Hội nghị thượng đỉnh của Châu Âu diễn ra tuần qua nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng nợ nhưng kết quả vẫn khiến thị trường thất vọng.
Khủng hoảng nợ châu Âu sẽ còn kéo dài?Rạng sáng ngày 27/10, sau cuộc đàm phán kéo dài, lãnh đạo các nước sử dụng đồng euro (eurozone) đã đi đến thống nhất đưa ra “gói cứu trợ toàn diện” nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng nợ đã kéo dài gần hai năm qua. Các nhà lãnh đạo eurozone đề xuất hàng loạt giải pháp như thành lập một quỹ hỗ trợ các chủ nợ đang gặp khó khăn, phác thảo kế hoạch giải cứu các ngân hàng Châu Âu, xóa đáng kể nợ cho Hy Lạp, và đề xuất cơ chế điều hành đồng euro đúng đắn hơn.

Tuy nhiên kế hoạch giải cứu này đang có những lỗ hổng nghiêm trọng, đó là không rõ ràng và không thuyết phục. Không rõ ràng bởi vì kế hoạch này quá tự tin với những phương án tài trợ được đưa ra, trong khi bản thân các phương án này lại hàm chứa những hậu quả khôn lường. Không thuyết phục bởi lẽ kế hoạch còn quá sơ sài, thiếu quá nhiều chi tiết, và về bản chất không thể giúp bảo vệ đồng euro.

Đây đã là gói cứu trợ toàn diện thứ ba trong năm nay của eurozone và rất có thể sẽ chưa dừng lại ở đây.

Nói thì dễ…


Kết quả đáng chú ý nhất của hội nghị thượng đỉnh này là đạt được thỏa thuận buộc các nhà đầu tư tư nhân phải xóa 50% nợ cho Hy Lạp. Tuy nhiên nếu xóa nợ cho Hy Lạp, châu Âu cũng sẽ phải lập một quỹ hỗ trợ tương ứng để cứu các nước nợ nần chồng chất nhưng chưa vỡ nợ như Italy. Đây là cách duy nhất để duy trì niềm tin của nhà đầu tư và bảo vệ các ngân hàng châu Âu nhằm giúp các ngân hàng này tiếp tục cho vay.

Tuy nhiên chính điều này lại là điểm yếu nhất của thỏa thuận trên. Quỹ giải cứu chính của châu Âu – Quỹ Bình ổn Tài chính châu Âu (EFSF) chắc chắn sẽ không có đủ tiền để cứu Italy và Tây Ban Nha trong trường hợp các nước này vỡ nợ. Bên cạnh đó, Đức và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã quyết định loại trừ khả năng sử dụng đến nguồn tài trợ không giới hạn là lấy tiền từ chính ECB. Các quốc gia chủ nợ trong eurozone cũng từ chối đóng góp thêm vào quỹ bình ổn này.


Thay vào đó, châu Âu lại đưa ra hai phương án để tăng vốn cho EFSF. Phương án thứ nhất sử dụng chính EFSF để bảo hiểm cho các khoản lỗ của nhà đầu tư trong trường hợp các nước châu Âu vỡ nợ đối với số trái phiếu mới phát hành. Trên lý thuyết, cách này có thể giúp củng cố sức mạnh của EFSF lên nhiều lần. Nhưng trên thực tế, thì cách này lại chẳng mấy hiệu quả bởi vì thị trường trái phiếu sẽ nghi ngờ các khoản bảo hiểm này, do chúng được đảm bảo bởi chính các nước rất có khả năng lâm nguy nếu nước láng giềng vỡ nợ.


Phương án thứ hai là EFSF sẽ tạo ra một “cơ chế cho vay với mục đích đặc biệt” (SPV), do các nhà đầu tư khác góp vốn, bao gồm cả các quỹ đầu tư quốc gia. Lại một lần nữa, chúng ta có nhiều lí do để nghi ngờ tính hiệu quả của phương án này. Mỗi cơ chế lại được thiết kế riêng cho mỗi nước, chính vì vậy không thể phân tán được rủi ro. Và tại sao Trung Quốc hay Brazil sẽ bỏ nhiều tiền vào EFSF trong khi Đức lại không muốn?


Hai phương án này được kỳ vọng khi kết hợp triển khai sẽ giúp nâng giá trị của EFSF lên 1.000 tỷ euro, tương đương 1.400 tỷ USD, thâm chí còn hơn. Tuy nhiên kỳ vọng này của Châu Âu đang ngày càng trở nên xa vời. Bởi vì, nếu EFSF là người đứng ra bảo hiểm và phải chịu lỗ trước tiên, thì chính vốn của EFSF sẽ có nguy cơ mất trắng nhiều hơn là nếu EFSF chỉ tham gia vào một hợp đồng vay nợ đơn thuần. Điều này có thể ảnh hưởng tới Pháp – nước tài trợ lớn cho quỹ này và gần đây có nguy cơ mất xếp hạng tín nhiệm AAA. Vì xếp hạng tín nhiệm EFSF phụ thuộc một phần vào tình hình của Pháp, do đó nếu Pháp tụt hạng thì quỹ này cũng sẽ bị ảnh hưởng.


