Nhiều ý kiến cho rằng, điều này sẽ góp phần ngăn chặn được nạn rửa tiền, trốn thuế. Tuy nhiên lộ trình thực hiện cũng như mức phí giao dịch ra sao để đảm bảo quyền lợi cho người dân cũng đang được cơ quan quản lý hết sức cân nhắc. Theo kế hoạch, NHNN sẽ trình để Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi trong quý 2/2013.
Mua nhà, đất, ô tô vượt hạn mức bằng tiền mặt sẽ không được sang tên
Theo Dự thảo Nghị định này, các tổ chức không được thanh toán bằng tiền mặt trong các giao dịch như: mua, bán, chuyển nhượng bất động sản; mua, bán, chuyển nhượng chứng khoán trên sở giao dịch chứng khoán, trung tâm giao dịch chứng khoán. Bên cạnh đó, việc mua, bán, chuyển nhượng các tài sản khác phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp như máy bay, tàu thủy, kể cả sà lan, canô, tàu kéo, tàu đẩy, ô tô (kể cả ô tô điện), rơmoóc hoặc sơ mi rơmoóc được kéo bởi ô tô phải đăng ký và gắn biển số do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cũng không được phép thực hiện bằng tiền mặt.
Tại Điều 7 của Dự thảo Nghị định có nêu: Các cá nhân không được thanh toán bằng tiền mặt đối với các giao dịch có giá trị vượt hạn mức thanh toán bằng tiền mặt khi mua, bán, chuyển nhượng bất động sản; giao dịch góp vốn bằng tiền; mua, bán, chuyển nhượng chứng khoán không qua sở giao dịch chứng khoán, trung tâm giao dịch chứng khoán.
Theo Vụ Thanh toán (NHNN), nếu những quy định trên được áp dụng, trường hợp mua ô tô, nhà đất vượt hạn mức quy định mà thanh toán bằng tiền mặt sẽ không được đăng ký quyền sử dụng, quyền sở hữu. Đại diện Vụ Thanh toán nhấn mạnh: Phương thức thanh toán bằng chuyển khoản, séc hay ủy nhiệm chi, ủy nhiệm thu qua ngân hàng sẽ rất tiện cho người dân khi có nhu cầu mua, bán tài sản có giá trị lớn như ô tô, nhà, đất... Người dân sẽ không phải cầm số tiền lớn để thanh toán. Điều quan trọng nữa là phương thức thanh toán này sẽ giúp người dân hạn chế được rủi ro như bị cướp giật.
Theo lãnh đạo chi nhánh một ngân hàng tại Hà Nội, Dự thảo Nghị định về thanh toán tiền mặt sẽ “nắn” dòng tiền lưu thông vào hệ thống ngân hàng, từ đó có thể kiểm soát tốt hơn hoạt động rửa tiền trong nền kinh tế. Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Á Châu (ACB) Nguyễn Thanh Toại cho rằng, các giao dịch có giá trị lớn như nhà đất, ô tô... buộc phải thanh toán qua ngân hàng là hợp lý, giúp tăng tính minh bạch cho thị trường.
Băn khoăn hạn mức và lộ trình thực thi
Theo chuyên gia kinh tế Bùi Tiến Thành, việc ban hành Nghị định này cần phải có lộ trình và mức phí hợp lý, nhất là các khoản tiền giao dịch giá trị lớn thì cần quy định mức phí tối đa là bao nhiêu. Bởi hiện nay, người dân phải trả mức phí 0,05% tổng giá trị giao dịch trong nhiều trường hợp là quá lớn, đặc biệt là với các doanh nghiệp kinh doanh vận tải có nhu cầu mua sắm hàng trăm ô tô/lần.
Bên cạnh đó, một cán bộ NHNN phân tích: Quy định mức phí rút tiền mặt từ 0 - 0,05% trên số tiền giao dịch để hạn chế việc rút tiền mặt là chưa hiệu quả vì trên thực tế hầu hết các ngân hàng thương mại đều áp dụng mức phí 0% để tăng tính cạnh tranh trong thu hút khách hàng và sử dụng nguồn vốn. Với việc áp dụng mức phí rút tiền mặt như trên của các ngân hàng; cùng với đó là việc nộp tiền mặt cũng không mất phí khiến nhiều doanh nghiệp và cá nhân trong các giao dịch với giá trị lớn đã lựa chọn phương thức rút tiền mặt trao tay.
Theo NHNN, mức phí giao dịch tiền mặt thấp như thế này cũng tạo gánh nặng cho các ngân hàng về chi phí kiểm đếm, vận chuyển, an ninh… đồng thời gây áp lực về in ấn, vận chuyển tiền và cơ sở hạ tầng phục vụ cho thanh toán không dùng tiền mặt ảnh hưởng đến chi phí của xã hội.
Còn về phía người dân, điều họ lo ngại nhất là ngân hàng sẽ áp dụng nhiều loại phí khi giao dịch. Chuyên gia tài chính độc lập Bùi Kiến Thành chia sẻ: Khi áp dụng quy định này thì ngân hàng được lợi nhất. Trong khi đó hiện nay, các ngân hàng thu rất nhiều khoản phí khác nhau như: phí mở tài khoản, phí duy trì tài khoản, phí thông báo giao dịch qua tin nhắn.
Đề cập về hạn mức bao nhiêu được thanh toán bằng tiền, đại diện Vụ Thanh toán cho rằng: Vấn đề này còn đang bàn thảo và cần phải nghiên cứu thấu đáo.
Nhiều ý kiến cho rằng, để Nghị định này đi vào cuộc sống, cần phải chuẩn bị các điều kiện cần thiết như: cơ sở hạ tầng của thị trường tiền tệ, chất lượng dịch vụ; đặc biệt là phải cung cấp thông tin cho người dân và phân tích để họ thấy những mặt lợi khi thực hiện quy định này. Mặt khác, dự thảo cũng cần quy định cụ thể về quy trình, trách nhiệm của từng bên liên quan, nhất là phía ngân hàng trong quá trình cung cấp dịch vụ cho khách hàng.