Liệu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có tiếp tục kiểm soát được diễn biến trên thị trường tiền tệ trong những tháng còn lại của năm 2017 hay không? Câu trả lời sẽ phụ thuộc rất nhiều vào trạng thái hiện tại của những yếu tố mang tính chất đầu vào.
Diễn biến của thị trường tiền tệ trong sáu tháng đầu năm được xem là đúng với định hướng điều hành của NHNN. Ảnh: TL
Theo đó, tính đến hết ngày 30-6-2017, tỷ giá giữa đô la Mỹ (USD) và tiền đồng (VND) trên thị trường liên ngân hàng đã giảm 0,1% so với thời điểm cuối năm 2016, kết quả này đồng nghĩa với việc tiền đồng đã lên giá so với đô la Mỹ. Trong khi đó, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng kỳ hạn một tuần đã giảm từ mức 4,3% xuống còn 1,9%/năm, lợi suất của trái phiếu chính phủ kỳ hạn năm năm đã giảm từ mức 5,5% xuống còn 4,9%/năm.
Sắp tới sẽ có nhiều yếu tố thuận lợi
Trước tiên đó chính là lạm phát. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tính đến hết tháng 6-2017 chỉ tăng 2,54% so với cùng kỳ của năm 2016 và bình quân tăng 4,15% trong sáu tháng đầu năm 2017. Theo tính toán của Chính phủ thì với kịch bản xấu nhất, lạm phát trong cả năm 2017 sẽ chỉ ở mức 3,5% và bình quân là 3,42%. Như vậy, chênh lệch giữa lạm phát kỳ vọng và trần lãi suất huy động sẽ lên tới 2% (do trần lãi suất huy động đối với các khoản tiền gửi dưới sáu tháng hiện ở mức 5,5%/năm)
Thứ hai, đó là sự tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường chứng khoán (TTCK). Tính đến ngày 3-7-2017, chỉ số VN-Index đạt 778,88 điểm, tăng 17,1% so với cuối năm 2016. Trong khi đó, chỉ số HNX-Index đóng cửa ở mức 100,33 điểm, tăng 25,2% so với cuối năm 2016. Mức vốn hóa thị trường đạt 2.539.700 tỉ đồng, tăng 25,7% so với cuối năm 2016, tương đương 56,4% GDP. Quy mô giao dịch bình quân mỗi phiên đạt hơn 12.563 tỉ đồng, tăng 32,5% so với năm 2016. Diễn biến như vậy sẽ khuyến khích các doanh nghiệp đẩy mạnh việc tìm kiếm nguồn vốn trên TTCK thay vì phụ thuộc chủ yếu vào nguồn vốn tín dụng từ các ngân hàng. Do đó, cầu về vốn trên thị trường tiền tệ có thể sẽ không còn tăng mạnh như trong sáu tháng đầu năm.
Thứ ba, yếu tố quan trọng nhất, đó là nguồn vốn bằng ngoại tệ vào Việt Nam nhiều khả năng sẽ đạt mức kỷ lục kể từ sau năm 2008. Theo dữ liệu của Tổng cục Thống kê, tính đến hết tháng 6-2017, nguồn vốn đăng ký đầu tư trực tiếp của các nhà đầu tư nước ngoài (FDI) đã đạt 17 tỉ đô la Mỹ, tăng 51% so với cùng kỳ của năm 2016. Đặc biệt, chỉ riêng trong tháng 6, lượng vốn FDI đăng ký đã lên tới con số 7 tỉ đô la Mỹ.
Trong khi đó, nguồn vốn đầu tư gián tiếp của các nhà đầu tư nước ngoài đã giải ngân (FII) cũng đạt 2,2 tỉ đô la Mỹ, bằng 66% của cả năm 2016. Nguồn vốn đầu tư của nước ngoài vẫn tiếp tục tăng lên trong nửa đầu của tháng 7-2017, khi tỷ giá trên thị trường liên ngân hàng đã liên tục giảm và hiện đã chạm ngưỡng mua vào của NHNN ở mức 22,725 đồng/đô la Mỹ. Bên cạnh đó, thị trường cũng đang kỳ vọng một lượng lớn vốn FII vào Việt Nam trong thời gian tới khi Chính phủ quyết liệt thực hiện việc cổ phần hóa và bán phần vốn nhà nước tại hàng loạt doanh nghiệp lớn như Vinamilk, Habeco, Sabeco, PVOil, PVPower hay BIDV...
Bên cạnh những yếu tố trong nước này, yếu tố bên ngoài có thể tác động mạnh đến thị trường tiền tệ trong nước chính là động thái của Fed. Tuy nhiên, từ phát biểu mới nhất của bà Yellen, Chủ tịch Fed, thì có thể Fed sẽ không cần thêm đợt điều chỉnh lãi suất nào trong năm 2017 (“Fed không tăng lãi suất nhiều nữa”). Như vậy, dường như tất cả yếu tố trên đều hỗ trợ cho thị trường tiền tệ.
NHNN sẽ tiếp tục hạ lãi suất?
Với những yếu tố thuận lợi như trên thì tỷ giá đang được xem là biến số có được nhiều sự hỗ trợ nhất. Cung về ngoại tệ sẽ tiếp tục tăng lên, do vậy, nếu NHNN không có động thái chủ động phá giá tiền đồng để tăng dự trữ ngoại hối cũng như hỗ trợ cho hoạt động xuất khẩu thì nhiều khả năng tỷ giá sẽ dao động trong biên độ hẹp, thậm chí còn có thể lên giá so với đô la Mỹ. Việc tỷ giá trên thị trường liên ngân hàng chạm mức 22.725 đồng/đô la Mỹ, mức giá mua vào của NHNN, đồng nghĩa với việc NHNN có thể sẽ mua được ngoại tệ từ các ngân hàng. Kết quả này cũng đồng nghĩa với việc có một khối lượng tiền đồng tương ứng sẽ được bơm ra thị trường. Nhờ vậy, thanh khoản của toàn hệ thống ngân hàng sẽ tiếp tục được cải thiện. Lãi suất trên thị trường liên ngân hàng do đó cũng sẽ khó có sự biến động mạnh trong thời gian tới, thậm chí còn có khả năng chạm ngưỡng thấp kỷ lục như từng diễn ra trong năm 2016.
Tuy nhiên, nếu thị trường tiền tệ chỉ dừng lại với diễn biến như vậy thì vẫn chưa thể hỗ trợ được cho cộng đồng doanh nghiệp nói riêng và toàn bộ nền kinh tế nói chung. Bởi lẽ, kỳ vọng của cả nền kinh tế vào thời điểm hiện tại là việc NHNN sẽ hạ thấp mặt bằng lãi suất huy động và cho vay xuống mức ngang bằng với các nước trong nhóm ASEAN 4 (Singapore, Thái Lan, Malaysia và Philippines), qua đó góp phần giúp các doanh nghiệp có điều kiện giảm thiểu chi phí sản xuất và nâng cao năng lực cạnh tranh so với hàng hóa của các nước trong khu vực.
Hoàng Ngọc Khanh (TBKTSG)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.