Chưa đầy một năm qua, NHNN đã phải 3 lần phát công văn yêu cầu các tổ chức tín dụng kiểm soát rủi ro trong hoạt động cấp tín dụng đối với các dự án BOT, BT giao thông.

Với tỷ suất lợi nhuận trung bình 12%/năm, các dự án BT (Hợp đồng xây dựng - chuyển giao) và BOT (Hợp đồng xây dựng - vận hành - chuyển giao) hấp dẫn không chỉ các nhà đầu tư mà ngay cả các tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, trước những tiềm ẩn rủi ro khó lường, trong chưa đầy một năm qua, Ngân hàng Nhà nước đã phải 3 lần phát công văn yêu cầu các tổ chức tín dụng tăng cường kiểm soát rủi ro trong hoạt động cấp tín dụng đối với các dự án BOT, BT giao thông. Thực tế cũng đã cho thấy, một số ngân hàng đã phải gia hạn nợ cho nhiều dự án này.

Chỉ riêng Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã phải gia hạn nợ với 4 dự án BOT từ 1-5 năm, cho dù các dự án này đã đi vào hoạt động và đã có lợi nhuận.

Theo báo cáo của các tổ chức tín dụng, trong tổng số 150 dự án BOT, BT giao thông mà các ngân hàng cho vay vốn, hiện nay có 22 dự án bị chậm tiến độ. Trong khi đó, các dự án thuộc lĩnh vực giao thông thường có tổng mức đầu tư rất lớn, đòi hỏi nguồn vốn dài hạn và thời gian thu hồi vốn dài. Trong khi nguồn vốn tín dụng của các ngân hàng chủ yếu là ngắn hạn nên sẽ khó khăn cho các tổ chức tín dụng trong việc cân đối nguồn vốn, tiềm ẩn rủi ro thanh khoản cho toàn hệ thống.

Không thể phủ nhận được những đóng góp của việc xã hội hóa đầu tư trong lĩnh vực giao thông và nguồn vốn này vẫn sẽ được tiếp tục kêu gọi trong thời gian tới. Tuy nhiên, đại diện Kiểm toán Nhà nước cho biết: Cần phải quan tâm nhiều đến công tác chuẩn bị đầu tư nhằm tránh rủi ro.

Đặng Tú - Đức Thắng (VTV)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: BOT, BT, giao thong