
Cụ thể, Ban KT-NS đánh giá Cadif có tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ chiếm 14,56%, đây là một tỷ lệ rất cao nếu so với các tổ chức tín dụng khác. Đề nghị UBND TP Cần Thơ chỉ đạo đơn vị đề ra phương án xử lý trong thời gian tới nhằm đảm bảo nguồn vốn của nhà nước giao cho Cadif quản lý kinh doanh hiệu quả và tuyệt đối an toàn.
Quỹ Đầu tư phát triển TP Cần Thơ (Cadif).
Báo cáo còn nêu: Đối với hoạt động đầu tư trực tiếp, Cadif đang triển khai 5 dự án lớn nhóm A và B. Trong đó, dự án chỉnh trang khu đô thị đường Phạm Ngũ Lão đến đường Mậu Thân và dự án Trung tâm đậu xe và dịch vụ ô tô quận Ninh Kiều, chủ trương đầu tư có từ rất lâu, nhưng tiến độ triển khai chậm, ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư của dự án cũng như bức xúc của người dân.
Đáng chú ý, báo cáo thẩm tra của Ban KT-NS đề nghị UBND thành phố chỉ đạo Cadif và các đơn vị có liên quan thực hiện nghiêm túc các kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước được nêu tại Báo cáo kiểm toán hoạt động quản lý và sử dụng Quỹ Đầu tư phát triển TP Cần Thơ giai đoạn 2014 - 2018, có báo cáo kết quả thực hiện về HĐND thành phố để giám sát.
Kết quả kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước cho thấy, tại Cadif còn tồn tại nhiều hạn chế, như: Việc chấp hành pháp luật, chính sách, chế độ tài chính, kế toán và quản lý sử dụng Quỹ hiệu quả chưa cao, chỉ đạt 56,4% trên số vốn hoạt động.
Tăng vốn sai vì chưa được HĐND thành phố thông qua và không có cơ sở vì Cadif không xây dựng phương án tăng vốn điều lệ trình cấp có thẩm quyền quyết định. Công tác lựa chọn nhà thầu xây lắp, hồ sơ mời thầu có nội dung yêu cầu chưa phù hợp, làm hạn chế tính cạnh tranh.
Hồ sơ dự thầu có đơn giá bất thường (hao phí vật liệu hơn 7 lần so với định mức của Bộ Xây dựng), nhưng tổ tư vấn xét thầu không phát hiện ra để hiệu chỉnh cho phù hợp...
Về việc quản lý thực hiện hợp đồng vay vốn, quản lý nguồn vốn góp, thành lập doanh nghiệp chưa phù hợp theo danh mục các lĩnh vực đầu tư kết cấu hạ tầng - kinh tế xã hội được HĐND TP Cần Thơ phê duyệt...
Từ những hạn chế trên, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính tổng số tiền gần 53 tỷ đồng. Cụ thể, nộp ngân sách Nhà nước thuế thu nhập doanh nghiệp tăng thêm trên 3,6 tỷ đồng; tiền thuê đất dự án KCN Hưng Phú I trên 16,88 tỷ đồng; giảm thanh toán gần 8 tỷ đồng; kiến nghị xử lý tài chính khác hơn 20,9 tỷ đồng…
Ngoài ra Kiểm toán Nhà nước cũng kiến nghị chấn chỉnh hàng loạt vấn đề khác, như: Chấn chỉnh công tác quản lý hợp đồng mua bán nhà ở hình thành trong tương lai; việc cho vay các dự án đầu tư; việc xây dựng hồ sơ mời thầu; rà soát bổ sung quy chế góp vốn thành lập doanh nghiệp…