Cách đây hơn hai thập kỷ, khi Liên minh châu Âu (EU) ra mắt đồng tiền chung euro, các chuyên gia kinh tế đã tự hỏi liệu đồng tiền mới này có thể tạo ra một kỳ tích mà chưa đồng tiền nào làm được trong thời kỳ hậu chiến, là thách thức đồng USD hùng mạnh hay không?
Sự tồn tại của tiền tệ chủ yếu nhằm tạo thuận lợi cho giao dịch của người dân và doanh nghiệp trong biên giới nơi phát hành đồng tiền đó, nhưng sự hiện diện quốc tế cũng mang lại nhiều lợi ích.
Đối với các công ty, xuất nhập khẩu được thực hiện bằng nội tệ, thay vì USD, có nghĩa là ít bị gián đoạn hơn khi tỷ giá hối đoái biến động.Việc phát hành một đồng tiền mà người nước ngoài muốn nắm giữ sẽ giúp chính phủ có thể dễ dàng huy động tiền với tỷ giá rẻ.Điều đó làm giảm chi phí đi vay đối với các công ty và ngân hàng.
Theo tờ Economist của Anh, giờ đây, châu Âu đang thực hiện một bước đi quan trọng trong việc thiết lập sự hiện diện của đồng euro vượt ra ngoài biên giới EU, khi vào ngày 15/6, liên minh này đã phát hành trái phiếu trị giá 20 tỷ USD như một phần của kế hoạch Thế hệ tiếp theo của EU (NGEU) nhằm thúc đẩy các nền kinh tế châu Âu. Loại trái phiếu này có thể cạnh tranh với trái phiếu kho bạc Mỹ như một lựa chọn tài sản an toàn.
Các đồng tiền giấy euro. Ảnh: IRNA/TTXVN
Đồng euro được phổ biến rộng rãi bên ngoài 19 quốc gia chính thức sử dụng đồng tiền này. Khoảng 20 quốc gia đã liên kết đồng tiền của mình với đồng euro ở mức độ nào đó, nhưng chủ yếu là các thuộc địa cũ và những nước láng giềng gần gũi của châu Âu. Theo Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB), khoảng 1/3 đến một nửa giá trị của tiền giấy euro được lưu giữ bên ngoài khu vực đồng Euro. Tuy nhiên, theo các thước đo thông thường được sử dụng để đánh giá mức độ quốc tế hóa một đồng tiền, đồng euro dù đứng ở vị trí á quân, nhưng còn cách rất xa so với đồng bạc xanh.
Khoảng 20% tổng dự trữ ngoại hối của các ngân hàng trung ương và một tỷ lệ tương tự các khoản vay xuyên biên giới và trái phiếu được thực hiện bằng đồng euro, trong khi tỷ trọng của đồng USD là khoảng 60%.Tỷ trọng thanh toán các giao dịch bằng đồng euro gần bằng với tỷ trọng của đồng USD bởi EU là nhà nhập khẩu và xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ lớn nhất thế giới.Tuy nhiên, các mặt hàng như dầu mỏ vẫn chủ yếu được định giá bằng USD.
Trong vài năm đầu tiên, đồng tiền chung này có vẻ như có thể cạnh tranh với "nhà vô địch" thời hậu chiến. Đến năm 2007, đồng euro thậm chí đã trở thành đồng tiền phổ biến nhất để phát hành các khoản nợ bằng ngoại tệ.Tuy nhiên, điều này không tồn tại lâu.Cuộc khủng hoảng tài chính bắt đầu vào năm đó đã khiến các nhà đầu tư quay trở lại với đồng USD. Giai đoạn khó khăn của khu vực đồng euro sau đó, thời kỳ mà sự tồn tại của đồng tiền chung này bị đặt dấu hỏi, dường như đã chứng minh quyết định của các nhà đầu tư là đúng. Tùy thuộc vào thước đo được sử dụng, kể từ đó, tầm quan trọng của đồng euro đã giảm đi.
