Mùa hè là mùa cao điểm du lịch, thế nhưng khu Thiên Đàng luôn trong tình trạng "cửa đóng then cài", muốn vào phải đi vòng ra biển. Từ bờ biển nhìn vào, hàng chục công trình, biệt thự cũ kỹ, xuống cấp bên rừng dương.
Khu Thiên đàng bốn mùa đã được xây xong nhưng đìu hiu giữa mùa du lịch. Ảnh: Phạm Linh.
Không một bóng du khách, chỉ có bảo vệ trông coi. Bên trong công trình có chữ "Thiên đàng bốn mùa", nơi được quảng bá là địa điểm tổ chức hội nghị, tiệc chiêu đãi... bàn ghế xếp đống, phủ bụi. Phía rừng dương, những biệt thự kiến trúc Pháp được khóa kín cửa, lạnh tanh như nhà hoang.
Nhiều nhà xây dở dang với kính vỡ nát, cửa hoai mục, hoen gỉ, cỏ dại um tùm vây quanh. Người dân địa phương cho biết những trận bão đã khiến một số công trình bị hư hỏng.
Khu du lịch Thiên Đàng được Ban Quản lý Khu Kinh tế Dung Quất (Quảng Ngãi) cấp giấy chứng nhận lần đầu năm 2005, do Công ty cổ phần Thiên Đàng (sau sáp nhập thành Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Nam Quảng Nam) làm chủ đầu tư. Với vốn đăng ký ban đầu gần 200 tỷ đồng, dự án triển khai trên 286 ha đất ven bờ biển xã Bình Thạnh, huyện Bình Sơn.
Nằm trên tuyến đường huyết mạch nối liền hai khu kinh tế trọng điểm của miền Trung là Chu Lai (Quảng Nam) và Dung Quất, dự án có mục tiêu đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí của cán bộ, nhân viên Khu kinh tế Dung Quất và là địa chỉ thu hút du khách trong và ngoài nước.
Dự án chia làm 5 phân khu: Thiên đàng mùa xuân; Thiên đàng mùa hè; Thiên đàng mùa thu; Thiên đàng mùa đông; Thiên đàng bốn mùa. Được giao đất từ năm 2007, thế nhưng đến nay, chỉ có khu Thiên đàng bốn mùa được hoàn thành và đi vào hoạt động với diện tích hơn 32 ha.
Bàn ghế xếp đống phủ bụi vì vắng khách. Ảnh: Phạm Linh.
Ông Đỗ Văn Lập - Chủ tịch xã Bình Thạnh cho rằng một số hạng mục đã đi vào hoạt động nhưng giá cả đắt đỏ nên không thu hút được du khách. Ngược lại, giá cả các hàng quán của người dân ven biển lại phải chăng. Trong khi đó, đại diện công ty cho rằng Khu Thiên đàng bốn mùa vắng khách do lượng khách đến miền Trung chưa cao.
Với các phân khu còn lại, Ban Quản lý Khu Kinh tế Dung Quất cho biết, có 74 ha chưa xây dựng xong, trong đó 12 ha doanh nghiệp chưa bồi thường. Một số diện tích đã bồi thường nhưng bị người dân chiếm giữ để canh tác.
Doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong đền bù, giải phóng mặt bằng. Nguyên nhân do trước đây nhà đầu tư tự thực hiện, thỏa thuận với các hộ dân. Hiện hồ sơ liên quan đến đền bù, chi trả tiền trước đây đã bị nhà đầu tư làm thất lạc.
Lãng phí quỹ đất, gây bức xúc trong dân
Làm việc với chủ đầu tư hồi giữa tháng, Thường trực Tỉnh ủy Quảng Ngãi đánh giá, khu du lịch có điều kiện đất đai, tài nguyên rất quý để phát triển du lịch. Song, dự án triển khai rất chậm, sử dụng đất lãng phí, không phát huy được tiềm năng, không tạo ra việc làm cho người dân địa phương, gây bức xúc trong dân.
Tỉnh ủy Quảng Ngãi cho rằng, tình trạng này chủ yếu do chủ đầu tư chưa nghiêm túc thực hiện cam kết với tỉnh và huy động đủ nguồn vốn thực hiện dự án, có biểu hiện cầm chừng, năng lực dự báo thị trường, quản lý, vận hành hạn chế.
Khu du lịch 8.000 tỷ đồng 13 năm 'dậm chân' bên bờ biển
Trong khi đó, báo cáo với Ban Quản lý Khu Kinh tế Dung Quất, công ty tiếp tục cam kết vốn thực hiện dự án bằng vốn tự có của công ty mẹ (55.000 tỷ đồng).
Ngoài ra, chủ đầu tư xin bổ sung Khu phức hợp cao tầng - Condotel, trong đó có Casino vào quy hoạch. Công ty cho biết sẽ liên kết với 3 nhà đầu tư lớn từ Hàn Quốc, Malaysia, Singapore để thực hiện công trình này.
Trước tình hình trên, ông Trần Ngọc Căng - Chủ tịch tỉnh Quảng Ngãi đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương và chủ đầu tư giải quyết dứt điểm các vướng mắc liên quan đến bồi thường, giải phóng mặt bằng đúng theo quy định pháp luật.
UBND Quảng Ngãi cũng đã yêu cầu công ty lập điều chỉnh, bổ sung quy hoạch dự án để phù hợp với tình hình thực tế, trình UBND tỉnh xem xét trước 30/6; đồng thời chỉ đạo cơ quan hữu trách tăng cường kiểm tra, giám sát tiến. "Nếu chủ đầu tư tiếp tục chậm tiến độ thì phải kiên quyết thu hồi, tạo cơ hội để thu hút các nhà đầu tư khác", Chủ tịch tỉnh nhấn mạnh.