Câu chuyện cơ cấu vốn ngoại tệ, trong nước đổ vào lĩnh vực bất động sản quá nhiều với những hệ lụy xấu là thực trạng đã được cảnh báo. Tiếp cận vấn đề vốn đổ vào bất động sản từ góc độ xuất siêu vàng trong 2 năm trở lại đây có thể thấy rõ hơn vấn đề này.


Nếu cách đây khoảng hơn 10 năm, nước ta thường xuyên nhập siêu vàng thì hai năm trở lại đây, chúng ta chuyển hướng xuất siêu vàng. Lý do là khi giá vàng thế giới tăng cao, nhiều doanh nghiệp trước đó đã nhập vàng, hoặc gom được vàng trong nước thường chuyển sang xuất khẩu vàng để thu lời. Các doanh nghiệp nhập về ít hơn là xuất đi. Tính đến hết tháng 10.2010, Việt Nam xuất siêu đá quý và vàng hơn 2,3 tỷ USD. Đây có thể là tin vui trong bối cảnh cán cân thương mại đang bị thâm hụt. Nhưng cũng có ý kiến lo ngại luồng tiền thu về đang chạy vào thị trường bất động sản.

Một chuyên gia kinh tế cho rằng, biểu hiện rất xấu và đáng lo ngại đối với nền kinh tế hiện nay là người dân đang bơm vàng vào tài sản dự trữ khác, nhất là đầu cơ vào bất động sản. Nguồn lực dồn vào bất động sản, sân golf, resort, khu nghỉ dưỡng... rất lớn, trong khi đó, không ít sân golf, khu nghỉ dưỡng... nằm phơi nắng, phơi mưa, gây lãng phí nguồn lực, không trực tiếp tạo ra sản phẩm vật chất cho xã hội.

Câu hỏi đặt ra là tiền này lấy ở đâu? Có nhiều nguồn, nhưng một phần được cho là chuyển từ vàng sang mua bán đất. Suốt năm qua, các ngân hàng thương mại luôn khó khăn trong việc huy động vốn. Lẽ ra nguồn vốn rút ra từ vàng có thể đổ vào ngân hàng, nhưng thực tế các ngân hàng vẫn khó khăn trong huy động vốn. Điều này dẫn đến lãi suất huy động luôn căng thẳng, và doanh nghiệp dù chấp nhận giá vốn cao cũng không dễ vay. Thực tế cũng cho thấy, lượng tiền thu được từ vàng không đổ vào thị trường chứng khoán. Bằng chứng là thị trường chứng khoán ảm đạm suốt nhiều tháng nay. Lý do duy nhất là dòng vốn vào thị trường thấp khiến sức mua thấp, thậm chí tiền từ thị trường này còn bị rút ra. Như vậy, việc dự đoán tiền rời vàng, chuyển vào bất động sản không phải là không có cơ sở.

Nếu như năm 2009, có nhiều đợt giá vàng lên cao, người dân đổ xô đi bán vàng, thì năm nay, tình trạng này dường như ít hơn hẳn. Thậm chí, khi giá vàng tăng lên đỉnh điểm trên 38 triệu đồng/lượng vẫn có tình trạng người dân xếp hàng dài mua vàng, hoặc chỉ để nhận giấy hẹn lấy vàng. Một lượng vàng lớn đã bị xuất khẩu ra khỏi nước ta là nguyên nhân gây ra tình trạng căng thẳng cung cầu này.

Việc rút tiền từ vàng, chứng khoán đổ sang bất động sản vào lúc này đáng lo nhiều hơn là cải thiện sự ảm đạm của thị trường, vì chủ yếu là đầu cơ nhà đất. Thị trường bất động sản bản thân đang ẩn chứa không ít rủi ro, đầu cơ qua nhiều tầng nấc trung gian đẩy giá lên quá khả năng chi trả của người có nhu cầu sử dụng thực.

Từ năm ngoái đến năm nay, người dân đổ xô góp vốn vào các dự án chung cư. Có những dự án căn hộ chung cư như Dương Nội của Tập đoàn Nam Cường, người mua phải xếp hàng dài để mua. Song, hàng nghìn người chen nhau cũng chỉ có vài trăm người may mắn bốc thăm trúng. Nhiều dự án hợp đồng ký kết chỉ là góp vốn, nhưng người dân vẫn đổ xô vào nộp tiền.

Lợi dụng tâm lý này mà nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đổ xô vào thị trường bất động sản. Tỷ lệ vốn FDI đổ vào bất động sản lớn thể hiện rõ mong muốn ăn xổi của không ít nhà đầu tư ngoại. V iệc “ mỡ nó rán nó” khi một căn hộ qua nhiều khâu trung gian, lòng vòng, khiến thu nhập của người dân thì nội địa mà phải trả giá ngoại, còn phần lớn lợi nhuận rơi vào “túi” của chủ đầu tư.

Nhà hay chung cư chỉ tạo ra GDP một lần, không tái sinh sang các năm sau. Thậm chí, theo thời gian nhà cũ đi thì còn làm giảm GDP. Nếu cũng vốn đó, đầu tư vào một nhà máy sản xuất, thì sẽ tạo ra GDP liên tục năm này qua năm khác. Do đó, rất cần rạch ròi đâu là đầu tư vào phát triển cơ sở hạ tầng mang hiệu quả lâu dài, đồng thời kiểm soát các dòng vốn đổ vào thị trường bất động sản có chiều hướng tiêu cực. Ngân hàng Nhà nước đã quy định hệ số rủi ro khi cho vay đầu tư bất động sản hay chứng khoán là 250%. Nhưng quy định siết chặt này chưa điều chỉnh được tiền hay vàng người dân nắm giữ.

Một số chuyên gia kinh tế cho rằng, nhiều thời điểm vốn đổ vào thị trường bất động sản quá lớn dẫn đến bong bóng thị trường. Điều này nhắc chúng ta nhớ đến bài học khủng hoảng kinh tế thế giới năm 2008 – 2009, từ sự đổ vỡ của thị trường bất động sản, dẫn đến sự sụp đổ của hàng loạt ngân hàng.

Cafeland.vn - Theo Vũ Dũng (báo ĐBND)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland