Xấu người, tốt ta
Tuy việc tìm kiếm mặt bằng thích hợp là cả một hành trình gian nan với Onoré, nhưng với quyết tâm của mình họ đã có được 6 điểm bán hàng trong năm 2007 và 2008. Dự kiến đến cuối năm nay sẽ có thêm một số cửa hàng trong cũng như ngoài TPHCM. Theo nhận định của ông Minh, năm 2010 nguồn cung mặt bằng bán lẻ và trung tâm mua sắm đã gia tăng, do vậy việc tìm kiếm mặt bằng sẽ đỡ khó khăn hơn, nhưng điểm khác biệt là giá thuê đã bắt đầu tăng cao.
Kể về chuyện đi “săn mặt bằng”, một kinh nghiệm đáng nhớ của ông Minh là chuyện tìm mặt bằng ở đường Cộng Hòa. Ông cho biết: “Chúng tôi có nhân viên chuyên đi săn lùng các mặt bằng mỗi khi tôi cần, nhưng tìm được mặt bằng phù hợp phải có cơ duyên”. Qua quan sát địa điểm 334 Cộng Hòa, P.13, Q. Tân Bình, ông Minh thấy có rất nhiều công ty, doanh nghiệp đã từng thuê, nhưng làm ăn không được nên chỉ sau vài tháng là phải đóng cửa. Khi Onoré quyết định thuê ở địa điểm này, mọi người đều ngạc nhiên, vì sợ Onoré lại phải đóng cửa. Nhưng khi xem xét kỹ, ông Minh vẫn quyết định “chấm” vì mặt bằng này rất tốt, cách 400m là khu nhà Etown có tới mấy ngàn nhân viên. Phía sau cửa hàng cũng có mấy trường phổ thông cơ sở và phổ thông trung học. “Tôi quyết định thuê mà không do dự vì thời gian đó nếu không thuê thì ngay lập tức đã có người “chụp lấy” mất rồi. Có lẽ tôi phù hợp với vị trí này nên cho đến giờ cửa hàng Cộng Hòa lại có doanh thu cao nhất trong 6 cửa hàng bánh mì của tôi” - ông Minh tâm sự.
Ông Trương Mạnh Thắng, Giám đốc Công ty Tâm Nam, chủ chuỗi bánh mì Ta cho biết: “Theo kết quả khảo sát nhóm (Focus group) và quan sát thị trường của cá nhân, tôi thấy rõ xu hướng một số chủ đầu tư cá nhân đang bắt đầu tìm kiếm, đầu tư vào hệ thống mặt bằng bán lẻ. Tôi được biết, cửa hàng bán lẻ của Onoré ra đời tại Khu du lịch Suối Tiên vào năm 2007 là một thành công của hãng này. Mặc dù mặt bằng đó không lớn, không nằm ở trung tâm thành phố, nhưng đó là bước tiên phong cho các cửa hàng bánh mì, thức ăn nhanh khác phát triển theo hệ thống bán lẻ”.
Tiếp tục len lỏi vào khu dân cư
“Tiêu chí chọn mặt hàng của chúng tôi là không nhòm ngó hay bon chen vào trung tâm để xây dựng thương hiệu. Chúng tôi nhắm vào các công ty, các tòa nhà văn phòng, các trường học, khu chung cư…” |
Khác với nhiều doanh nghiệp chọn cách ra mặt tiền trung tâm để quảng bá thương hiệu, đồng nghĩa với việc phải trả chi phí cao cho việc thuê mặt bằng. Chiến lược của Onoré là thuê những mặt bằng không nằm trong trung tâm mà len lỏi vào các khu dân cư đông đúc để phát triển thành hệ thống các cửa hàng. Cách làm này một mặt sẽ giúp giảm được chi phí thuê mặt bằng, mặt khác giúp hình thành nên một hệ thống các cửa hàng tại nhiều khu vực khác nhau.
Ông Vũ Văn Minh cho biết: “Tiêu chí của chúng tôi là không dòm ngó hay bon chen vào trung tâm để xây dựng thương hiệu. Chúng tôi quan niệm “hữu xạ tự nhiên hương”, mình làm tốt, tất khách hàng sẽ tìm đến mình”. Chính vì phương châm này nên Onoré nhắm tới cư dân của các công ty, các tòa nhà văn phòng, trường học, khu chung cư. Trước khi thuê một địa điểm công ty tiến hành nghiên cứu rất kỹ về lượng khách qua lại, lượng học sinh, sinh viên, nhân viên văn phòng… “Chúng tôi lựa chọn nơi thích hợp để đầu tư, đáp ứng nhu cầu và tìm kiếm lợi nhuận. Chúng tôi không thuê một mặt bằng mấy chục ngàn đô la/tháng để rồi vài tháng sau phải đóng cửa” - ông Minh cho biết.
Mặt bằng góp phần không nhỏ vào thành công của thương hiệu. Nhưng rõ ràng việc chọn đúng hướng kinh doanh, phát triển sản phẩm đúng đối tượng khách hàng mục tiêu mới là chuyện phải quan tâm hàng đầu. Và mỗi thương hiệu vẫn có cách làm riêng của mình để đi tới thành công. Từ trường hợp của Onoré có thể nhận thấy, không nhất thiết phải ra mặt tiền trung tâm mà vẫn có thể mở rộng được kinh doanh. Và như vậy quan niệm “địa điểm vàng” thực sự không còn là địa điểm đẹp ở vị trí trung tâm nữa mà chính là địa điểm nào giúp doanh nghiệp kinh doanh tốt, đạt được lợi nhuận cao.