Từ dự án vắng chủ
Theo ông Đặng Như Đạt, Phó trưởng phòng Quản lý đô thị TP. Vũng Tàu, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vừa thống nhất chủ trương thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư Dự án Khu công viên văn hoá thế giới kỳ diệu (Vungtau Wonderful World Theme Park) do nhà đầu tư không triển khai. Tuy nhiên, cơ quan chức năng không thể thực hiện được quyết định thu hồi dự án, vì chủ đầu tư đã bỏ trốn, không thể liên lạc được.
Vungtau Wonderful World Theme Park là dự án do Công ty TNHH Good Choice USA - Việt Nam làm chủ đầu tư. Toạ lạc tại thành phố Vũng Tàu, Dự án gồm các hạng mục như khu khách sạn 5 sao với 2.500 phòng, 4 cụm khách sạn 4 sao với 4.000 phòng; khu vui chơi giải trí gồm đu quay, trò chơi cảm giác mạnh, thủy cung, các danh lam thắng cảnh của Việt Nam và thế giới thu nhỏ. Mặc dù đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư từ đầu năm 2008 với tổng vốn đầu tư lên đến 1,3 tỷ USD, gồm nhiều ưu đãi đầu tư, song đến nay, Dự án vẫn chưa được triển khai.
Ông Đặng Minh Thông, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, việc truy tìm chủ đầu tư để thanh lý dự án gặp không ít khó khăn, ảnh hưởng đến tiến trình thanh lý dự án. Thời gian qua, Sở Kế hoạch và Đầu tư Bà Rịa - Vũng Tàu đã nhiều lần gửi văn bản và cử người xác minh địa chỉ của nhà đầu tư Dự án Vungtau Wonderful World Theme Park trên địa bàn tỉnh, nhưng không thể tìm được. Sở đã gửi công văn bằng thư bảo đảm đến địa chỉ đăng ký của nhà đầu tư ở Mỹ để thông báo về việc rút giấy chứng nhận đầu tư. Mặt khác, thông qua Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ, Sở đã yêu cầu nhà đầu tư quay lại Việt Nam để tiến hành thủ tục thanh lý dự án đầu tư.
Đến cơ chế giải quyết
Theo ông Trần Hào Hùng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) - đầu mối xây dựng Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 108/2006/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều Luật Đầu tư - một cơ chế mang tính nguyên tắc để xử lý tình trạng dự án vắng chủ đã được xây dựng trong Dự thảo. “Cơ chế này sẽ tạo thêm cơ sở pháp lý cho các quyết định của UBND các địa phương, bên cạnh các quy định của pháp luật dân sự, trong việc thanh lý dự án đầu tư, giải thể tổ chức kinh tế, trong trường hợp doanh nghiệp không có đại diện chịu trách nhiệm tổ chức việc thanh lý”, ông Hùng nói.
Dự thảo lên “kịch bản” 3 trường hợp xử lý riêng biệt dựa theo tiến trình thực hiện dự án đầu tư. Trường hợp đơn giản nhất là dự án đầu tư không triển khai hoạt động theo quy định tại giấy chứng nhận đầu tư và chưa phát sinh các khoản nợ phải thanh toán, cơ quan cấp giấy chứng nhận đầu tư tiến hành thu hồi giấy chứng nhận đầu tư và thông báo cho các cơ quan có liên quan. Việc xử lý tài sản (nếu có) của dự án đầu tư được thực hiện theo quy định của pháp luật dân sự về tài sản vắng chủ. UBND xã, phường, thị trấn hoặc ban quản lý khu công nghiệp cấp tỉnh chịu trách nhiệm lưu giữ, bảo quản tài sản của dự án đầu tư phù hợp với quy định của pháp luật dân sự.
Đối với dự án đầu tư đã triển khai hoạt động theo quy định, nhưng chưa phát sinh nợ phải thanh toán, việc xử lý tài sản được thực hiện tương tự.
Phức tạp nhất vẫn là các dự án đầu tư đã triển khai hoạt động theo quy định tại giấy chứng nhận đầu tư và đã phát sinh các khoản nợ phải thanh toán hoặc tài sản phải xử lý. Trong trường hợp này, cơ quan nhà nước sẽ phải thực hiện trách nhiệm của chủ doanh nghiệp để giải quyết quyền lợi của bên thứ ba, trong đó có cả quyền lợi của Nhà nước, các đối tác và người lao động.
Theo đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư hoặc ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao kiến nghị UBND cấp tỉnh phê duyệt việc thanh lý tài sản của doanh nghiệp. Các cơ quan này sẽ thực hiện vai trò của cơ quan thanh lý, như thông báo việc tổ chức thanh lý trên các phương tiện thông tin đại chúng, xây dựng phương án thanh lý tài sản (gồm tổ chức và thành phần, ngân sách, thời hạn hoạt động của ban thanh lý, danh mục tài sản, phương án thanh lý, danh sách tổ chức, cá nhân có nhu cầu đòi nợ...) theo quyết định của UBND cấp tỉnh.
Luật sư Lê Quốc Tuấn (Công ty Luật Indochina Legal) cho rằng, các cơ chế trên tạo cơ sở pháp lý để thanh lý dự án mà chủ đầu tư không có mặt tại địa điểm đăng ký kinh doanh. Bởi việc xử lý thanh lý và giải thể doanh nghiệp vắng chủ không thể chỉ trông vào pháp luật về đầu tư, cơ quan quản lý về đầu tư, mà đòi hỏi sự phối hợp các quy định như pháp luật dân sự, lao động, tài chính, ngân hàng..., cũng như sự tham gia của các cơ quan liên quan như UBND, tòa án, cơ quan thuế, ngân hàng, thậm chí cả cơ quan ngoại giao...
Tuy nhiên, những quy định đó chỉ là khung pháp lý cơ bản để xử lý dự án vắng chủ. Trong quá trình thực thi, tùy từng trường hợp, UBND cấp tỉnh có trách nhiệm quyết định phương án, cách thức xử lý phù hợp. “Sau khi Dự thảo Nghị định được thông qua, cơ quan chuyên ngành sẽ ban hành thông tư hướng dẫn về trình tự thủ tục, hồ sơ, cơ chế phối hợp của các cơ quan liên quan”, luật sư Tuấn chia sẻ.