Khu đô thị Sala (Thủ Thiêm) do chủ đầu tư Đại Quang Minh phát triển, chính thức bàn giao đi vào hoạt động từ năm 2018. Dự án được được xây dựng tại vùng lõi của khu đô thị mới Thủ Thiêm với trung tâm thương mại – dịch vụ là trục đường Nguyễn Cơ Thạch.
Khu đô thị được đánh giá cao khi có hệ thống hạ tầng giao thông quy hoạch bài bản, thông thoáng. Đa phần các mặt bằng nhà phố mặt tiền trên đường Nguyễn Cơ Thạch đều được phủ kín, đưa vào hoạt động/kinh doanh.
Ghi nhận thực tế cho thấy đã có sự thay đổi về hoạt động kinh doanh tại khu vực. Cụ thể, thời điểm 2019, phần lớn các mặt bằng tại khu đô thị được sử dụng làm showroom kinh doanh mặt hàng nội, ngoại thất hoặc làm văn phòng giao dịch của các công ty bất động sản.
Qua thời gian, số lượng mặt bằng kinh doanh nội thất giảm dần, bị thay thế bởi các doanh nghiệp tài chính, ngân hàng và công ty công nghệ và dịch vụ F&B.
Ước lượng, có hơn 10 chi nhánh ngân hàng nội địa và quốc tế xuất hiện tại khu vực với mật độ dày đặc. Từ nhóm Big4 như VietinBank, Vietcombank, BIDV, Techcombank đến các ngân hàng Shinhan, ACB, Sacombank,…
Trên một tuyến đường khoảng 50m nhưng có đến 3 chi nhánh ngân hàng nằm cận kề nhau
Tại khu vực cũng có các cơ sở kinh doanh F&B (dịch vụ ăn uống). Các nhà hàng, tiệm cafe nằm thưa thớt, xen kẽ giữa các chi nhánh văn phòng với nhóm khách hàng chủ yếu là dân công sở.
Anh Lộc (27 tuổi, nhân viên văn phòng tại một công ty có trụ sở tại khu đô thị Sala) cho biết, thời gian gần đây số lượng dân công sở xuất hiện tại khu vực tăng lên đáng kể.
“Do vị trí của công ty khá tách biệt với khu đông dân cư nên nhân viên văn phòng ở khu này không có nhiều lựa chọn để ăn trưa. Khu này ngày càng nhiều văn phòng với ngân hàng nên buổi trưa dần thành giờ cao điểm, muốn có chỗ ngồi ăn hay phần cơm đều phải gọi điện đặt trước”, anh Lộc cho biết.
Nhân viên này cũng cho biết mức giá tại các quán ăn này khá cao so với thu nhập của dân văn phòng. Tuy nhiên do khó có thể di chuyển đến các quán ăn vừa túi tiền trong quãng thời gian nghỉ ngơi hạn chế và việc đặt giao hàng cũng không thuận tiện nên vẫn phải chi số tiền lớn hàng tháng phục vụ cho việc ăn trưa.
Qua quan sát, các đơn vị kinh doanh F&B tại khu vực đều là những nhãn hàng lớn như Café Highland, Phở 24h,PJ's Coffee,...chuyên phục vụ các sản phẩm thuộc phân khúc tầm trung – cao.
Một môi giới ở khu vực cho biết hầu hết khách hàng quan tâm kinh doanh tại khu vực đều là các doanh nghiệp lớn có tiềm lực mạnh về tài chính do mức giá để sử dụng mặt bằng ở đây khá cao.
Vị môi giới hé lộ giá thuê sử dụng một căn shophouse mặt tiền đường Nguyễn Cơ Thạch khoảng 5.000 USD – 8.000 USD (Tương đương 120 – 200 triệu đồng/tháng).
“Với mức giá này thì hầu như chỉ có ngân hàng, công ty công nghệ hoặc doanh nghiệp quốc tế kinh doanh các sản phẩm hạng sang mới đủ khả năng vận hành và duy trì tại khu vực này. Các đơn vị kinh doanh bán lẻ, thời trang không đánh giá cao khu vực do sức mua của người dân nơi đây chưa đủ mạnh, doanh thu khó bù vào chi phí thuê mặt bằng”, vị môi giới chia sẻ.
Khu đô thị chưa đủ sức hấp dẫn với các thương hiệu bán lẻ
Ông Hiền, một chủ doanh nghiệp chuyên tư vấn bất động sản tại khu vực TP.Thủ Đức cho rằng mức giá thuê mặt bằng tại khu vực khu đô thị Sala tương đương với khu trung tâm TP.HCM không phải là con số quá bất hợp lý.
“Đa phần bất động sản tại khu này đều đã có chủ tại thời điểm bàn giao. Mức giá đế sở hữu một sản phẩm ở khu vực khá đắt đỏ, có sản phẩm lên tới cả tỉ đồng/m2 nên giá cho thuê cao là điều dễ hiểu”, ông Hiền chia sẻ.
Theo tìm hiểu, nhiều sản phẩm nhà phố shophouse mặt tiền đường Nguyễn Cơ Thạch được đăng bán trên các trang rao vặt với mức giá 150 – 200 tỉ/căn, tương đương 800 triệu – 1 tỉ đồng/m2.
Đầu năm 2023, trong thời điểm thị trường bất động sản ảm đạm, nhiều sản phẩm được quảng cáo giảm giá đến 50 tỉ đồng nhưng mức giá để sở hữu vẫn lên đến cả trăm tỉ đồng mỗi căn.
Môi giới khu vực cho biết nhiều nhà đầu tư sau thời gian dài rao bán bất động sản không có kết quả đã quyết định giảm mức giá cho thuê xuống 20 – 50% để có thể đưa mặt bằng vào sử dụng. Trên thực tế, vẫn còn nhiều mặt bằng có vị trí đẹp tại khu vực bị bỏ trống, chưa tìm được khách thuê.
-
TP.HCM: Thay đổi mới về Cầu Thủ Thiêm 4 kết nối TP.Thủ Đức – Quận 7
So với phương án trước đó, kinh phí để thực hiện cầu Thủ Thiêm 4 đã giảm hơn 300 tỉ đồng. Nếu dự án được phê duyệt trong năm nay, dự kiến sẽ khởi công vào năm 2024 và hoàn thành năm 2027, kéo gần quận Bình Thạnh, TP.Thủ Đức với khu quận 7, quận 8, huyện Nhà Bè.
-
Giao dịch bất động sản tăng vọt, thuế và phí trước bạ đạt 6.540 tỷ đồng
9 tháng qua, thu thuế thu nhập cá nhân và phí trước bạ từ chuyển nhượng bất động sản tăng cao, chủ yếu do nhu cầu giao dịch bất động sản của người dân tăng.
-
Quốc lộ 13 tại TP.HCM sẽ được mở rộng, dự kiến khởi công vào quý I/2026
Quốc lộ 13 tại TP.HCM sẽ được mở rộng, dự kiến khởi công vào quý I/2026 và hoàn thành vào năm 2028. Đây là một trong những dự án trọng điểm nhằm cải thiện hạ tầng giao thông của TP.HCM, đặc biệt là với vai trò huyết mạch nối liền thành phố với tỉnh B...
-
TP.HCM: Không kiểm tra hiện trạng nhà ở khi giải quyết thủ tục đất đai
Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM vừa chấn chỉnh việc kiểm tra hiện trạng nhà ở, công trình khi cấp giấy chứng nhận đối với hệ thống Văn phòng đăng ký đất đai tại TP.HCM.