Từng chấp nhận về ở tại các tòa chung cư để nhường đất cho các dự án công ích của thành phố, nhưng 10 năm nay hàng trăm hộ dân của khu tái định cư Đồng Tàu đã thường xuyên phải sống trong cảnh nhà thì sụt lún, môi trường bị ô nhiễm. Mặc dù đã kêu cứu rất nhiều lần lên các cấp chính quyền, nhưng xem ra việc giải quyết cho những yêu cầu chính đáng này vẫn chậm chạp.

Đến hẹn lại lên

Tháng 4-2018, Báo ANTĐ đã có bài phản ánh về hàng loạt vấn đề bức xúc của 10 khối nhà được đánh số từ N1- N10 trong khu tái định cư Đồng Tàu. Nổi cộm nhất là tình trạng kỹ thuật xuống cấp trầm trọng. Cả 10 khối đều có hiện tượng sụt lún, nứt vỡ từ nền nhà, hành lang, tam cấp cho đến ngoài sân chơi. Thậm chí đã từng có tai nạn diễn ra khi người dân qua lại những vị trí này.

Nước thải hôi thối, đen ngòm đọng thành "ao" xung quanh toà nhà N6

Bên cạnh đó là vấn đề ô nhiễm môi trường. Đây là hệ lụy từ việc các tòa nhà xây dựng không được đảm bảo kỹ thuật dẫn tới hệ thống thoát nước thải thi nhau đứt vỡ. Chính vì thế, nước thải đen ngòm, hôi thối đã bị chảy tràn ra khu vực tiểu cảnh, sân chơi rồi đọng thành vũng lâu ngày không khác gì những bể phốt lộ thiên.

Chưa hết, có thể nói hiện nay hệ thống phòng cháy chữa cháy của các tòa nhà trong cả khu tái định cư đã tê liệt hoàn toàn. Bằng chứng là các họng nước cứu hỏa không có một giọt. Máy phát điện không thể hoạt động, còn các bình chữa cháy thì đều đã hoen rỉ và quá hạn sử dụng không dưới 5 năm. Mặc dù đã có nhiều đơn thư, nhiều cuộc họp từ các ban ngành và báo ANTĐ cũng đã từng phản ánh, thế nhưng đến nay mọi việc vẫn đâu đóng đấy.

Tình trạng sụt lún diễn ra khắp nơi từ nhiều năm nay, nhưng không được khắc phục triệt để

Trong số 10 tòa nhà đang phải sống trong cảnh xuống cấp tồi tệ thì giữ vị trí ”quán quân” vẫn là 70 hộ dân tòa N6. Toàn bộ phần nền tầng 1 của tòa nhà này đang được vá víu nham nhở bằng đủ các chủng loại gạch, xi măng từ nguồn kinh phí cư dân bảo nhau tự đóng góp. Do đất Đồng Tàu trước đây là ao, ruộng nên nền địa chất yếu và mỗi lần nền đất khu vực này sụt lún là người dân chỉ còn cách góp tiền rồi thuê xe tải đổ cát vào san lấp.

Khu vực để máy phát điện cũng lún nghiêng và tách ra khỏi khối nhà chung cư

Tuy vậy, mọi cố gắng ấy cũng chỉ như đá ném ao bèo bởi việc sụt lún không được xử lý tận gốc, nên chẳng mấy chốc lại lan sang các khu vực lân cận. Hiện xung quanh nhà N6 đường đi lối lại chẳng khác gì đường đất ở các làng quê ngoại thành, bởi chúng đã bị xẻ thành rãnh gồ ghề như sống trâu.