Châu Âu bây giờ muốn thực hiện một "cú đánh" khác, nếu không vượt qua được đồng USD thì ít nhất cũng làm giảm sự thống trị của đồng tiền này.Có hai thay đổi về hoàn cảnh giúp đồng euro có thể giành thêm lợi thế.
Đầu tiên là việc Mỹ thay đổi thái độ đối với việc hoạch định chính sách kinh tế quốc tế - ít nhất là dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump.Ngay cả dưới chính quyền Tổng thống Joe Biden, châu Âu vẫn lo lắng rằng lợi ích của mình không phải lúc nào cũng sẽ đồng hành với các lợi ích của Mỹ. Việc dựa vào đồng USD bị coi là một điểm yếu tiềm ẩn thậm chí còn lớn hơn trước đây.
Tháng 3/2021, các nhà lãnh đạo khu vực đồng euro nói rằng thúc đẩy việc sử dụng quốc tế của đồng euro sẽ giúp đạt được "quyền tự chủ chiến lược".
EU đã không hài lòng với việc các doanh nghiệp trong khu vực phải tuân theo các lệnh trừng phạt của Mỹ mà châu Âu phản đối, chẳng hạn như lệnh trừng phạt đối với Iran. Mỹ đã sử dụng nhu cầu tiếp cận đồng USD của các ngân hàng lớn để kiểm soát hoạt động của các ngân hàng vượt xa ra bên ngoài lãnh thổ của mình. Những người vi phạm các sắc lệnh của Mỹ sẽ phải chịu những khoản phạt lớn.
Các nhà phê bình cho rằng động thái trên đã khuyến khích sự thay đổi quan điểm của những người truyền thống phản đối việc thúc đẩy vai trò quốc tế của đồng euro.Trong thời kỳ khủng hoảng, các đồng tiền dự trữ toàn cầu có xu hướng tăng đột biến khi các nhà đầu tư tìm kiếm nơi trú ẩn.
Các dòng vốn khó dự đoán như vậy khiến các nhà hoạch định chính sách tiền tệ của Đức trong "thời đại đồng Deutschmark" lo lắng. Sự hoài nghi này được lan truyền sang ECB. Trong lịch sử, ECB đã "không cản trở, cũng không thúc đẩy" một đồng euro quốc tế, nhưng giờ đây họ có xu hướng đi theo ý tưởng này hơn.
Sự thay đổi thứ hai đến là do tác động của đại dịch. Trong khi cuộc suy thoái toàn cầu vừa qua đã đưa đồng euro lên tới đỉnh điểm.Các hành động nhanh chóng của ECB và chính phủ các nước nhằm hỗ trợ nền kinh tế của mình đã được đón nhận nồng nhiệt.Sự cứng rắn như vậy đã nâng cao uy tín của đồng euro trong một cuộc khủng hoảng - một thuộc tính quan trọng của một loại tiền tệ toàn cầu.
Phản ứng kinh tế của EU đối với cuộc khủng hoảng đã điều chỉnh cấu trúc của đồng tiền chung này theo những cách làm gia tăng sức hấp dẫn quốc tế. Một bước tiến lớn là sự ra đời của chương trình NGEU và việc phát hành trái phiếu sau đó.
Trái phiếu này được hỗ trợ hiệu quả bởi bảng cân đối của tất cả các nước thành viên EU, do đó khiến chúng gần giống với trái phiếu kho bạc của Mỹ. Đây là một điều tương đối mới lạ ở châu Âu, nơi mà việc vay nợ chủ yếu được thực hiện bởi chính phủ các nước, những quốc gia có mức độ tín nhiệm khác nhau.
Trái phiếu mới của Liên minh châu Âu tạo ra một cách để các nhà đầu tư tiết kiệm bằng đồng euro mà không phải chịu rủi ro tín dụng, chẳng hạn như nếu cho Italy vay.
Việc không có "tài sản an toàn" như vậy là một yếu tố cản trở việc sử dụng đồng euro trên phạm vi quốc tế. Tất cả các cách thức hoạt động xuyên biên giới, từ quản lý dự trữ của ngân hàng trung ương đến các công ty vay tiền bằng ngoại tệ, đều được củng cố bởi một chuẩn mực thanh khoản phi rủi ro.
