Thế là quốc hội Đức đã bỏ phiếu tán thành cho chính phủ nước này đóng thêm tiền vào quỹ cứu trợ của Cơ quan bình ổn tài chính châu Âu (EFSF) lên đến 440 tỉ euro. Trong đó, Đức đảm bảo sẽ góp đến 211 tỉ euro thay vì 123 tỉ euro như đã hứa trước đây.

Khủng hoảng nợ: Lo lại càng lo!
Quốc hội Đức đã bỏ phiếu tán thành cho chính phủ nước này đóng thêm tiền vào quỹ cứu trợ của Cơ quan bình ổn tài chính châu Âu (EFSF)
Hẳn là một bước tích cực! Song theo một số nhà phân tích, thế giới chưa nên vội mừng vì “toa thuốc cho bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối” dù có mạnh mấy cũng khó mà thay đổi được kết quả chung cuộc.


Trong tờ Telegraph, nhà phân tích Damien Reece khuyên ai chớ vội phấn khích nếu như nay mai giá các thị trường tài chính tăng. Ông Reece so sánh cuộc bỏ phiếu này không khác gì một người đá một cái lon không trên đường, chuyển chuyện khó hiện nay sang tháng 11 vì “cục nợ” bây giờ đã chuyển thành vấn đề gai góc hơn dự kiến ban đầu nhiều.


Nếu Đức quyết được vào cuối tháng 7-2011 thì đỡ nhiều lắm. Tiếc thay, đến giờ mới bỏ phiếu tán thành thì dù quỹ cứu trợ có tăng lên 440 tỉ euro cũng chẳng đáng là bao. Vì, bấy giờ, nếu quyết tâm tập trung giải quyết vấn đề Hy Lạp, thì có thể con bệnh đã không chuyển qua “di căn” như hiện nay. Với 440 tỉ euro, tuy lớn hơn, nhưng đã quá muộn. Vì, nay cùng một lúc, quỹ này phải gánh không chỉ “cục nợ” lớn Hy Lạp, mà còn phải hỗ trợ tài chính cho nhiều ngân hàng và chính phủ các nước khác nảy sinh chuyện kẹt tiền. Tóm lại, theo nhà phân tích, để đến giờ mới quyết thì hình như quá trễ. Có lẽ vì vậy mà Thủ tướng Anh David Cameron phải lên tiếng “năn nỉ” các nước eurozone giải quyết nhanh, dứt điểm để cắt hậu hoạn có thể lan qua các nước khác ở châu Âu, kể cả Anh, là nước không sử dụng euro mà sử dụng đồng bảng Anh.


Giá như quyết được tại tháng 7, bấy giờ cái giá chỉ vài trăm tỉ euro. Quyết trễ, có thể phải tiêu tốn hàng ngàn tỉ euro. Chính vì vậy mà giá các thị trường tài chính thế giới ngày thứ hai đầu tuần đều đua nhau giảm vì tâm lý lo ngại đó.


Ông Michael Ridell của công ty Bond Vigilantes giải thích lý do tại sao:


- Rủi ro về pháp lý. Các nhà đầu tư vào trái phiếu EFSF không biết tiền sử dụng cho việc gì (ban đầu các nhà đầu tư được báo rằng quỹ bình ổn này sẽ không được sử dụng để cứu trợ nhưng nay xem ra thông báo này phải thay đổi. Và nếu có nước nào đó đứng ra bảo lãnh, thì không chắc sẽ được hoàn vốn).


- Một vài nước trước đây hứa đứng ra cáng đáng bảo lãnh thì nay nước đã hứa đó lại rơi vào tình trạng khó khăn và cũng đang cần quỹ cứu trợ. Theo cách điều động, các nước sẽ luân phiên bảo lãnh theo từng đợt, thí dụ như để cứu Ireland, Bồ Đào Nha phải đứng ra bảo lãnh, rồi đến Bồ Đào Nha thì nước khác bảo lãnh… nhưng đối với bản thân nhiều nước, khủng hoảng như “nước đã đến chân” nên kiểu xoay vòng thế này liệu có thể giải cứu kịp hay đều “đuối nước chết chùm”.


Chính vì thế, trong khi đang viết bài này, giá chứng khoán châu Âu phiên sáng thứ hai như EURO STOXX 50 rớt 2,44%, CAC của Pháp giảm 2,55%, DAX của Đức rụng 2,63%. Trong khi đó, các thị trường châu Á đóng cửa đều giảm như chỉ số Hang Seng của Hồng Kông giảm 4%, ASX/200 của Úc giảm 2,7%, Nikkei của Nhật mất 1,8%.


Các thị trường hàng hóa châu Âu và Mỹ đang giao dịch đều xuống chỉ trừ chỉ số đồng đô la Mỹ (USDX) và giá vàng tăng. Giá kỳ hạn vàng có lúc tăng lên mức 1660,8 đô la Mỹ/ounce. Giá dầu thô có lúc chỉ còn 77 đô la Mỹ/thùng so với đóng cửa tuần trước trên 79 đô la Mỹ/thùng. Các thị trường kỳ hạn hàng hóa như cà phê, ca cao, bắp, đậu nành… giá đang bị nhấn chìm xuống màu đỏ quạch, có lẽ do USDX tăng mạnh chăng? USDX đang giao dịch ở mức 79,6, tăng 0,52 tối ngày 3-10.

Theo Nguyễn Quang Bình (Báo Đầu tư)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: tai chinh