Sụt lún khiến hệ thống thoát nước bị gãy vỡ và nước thải cứ thế chảy tràn lan

Bà Lý Thanh Thủy - Phó ban đại diện cư dân nhà N9 cho biết: “Sụt lún là căn nguyên của hàng loạt các vấn đề mà cư dân nơi đây đang hứng chịu. Trong số 70 hộ dân chúng tôi, không nhà nào là không bị bong tróc gạch, vỡ đường ống và phải tự bỏ tiền ra sửa. Chúng tôi đã kêu quá nhiều lần rồi, cũng đủ các ban ngành xuống tận nơi xem rồi, nhưng rút cuộc họ cũng chỉ sửa chữa qua loa bề ngoài rồi vài hôm mọi chuyện lại như cũ.

Nói nôm na, các dãy nhà này đều bị "bệnh nan y", nhưng bác sỹ chỉ đến cặp nhiệt độ rồi cho bệnh nhân vài viên thuốc cảm là coi như hết trách nhiệm. Giờ chúng tôi nản rồi, thôi muốn đến đâu thì đến”.

Bậc thềm bị sụt thành những hầm hố, gạch lát bong tróc khiến không ai dám sử dụng

Cần tìm cách tháo gỡ

Cũng theo bà Thủy, hồi tháng 4 vừa rồi, khi các cơ quan báo chí lên tiếng nhiều quá thì chính quyền cũng tổ chức một cuộc họp bàn hướng khắc phục tình trạng này cho người dân. Tuy nhiên, không biết kết quả cuộc họp thế nào mà đến nay ô nhiễm vẫn hoàn ô nhiễm, sụt lún thì ngày một lớn. “Tôi không nói sai, ví dụ như cái bể phốt lộ thiên hôi thối đằng sau tòa nhà này, trước đây các anh xuống thấy thế nào thì nay nó vẫn nguyên như vậy” - bà Thủy chán nản nói.

Tình trạng nghiêng lún có ở mọi nơi

Ông Phan Hữu Dũng - Trưởng ban đại diện nhà N6 thì căng thẳng hơn: “Vừa rồi chúng tôi đi họp, cấp trên có đưa cho 1 tập văn bản yêu cầu về phát cho từng hộ dân cam kết phòng chống cháy nổ dịp Tết Trung thu. Nhưng tôi cũng phát biểu thẳng: Cả tòa N6 chúng tôi hệ thống phòng cháy tịt ngóm gần chục năm nay rồi. Bình chữa cháy, chuông báo động, máy nổ, quạt điều áp, đèn chỉ lối thoát hiểm... cũng đã thành đống sắt vụn thì cam kết cái nỗi gì?”. Rồi ông gay gắt: “Anh cứ đưa nguyên văn lời của tôi lên báo. Cấp trên bảo gì chúng tôi cũng làm, chỉ mong các vị đừng mắc bệnh hình thức mà chịu khó ngó xuống cư dân một chút cho chúng tôi đỡ khổ. Nói dại mồm, nếu chẳng may ở đây xảy cháy thì chúng tôi chết chắc”.

Bậc thềm này của nhà N10 đã bỏ hoang vì lún nứt không ai dám sử dụng

Thực tế khi những bức xúc nói trên bắt đầu xuất hiện tại khu tái định cư Đồng Tàu từ năm 2014 thì báo An ninh Thủ đô cũng đã liên tục cập nhật và phản ánh. Tuy nhiên, công bằng mà nói thì việc sửa chữa lớn cho các tòa nhà ở khu tái định cư Đồng Tàu lại đòi hỏi kính phí khá tốn kém trong khi quỹ bảo trì của người dân ở đây lại chỉ vẻn vẹn có 200 triệu đồng.

Ngoài ra một số tòa nhà lại chưa có Ban quản trị, nên rất khó tìm người đứng ra nhận lãnh trách nhiệm bàn giao khi mà chất lượng nhà và trang thiết bị ở đây quá kém. Có lẽ, để giải quyết vấn đề này cho người dân thì UBND quận Hoàng Mai cần kiến nghị Sở Xây dựng, UBND TP Hà Nội vào cuộc để có biện pháp xử lý dứt điểm.

Nguyễn Long (ANTĐ)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.