30/06/2021 8:13 AM
Hai dự án tái định cư tại Ðắk Nông được quy hoạch, đầu tư khá bài bản, từng kỳ vọng sẽ 'an cư lạc nghiệp' cho hàng trăm hộ dân nhường đất xây dựng thủy điện. Tuy nhiên thực tế, các dự án gần như bỏ hoang, còn dân 'tùy nghi di tản'.

Công trình công cộng tại khu tái định cư thủy điện Sêrêpôk 3 bị bỏ hoang

Mòn mỏi chờ tái định cư

Dự án khu tái định cư thủy điện Đắk R’tih (thuộc Cty Cổ phần thủy điện Đắk R’tih) nằm trên phần đất rộng 17 héc-ta tại thônTân Hòa (xã Đắk R’moan, thành phố Gia Nghĩa, Đắk Nông), được đầu tư gần 30 tỷ đồng với mục tiêu ổn định cuộc sống cho hơn 200 hộ dân nhường đất xây dựng thủy điện Đắk R’tih. Dù được khởi công từ năm 2007, nhưng đến nay, khu đất này không khác gì một bãi đất bỏ hoang.

Suốt 10 năm qua, chị Trần Thị Phượng, một trong những hộ thuộc diện tái định cư mòn mỏi đợi nhận đất. Chị Phượng cho hay, năm 2007, gia đình chị giao 3,6 héc-ta đất cho Cty cổ phần thủy điện Đắk R’tih xây dựng nhà máy thủy điện. Từ ngày giao đất đến nay, gia đình chị chưa thể nhận đất tại khu tái định cư.

“Năm 2014, chủ đầu tư yêu cầu gia đình bốc thăm, nhận đất nhưng tôi không đồng ý vì cơ sở hạ tầng không đảm bảo theo thiết kế ban đầu, cụ thể: Đường dân sinh nhỏ hẹp, mặt đường lồi lõm; lắp hệ thống đèn chiếu sáng nhưng “quên” nối điện; không có hệ thống cấp nước sinh hoạt…

Từ đó đến nay, chủ đầu tư không khắc phục gì. Mới đây, họ lại gọi tôi đi nhận đất, tuy vậy tôi vẫn giữ nguyên yêu cầu cũ là khắc phục hết những bất cập đã chỉ ra trước đó”, chị Phượng cho hay.

Chị Ðoan phải hứng từng giọt nước mưa để sinh hoạt

Vì không lường hết những khó khăn khi vào khu tái định cư nên suốt 3 năm qua, chị Nông Thị Đoan (thôn Tân Hòa, xã Đắk R’moan) phải hứng từng giọt nước mưa, đi chở từng can nước ở khu vực khác về dùng. Trong căn nhà cấp 4 thô sơ, chị Hoa cho biết, là hộ đầu tiên sống tại khu tái định cư Đắk R’tíh. Phần đất này, chị Đoan mua lại nên không biết những bất cập về hạ tầng của khu tái định cư.

“Lúc xem đất, tôi thấy có giếng khoan, bồn nước, hệ thống đèn chiếu khá bài bản nên quyết định mua đất, xây nhà. Tuy nhiên, bồn chứa nước tập trung chỉ để đó ngắm, nhiều lần muốn chuyển đi nơi khác nhưng không có tiền nên đành chịu”, chị Đoan nói.

Ông Phạm Trung Đông, Phó Chủ tịch UBND xã Đắk R’Moan lý giải, trước đây người dân không nhận đất tại khu tái định cư vì liên quan đến quyền lợi, chế độ giải tỏa đền bù và việc đầu tư hạ tầng. Về sau, nhiều hộ dân đồng tình nhận đất tái định cư nhưng chủ đầu tư chưa khắc phục được các bất cập về hệ thống đường, điện, hệ thống cấp nước sinh hoạt… Người dân đã kiến nghị những vấn đề trên và địa phương đã tiếp nhận, trình lên UBND thành phố Gia Nghĩa chỉ đạo giải quyết.

Xem thêm: Tin tức bđs đắk nông mới nhất

Di cư tại khu tái định cư

Tại Đắk Nông còn có khu tái định cư thủy điện Sêrêpôk 3 (thôn Nam Tiến, xã Ea Pô, huyện Cư Jút) được xây dựng từ năm 2006 nhằm mục tiêu bố trí nơi ở cho hơn 70 hộ dân bị thu hồi nhà cửa, đất đai để thực hiện Dự án Nhà máy thủy điện Sêrêpốk 3.

Tuy nhiên đến nay, số hộ dân sống trong khu tái định cư chỉ đếm trên đầu ngón tay. Ông Đinh Công Điều, trưởng thôn Nam Tiến cho hay, có khoảng 10 hộ dân thuộc diện tái định cư đang sinh sống, những hộ còn lại đi nơi khác. Trong số những hộ ở lại thì người ở phần lớn là người già, trẻ em; thanh niên, người trong độ tuổi lao động cũng “di tản” tìm kế sinh nhai.

Bà Vũ Thị Bắc, một trong số ít hộ dân sống tại khu tái định cư thủy điện Sêrêpôk 3 cho hay, lý do người dân không vào khu tái định cư ở vì thiếu đất sản xuất. “Gia đình tôi bị thu hồi nhà cửa và gần 1 héc-ta đất nông nghiệp nhưng chỉ được hỗ trợ 20 triệu đồng và cấp 400m2.

Ngoài ra, chủ đầu tư có dựng sẵn 1 ngôi nhà cấp 4 nhưng quá chật, lại thấp nên nóng bức, tôi phải vét sạch tiền tiết kiệm để sửa lại. Có nhà ở nhưng hết đất sản xuất, các con tôi phải đi làm thuê kiếm sống”.

Ông Vũ Tá Vượng, Giám đốc Ban Quản lý dự án và Phát triển quỹ đất thành phố Gia Nghĩa cho biết, UBND thành phố Gia Nghĩa đã phê duyệt phương án bốc thăm đất tại khu tái định cư thủy điện Ðắk R’tih nhưng vì dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, chưa thể tổ chức bốc thăm cùng một lúc cho 250 người. UBND thành phố Gia Nghĩa cũng đã chủ trì cuộc họp yêu cầu chủ đầu tư dự án phải tu sửa hạ tầng tại khu tái định cư trước khi bàn giao cho chính quyền quản lý.

Do thưa người ở nên các công trình công cộng (trường học, nhà văn hóa cộng đồng, trạm y tế, đường giao thông, công trình cấp nước…) mà chủ đầu tư khu tái định cư thủy điện Sêrêpôk 3 xây dựng trước đó, nay bị bỏ hoang, xuống cấp trầm trọng.

Bà Đặng Thị Chích, hộ dân sống gần khu trường học bị bỏ hoang chia sẻ: “Sau khi xây dựng xong, ngôi trường chưa một lần được sử dụng. Lâu ngày, cửa sổ, hệ thống điện, thiết bị hỗ trợ học tập, giảng dạy… bị hư hỏng nặng. Tương tự, nhiều công trình khác như nhà máy cấp nước sinh hoạt, nhà văn hóa cộng đồng, cũng trong tình trạng bỏ hoang suốt thời gian dài, quá lãng phí”.

Huỳnh Thủy (Tiền Phong)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.