Bên cạnh đó, nếu quỹ bình ổn không đủ mạnh thì hệ quả sẽ là một hệ thống ngân hàng suy yếu. Đến tháng 6/2012, các ngân hàng châu Âu được kỳ vọng sẽ tăng tỷ lệ vốn cấp 1 lên 9%. Về nguyên tắc, đặt ra chỉ tiêu này là rất đáng hoan nghênh. Tuy nhiên, nếu ép các ngân hàng phải đạt được tỷ lệ này, các ngân hàng đối phó bằng cách tránh huy động thêm vốn cổ phần mới làm pha loãng tỷ lệ sở hữu của các cổ đông hiện hữu, và thay vào đó là các ngân hàng sẽ giảm quy mô tài sản của mình. Và hệ quả sẽ là châu Âu sẽ mất đi nguồn tín dụng và càng làm khủng hoảng trầm trọng thêm.


Và tất nhiên, mối lo Hy Lạp vẫn còn đó. Mặc dù việc xóa 50% nợ cho Hy Lạp là động thái hết sức tích cực nhưng các nhà lãnh đạo châu Âu tỏ ra hơi liều lĩnh khi đề xuất cơ chế xóa nợ “tự nguyện”. Nếu Hy Lạp vỡ nợ, chắc chắn thị trường hợp đồng hoán đổi rủi ro tín dụng (CDS) sẽ có biến động lớn, trong khi đó châu Âu lại chưa từng có kinh nghiệm gì với thị trường CDS khi xảy ra đổ vỡ. Do đó cơ chế xóa nợ tự nguyện này sẽ dẫn đến việc các nhà đầu tư mua trái phiếu của các chính phủ châu Âu sẽ nghi ngại khả năng bảo vệ của CDS.


Tóm lại, việc EFSF đề xuất để bảo hiểm cho các trái chủ, kết hợp với cơ chế xóa nợ “tự nguyện” cho Hy Lạp sẽ càng làm các khoản nợ của eurozone khó bảo đảm hơn.


… Khó giành được niềm tin thị trường


Châu Âu đưa ra những phương án này bởi vì Đức tin rằng nếu không có sức ép thị trường, các nền kinh tế đang gặp khó khăn sẽ không có động lực để cải cách chính nền kinh tế của mình.


Mặc dù thủ tướng Italy – Silvio Berlusconi đã hứa hẹn đủ điều trọng hội nghị vừa qua, nhưng Đức vẫn có nhiều lý do để quan ngại. Châu Âu cần tập trung vào các biện pháp mang tính thể chế nhằm kiểm soát các chính phủ tiêu xài hoang phí, hơn là vét cạn các quỹ cứu trợ. Giải pháp Châu Âu đưa ra trong trường hợp tốt nhất cũng không giúp giải quyết cuộc khủng hoàng, nếu không muốn nói trường hợp xấu nhất các giải pháp này sẽ càng làm trầm trọng thêm vấn đề. Do các nhược điểm của gói cứu trợ ngày càng lộ rõ, chắc chắn niềm tin của nhà đầu tư sẽ lại giảm, lãi suất trái phiếu sẽ lại tăng và nguồn vốn cho các ngân hàng sẽ càng khó khăn hơn.


Một lần nữa, thảm họa tài chính đang đe dọa châu Âu và ECB sẽ chỉ có thể trì hoãn chứ không thể giải quyết tận gốc vấn đề. Chủ tịch sắp tới của ECB, ông Mario Draghi tuần qua đã tuyên bố giải quyết vấn đề này chính là nhiệm vụ của mình. Điều đó cũng chính là bi kịch của hội nghị thượng đỉnh vừa qua. Lẽ ra nếu châu Âu cam kết hỗ trợ không giới hạn cho các quốc gia chưa vỡ nợ thì họ đã có cơ hội giải quyết cuộc khủng hoảng từ vài tháng trước. Cam kết hỗ trợ không giới hạn có lẽ vẫn là phương án tối ưu nhất hiện nay.


Tại hội nghị, các nhà lãnh đạo Châu Âu kì vọng có thể chứng tỏ khả năng cứu đồng euro của mình vượt trên mọi suy đoán của thị trường. Tuy nhiên lại một lần nữa họ đã lầm. Khủng hoảng sẽ còn tiếp diễn. Và cho tới khi họ thống nhất được một giải pháp hữu hiệu thì lúc đó chi phí cũng sẽ vượt xa con số hiện tại.

Theo DVT
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: tai chinh