Thế nhưng, mọi việc vẫn không “tốt đẹp” lên như họ mong muốn. Thậm chí, theo nhiều người, sau hàng chục năm, họ vẫn thấy chưa thể “an cư” được.
Những “kêu ca” cũ…
Tổng hợp lại những mong muốn của bà con gần đây nhất, ông Nguyễn Như Kết, tổ trưởng nhà N5A cho biết, thực hiện chủ trương tái định cư, hơn 1 vạn dân đã chuyển đến sinh sống tại Khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính cách đây cả chục năm. Khắc phục những khó khăn ban đầu, họ những tưởng rồi cơ sở hạ tầng của khu đô thị sẽ dần hoàn thiện, giúp họ ổn định cuộc sống. Những khó khăn ban đầu ấy cứ kéo dài, thậm chí còn nảy sinh thêm nhiều bất cập mới. Đã nhiều lần, hệ thống chính trị khu dân cư và bà con gửi đơn đến các cấp chính quyền kiến nghị. Trong hàng chục “yêu cầu”, đến nay, họ mới được cấp hai nhà hội họp cho hai khu dân cư, và lắp đặt máy phát điện chạy xăng cho 18 tòa nhà cao tầng, còn nhiều cái “không” của một khu đô thị mới vẫn “còn nguyên”.
Theo quy hoạch được phê duyệt, khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính có đầy đủ trường học, trạm y tế, trung tâm thương mại… của một khu đô thị hiện đại. Thế nhưng, sau chục năm, cả khu đô thị với 19 tòa nhà chung cư, hơn 1 vạn dân sinh sống vẫn không có nhà trẻ công lập, mà chỉ có nhà trẻ cao cấp với mức học phí 4 triệu đồng/cháu/tháng. Tương tự, cũng không có trường tiểu học, trường THCS công lập, mà chỉ có các trường dân lập với mức học phí cũng 4 – 5 triệu đồng/học sinh/tháng…
Phần lớn người dân khu đô thị Trung Hòa – Nhân Chính là dân tái định cư, trong số đó rất nhiều người là lao động tự do, bán hàng… khi đến nơi ở mới không tìm được việc làm ổn định, thu nhập bấp bênh, đời sống khó khăn. Trong khi đó, mức học phí của hai trường dân lập dành cho trẻ mẫu giáo và tiểu học được xây dựng trong khu đô thị lại không dành cho “con nhà nghèo”. Thành thử, rất nhiều cháu nhỏ phải đi học “nhờ” ở xa nơi ở để “phù hợp” với túi tiền của bố mẹ. Thực ra, phường Nhân Chính có cả trường mầm non và tiểu học công lập. Tuy nhiên, với dân cư đến hàng vạn người, thì ngay cả những người “gốc” ở Nhân Chính cũng có kiếm được “suất chính qui” cho con theo học, chứ chưa nói đến người dân nhập cư. Vì thế, trừ một số ít các gia đình có điều kiện, còn lại, không còn cách nào khác, các cháu nhỏ phải chấp nhận mưa nắng, đi xa để được đến trường.
Ngoài “nỗi buồn” không có trường học công lập, những người dân Khu đô thị Trung Hòa – Nhân Chính còn bất bình vì cả khu đô thị với chừng ấy dân nhưng họ không hề có chợ dân sinh, hay một trung tâm thương mại nào để thuận tiện cho việc mua bán sinh hoạt hàng ngày. Chợ dân sinh của phường Nhân Chính cũng trở nên chật chội để đáp ứng nhu cầu của hơn 1 vạn dân trong phường, còn các siêu thị thì cũng là nơi “xa xỉ” với phần lớn người dân. Thế nên, người dân đành “tận dụng” các tuyến đường nội đô của khu đô thị để “mạnh ai nấy bán”, hình thành chợ cóc, chợ tạm, gây nên cảnh nhếch nhác, bừa bãi và khó khăn cho các phương tiện qua lại. Hầu hết các vườn hoa cũng được “bê tông hóa” để bán hàng, nhiều hành lang chung của các tòa nhà xuất hiện các quán trà đá, hàng ăn, cùng hàng loạt bếp than tổ ong, gây ô nhiễm môi trường. UBND phường Nhân Chính cũng đã nhiều lần kiểm tra, xử lý, nhưng việc họp chợ, lấn chiếm không gian chung vốn xuất phát từ “nhu cầu thiết yếu” của đời sống, nên chỉ sau một thời gian ngắn, đâu lại vào đấy.
Sống ở nơi “ba không”…
Nhiều người dân ở khu đô thị Trung Hòa – Nhân Chính nói rằng họ đang sống ở nơi “ba không”. Đó là ba cái “không” thiết yếu nhất của các khu dân cư. Ngoài việc không trường (công lập), không chợ, thì họ còn không có Trạm y tế, phục vụ cho việc sơ cấp cứu ban đầu. Thực tế, phường nào cũng có 1 Trạm Y tế, song với cả một khu đô thị gần 1 vạn rưỡi dân thì phải có một cơ sở y tế công lập là cần thiết.