Chuyên gia Reza Moghadam thuộc ngân hàng Morgan Stanley cho biết cho đến nay, trái phiếu của Đức là đại diện không hoàn chỉnh, nhưng sự ra đời của NGEU "góp phần làm cho đồng euro trở thành một thay thế tốt hơn cho đồng USD".
Mặc dù vậy, không phải tất cả các rào cản đối với việc sử dụng đồng euro nhiều hơn trên trường quốc tế đã biến mất. Một phần, "tài sản an toàn" này có thể chỉ là tạm thời. Về lý thuyết, trái phiếu NGEU cuối cùng sẽ được phát hành vào năm 2026, dù nhiều người nghĩ rằng chương trình sẽ được gia hạn theo một cách nào đó. Theo tiêu chuẩn tài chính toàn cầu, số tiền cũng rất nhỏ. Tổng dư nợ của EU sẽ đạt đỉnh khoảng 1.000 tỷ USD, trong khi Mỹ có hơn 20.000 tỷ USD nợ mà các nhà đầu tư có thể giao dịch.
Ngoài ra, một số đặc tính của đồng tiền chung này vẫn còn. Khu vực đồng euro thiếu một số yếu tố của một liên minh tài chính chặt chẽ, chẳng hạn như chia sẻ rủi ro nếu các ngân hàng khó khăn.Mặc dù có NGEU, nhưng thiếu việc tái phân phối tài chính có nghĩa là có thể lại xảy ra cuộc khủng hoảng khu vực đồng euro. Các thị trường vốn vẫn còn mỏng và thiếu cân bằng, không giống như thị trường của Mỹ.
Trong khi đó, việc thiếu một trung tâm tài chính duy nhất hậu Brexit cũng đặt ra những khó khăn.
Do đó, việc lấy được thị phần từ đồng USD có giúp châu Âu thoát ra khỏi tầm với của Mỹ hay không là một câu hỏi. Các ngân hàng sẽ luôn cần đồng USD và do đó là một chỗ đứng ở New York, ngay cả khi đồng euro phát triển mạnh (một kế hoạch của châu Âu nhằm lách các lệnh trừng phạt đối với Iran nhìn chung đã bị đánh sập).
Ít người nghĩ rằng đồng tiền chung này sẽ thay thế đồng bạc xanh, nhưng đồng tiền này có thể tái cân bằng hệ thống tiền tệ quốc tế. Điều đó có thể giúp giảm thiểu những rối loạn gây ra bởi các nhà lãnh đạo của ngân hàng trung ương Mỹ, ví dụ như việc chính sách tiền tệ bị thắt chặt nhẹ vào năm 2013 đã gây ra một "cơn giận dữ" trên toàn cầu.
Đồng euro rõ ràng là một đồng tiền để cung cấp sự đa dạng. Năm 2019, ông Mark Carney, khi đó là Thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh, đã suy nghĩ rằng công nghệ có thể làm gián đoạn các nỗ lực hệ thống nhằm neo đồng USD ở trung tâm của tài chính quốc tế. Với việc ECB đang cân nhắc về thực trạng gia tăng của các loại tiền kỹ thuật số do các ngân hàng trung ương phát hành, điều này có thể dẫn đến một trạng thái cân bằng mới, theo đó nhiều loại tiền tệ chia sẻ vị thế là đồng tiền tệ dự trữ toàn cầu.
Một kết quả như vậy sẽ là câu chuyện của nhiều năm nữa. Tuy nhiên, kết quả này sẽ đánh dấu sự quay trở lại các chuẩn mực trước chiến tranh thế giới thứ hai, khi nhiều loại tiền tệ - đồng USD, đồng bảng Anh và đồng Franc của Pháp… cùng nắm giữ quyền thống trị.
-
Điểm tin sáng: USD tăng cao, vàng giảm về đáy
CafeLand = Sáng nay, giá vàng chịu áp lực giảm giá mạnh khi đồng USD tăng cao, thị trường lo ngại FED sẽ thắt chặt chính sách tiền tệ sớm hơn dự báo.