Mới đây, chánh án TAND Tối cao đã có văn bản yêu cầu chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự (THADS) thị xã Dĩ An, Bình Dương tạm hoãn THA trong thời hạn 90 ngày. Lý do để TAND Tối cao xem xét kháng nghị giám đốc thẩm theo kiến nghị của Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Bình Dương.
Người này mua đấu giá, người kia đứng tên
Trước đó, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương kiến nghị xem xét giám đốc thẩm, hủy án sơ thẩm và phúc thẩm trong đó có nội dung tòa căn cứ vào giấy tay để công nhận giao dịch dân sự là sai.
Theo hồ sơ, cuối năm 2001 ông Trần Bá Năng (ngụ quận 5, TP.HCM) mua trúng khu nhà xưởng thuộc phường An Bình, thị xã Dĩ An do Cục THADS tỉnh Bình Dương bán đấu giá. Dù việc mua bán đã hoàn tất nhưng người phải THA cố tình không giao nên ông Năng chưa thể nhận tài sản.
Năm 2003, ông Năng ủy quyền (không thù lao) cho bà Đinh Kim Ánh thay mặt mình khiếu nại việc bị chậm nhận được tài sản và làm thủ tục cấp giấy chứng nhận cho ông.
Năm 2006, Cục THADS tỉnh Bình Dương cưỡng chế bàn giao xong nhưng sau đó bà Ánh lại đứng tên trên giấy tờ nhà xưởng. Ông Năng khiếu nại thì UBND thị xã Dĩ An đã thu hồi giấy chứng nhận mang tên bà Ánh để cấp lại cho ông Năng. Từ đó bà Ánh khởi kiện.
Con đường (nằm trong diện tích của khu nhà xưởng) dẫn vào cổng chính của nhà xưởng. Ảnh: CT
Căn cứ vào “giấy tay” để xử án
Tòa xác định bà N. là người liên quan vì bà này cho rằng tiền mua tài sản là của bà đưa cho ông Năng.
Tháng 7-2013, TAND thị xã Dĩ An xử sơ thẩm đã tuyên bác yêu cầu của bà Ánh. Bà kháng cáo. Sau đó, phiên xử phúc thẩm bị đình chỉ xét xử vì lý do bà Ánh vắng mặt không có lý do chính đáng.
Tháng 4-2015, TAND tỉnh Bình Dương đã giám đốc thẩm, tuyên hủy quyết định đình chỉ nói trên và hủy cả án sơ thẩm.
Tháng 9-2015, TAND thị xã Dĩ An xử sơ thẩm lần hai vẫn tuyên bác yêu cầu của bà Ánh. Tuy nhiên, tòa tuyên ông Năng phải trả cho bà Ánh công sức giữ gìn, quản lý tài sản là 10% giá trị tài sản. Hai bên cùng kháng cáo.
Đầu năm 2016, TAND tỉnh Bình Dương xử phúc thẩm, tuyên công nhận quyền sở hữu nhà xưởng cho bà Ánh và kiến nghị UBND thị xã Dĩ An thu hồi giấy đỏ đã cấp cho ông Năng.
Tòa cho rằng dù ông Năng đứng tên hợp đồng mua đấu giá nhưng không chứng minh được nguồn tiền mua tài sản. Quá trình bà Ánh quản lý, sử dụng tài sản đã xây nhiều hạng mục nhưng ông Năng không có ý kiến gì... Giấy thỏa thuận và mượn tiền giữa bà N. với bà Ánh dù là giấy tay nhưng thể hiện bà N. đã chuyển nhượng nhà xưởng cho bà Ánh. Khi tòa lấy lời khai và tại tòa thì dù bà N. phủ nhận việc vay mượn và yêu cầu công nhận nhà xưởng cho mình nhưng do bà đã không đóng tạm ứng án phí nên tòa không xem xét...
Kiến nghị của đoàn đại biểu Quốc hội
Sau khi ông Năng làm đơn đề nghị các cấp có thẩm quyền kiến nghị kháng nghị giám đốc thẩm thì Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương đã có công văn kiến nghị nêu trên.
Đoàn ĐBQH cho rằng người mua trúng đấu giá nhà xưởng là ông Năng, thực tế khi bà Ánh được cấp giấy đỏ, ông Năng khiếu nại thì cơ quan cấp giấy đã thu hồi và cấp cho ông. Giao dịch giữa bà Ánh và bà N. chỉ là giấy tờ viết tay không có công chứng theo quy định.
Cạnh đó, đoàn ĐBQH cho rằng bản thân bà N. cũng không công nhận việc mua bán đó mà tòa vẫn công nhận tài sản của bà Ánh là không khách quan. Việc án sơ thẩm tuyên ông Năng phải trả công sức quản lý, giữ gìn tài sản cho bà Ánh và cấp phúc thẩm công nhận quyền sở hữu tài sản cho bà Ánh là không đúng bản chất khách quan của vụ án...