Ông Kết cũng cho hay, đến nay, nhiều công trình xây dựng trong khu đô thị đã bị xuống cấp quá nhanh nhưng không được sửa chữa. Nhiều công trình vệ sinh bị tắc như nhà N6E; bể nước ngầm bị hỏng, nước bẩn tràn vào ở nhà N6D; thang máy bị hỏng ở nhà N3A; dột, ngấm tường ở nhà N3B… Qua hai năm thực hiện thí điểm Quyết định 2381 của UBND TP Hà Nội về quản lý vận hành thí điểm khu đô thị Trung Hòa – Nhân Chính, ông Kết cho hay, những bất cập trên vẫn tồn tại. Bốn bãi đỗ xe ô tô với hơn 250 xe đã hơn 1 năm không có giấy phép nhưng vẫn ngang nhiên hoạt động, lấn chiếm lòng đường. Theo nhiều người dân, số xe ô tô này chỉ có số ít của người dân khu đô thị, còn lại từ các nơi khác đem đến gửi. Ông Lê Văn Hùng, trú tại phòng 703 nhà N5A bức xúc: “Tôi không hiểu sao người ta lại “vô cảm” đến như thế, cho xe đỗ chiếm hết đường thì xe cứu thương, cứu hỏa đi lối nào để vào? Tại nhà N2C, có người cần cấp cứu, nhưng xe cấp cứu đã không thể vào nổi. Nói dại, nếu không may xảy ra cháy, chắc người dân chúng tôi bó tay?”.
Khổ một nỗi, dù các tòa nhà ở đây được xây dựng mới, nhưng hầu hết đều không thiết kế nơi trông giữ xe ô tô. Vì thế, cuối tháng 7-2011, Sở GTVT Hà Nội cấp giấy phép cho xí nghiệp Quản lý dịch vụ và khai thác khu đô thị được tạm thời sử dụng lòng đường trong cụm nhà N để trông giữ xe trong vòng 6 tháng. Từ tháng 3-2012, giấy phép trông giữ xe hết thời hạn, CA phường Nhân Chính cũng thông báo cho người dân biết không có đơn vị nào được cấp phép trông giữ xe nữa. Mặc dù vậy, một số cá nhân vẫn “khoanh vùng” đường nội đô của khu đô thị để trông xe trái phép, thu lợi bất chính. “Nghịch lý ở chỗ, khi các bãi trông giữ có giấy phép hoạt động thì còn có sự kiểm tra, xử phạt, nhưng từ ngày không được cấp phép, chẳng ai phạt và số xe lại nhiều lên”, ông Kết cho biết.
Phải sớm giải quyết kiến nghị của người dân!
Nhiều tổ trưởng dân phố của khu đô thị cho biết, diện tích tầng 1 của các tòa nhà hầu hết các Cty quản lý và phát triển nhà cho các Cty và cá nhân ở nơi khác đến thuê, còn người dân trong khu đô thị không được biết chủ trương cho thuê và không thể thuê được một diện tích nào để kinh doanh…
Ông Kết và nhiều tổ trưởng dân phố, đại diện MTTQ, đại diện Hội Phụ nữ… các khu dân cư đã cùng ký tên gửi văn bản kiến nghị UBND TP thu hồi mảnh đất C2 bỏ hoang hơn 10 năm trên đường Nguyễn Thị Thập để làm chợ tạm. Đồng thời, có biện pháp chấm dứt các hiện tượng vi phạm pháp luật, tự ý thu tiền chợ chia nhau, hàng quán lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, sửa chữa kịp thời các hạng mục bị hư hỏng. Bên cạnh đó, giải tán ngay các bãi trông giữ xe ô tô trái pháp luật để lấy lại diện tích vườn hoa, sân chơi cho trẻ nhỏ, và cấm ô tô đỗ ngang nhiên ở vỉa hè, lòng đường, gây tai nạn giao thông và hư hỏng các công trình hạ tầng.
Người dân cũng kiến nghị TP thu hồi diện tích tầng 1 các nhà N5BC, N6D để làm nhà trẻ công lập, xây dựng cơ cở y tế cộng đồng và hệ thống phát thanh trong khu dân cư. Bố trí một số diện tích cho người dân thuê để làm dịch vụ và diện tích làm nhà hội họp cho các tổ dân phố.
Chủ trương của Nhà nước khi bố trí tái định cư cho người dân bị thu hồi đất là “nơi ở mới phải có điều kiện sống tốt hơn, hoặc bằng nơi ở cũ”. Đã 10 năm qua, người dân tái định cư Khu đô thị Trung Hòa – Nhân Chính phải kiến nghị những điều kiện “tối thiểu” cho một khu dân cư mà đúng ra, họ đương nhiên được hưởng. Vì vậy, đề nghị UBND phường Nhân Chính, UBND quận Thanh Xuân quan tâm đến nhu cầu chính đáng của người dân, đưa ra các giải pháp phù hợp, tham mưu cho các cơ quan chức năng sớm giải quyết dứt điểm những tồn tại trên.
Theo UBND phường Nhân Chính, ngày 5-4-2013, UBND phường này đã có công văn gửi UBND quận Thanh Xuân đề xuất xây dựng trường mầm non công lập tại ô đất số 9.7CC đang để trống hoặc ô đất số 9.5CC đang thi công móng một công trình. Đồng thời kiến nghị, cho phép mở chợ tạm tại ô đất số 9.7CC, và bố trí một phòng diện tích 30m2 làm nơi tổ chức tiêm phòng, sơ cấp cứu, chăm sóc sức khỏe của người dân. |