CafeLand - Một lần nữa, mong muốn “bán” các ngân hàng yếu kém của Việt Nam cho đối tác nước ngoài được nhắc lại trong Diễn đàn M&A vừa diễn ra, với sự tham dự của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ.

Nhà đầu tư nước ngoài sợ gì?

Đây không phải là lần đầu tiên thông tin mua bán, sáp nhập các ngân hàng 0 đồng, ngân hàng yếu kém của Việt Nam với nhà đầu tư nước ngoài được nhắc tới.

Không minh bạch khó bán ngân hàng 0 đồng

Khoảng hơn 2 năm trở lại đây, liên tục có những phát ngôn từ phía các cơ quan quản lý cho biết có nhiều nhà đầu tư nước ngoài hoặc ngỏ ý, hoặc đang trong giai đoạn tìm hiểu, thương thảo để mua lại các ngân hàng yếu kém đang tái cơ cấu.

Đây là một tín hiệu vui trong việc tái cơ cấu thị trường tài chính Việt Nam nếu thu hút được sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực ngân hàng. Đặc biệt lại là giải quyết các “cục nợ” của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), gồm 3 ngân hàng yếu kém bị buộc mua lại 0 đồng là Oceanbank, GPBank, CBBank.

Tuy nhiên, đã hơn 2 năm kể từ thời điểm thông tin trên được phát đi, những thương vụ mua bán này dường như vẫn dậm chân tại chỗ, đâu đó vẫn ở điểm “soát xét”.

Cũng trong họp báo diễn đàn M&A năm ngoái (2017), ông Bùi Huy Thọ, Vụ trưởng Vụ Quản lý cấp phép các tổ chức tín dụng (TCTD) và hoạt động ngân hàng, Cơ quan Thanh tra Giám sát, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết: "Có nhà đầu tư nước ngoài đang ở giai đoạn thứ 2 của việc soát xét toàn diện Ngân hàng Đại dương (OceanBank)". Việc soát xét được thực hiện sau khi đã có sự nghiên cứu, khảo sát ngân hàng và tiến tới đàm phán sâu hơn.

Đến diễn đàn M&A năm nay, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, Chính phủ Việt Nam đang chủ trương đẩy mạnh xử lý và tái cơ cấu lại các tổ chức tín dụng. Trong đó với các ngân hàng thương mại, Chính phủ khuyến khích mua bán, sáp nhập các ngân hàng quy mô nhỏ thành ngân hàng lớn hơn.

Phó Thủ tướng cho biết, Chính phủ sẽ chuyển giao các ngân hàng yếu kém đã mua lại hoặc ở diện kiểm soát đặc biệt như OceanBank, Ngân hàng Xây dựng, GPBank, thực hiện tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém.“Sắp tới, Chính phủ sẽ hạn chế hoặc không cấp giấy phép thành lập thêm các ngân hàng 100% vốn nước ngoài, nhưng cho phép nhà đầu tư mua lại các ngân hàng yếu kém của Việt Nam và sở hữu 100% vốn nước ngoài”.

Chính phủ đang thực sự rất cởi mở với các nhà đầu tư nước ngoài khi cho phép họ mua lại 100% ngân hàng Việt Nam. Tuy nhiên, đây chưa hẳn đã là điểm nghẽn duy nhất cần được tháo gỡ.

Cũng tại diễn đàn này, ông Warrick Cleine, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc KPMG Việt Nam và Campuchia, cho rằng điều mà các nhà đầu tư nước ngoài quan ngại khi tham gia M&A tại Việt Nam chính là chất lượng thông tin trong quá khứ của doanh nghiệp.

“Họ quan tâm tới thông tin có được chia sẻ đồng đều cho các bên liên quan hay không, chất lượng thông tin được công bố, cách quản lý sổ sách, nợ, các khoản phải thu… Khi họ nhìn vào đây phải có sự khớp nối với nhau”, ông Cleine phát biểu.

Thông tin thiếu minh bạch sẽ dẫn tới việc khó định giá chính xác một thương hiệu. Như vậy, câu chuyện “thiếu minh bạch” tiếp tục là rào cản lớn với nhà đầu tư nước ngoài khi tiếp cận thị trường tài chính Việt Nam. Nói vậy để thấy việc minh bạch thông tin rất quan trọng với nhà đầu tư nước ngoài khi M&A doanh nghiệp Việt.

Ngân hàng 0 đồng dựa vào đâu để “giấu” báo cáo tài chính?

Chuyện các ngân hàng yếu kém, đang tái cơ cấu, ngân hàng 0 đồng cần công khai báo cáo tài chính có lẽ sẽ chỉ là chuyện “hiểu ngầm với nhau” nếu như không có một dự thảo nghị định của Bộ Tài chính mới đây thể hiện “mong muốn” các tổ chức tín dụng yếu kém, đang tái cơ cấu phải công khai báo cáo tài chính theo quy định của NHNN.

Chiểu theo quy định của Luật Doanh nghiệp và Luật các tổ chức tín dụng (2010) thì các công ty đại chúng, trong đó có ngành ngân hàng buộc phải công bố đầy đủ báo cáo tài chính hàng quý, cả năm công khai để cổ đông, nhà đầu tư có thể nắm được tình hình hoạt động của các doanh nghiệp này.

Tuy nhiên, trao đổi với đại diện truyền thông của một trong những ngân hàng 0 đồng, được biết việc công bố thông tin và báo cáo tài chính của các ngân hàng yếu kém, ngân hàng 0 đồng sẽ áp dụng trong Luật sửa đổi bổ sung Luật các tổ chức tín dụng (năm 2017). Theo đó, quy định của Luật các tổ chức tín dụng năm 2017, NHNN đang kiểm soát việc có hay không công bố thông tin với các ngân hàng yếu kém tuỳ từng thời điểm.

Cụ thể, tại điều 146đ quy định về việc quản trị, điều hành và hoạt động của tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt. Khoản 5:Việc tổ chức đại hội đồng cổ đông, công bố thông tin của tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt được thực hiện theo yêu cầu của NHNN phù hợp với mục tiêu bảo đảm an toàn hệ thống tổ chức tín dụng”.

Như vậy là việc các ngân hàng yếu kém không công bố thông tin tài chính công khai đang được sự “hẫu thuẫn” của Luật tổ chức tín dụng mới. Nếu không có sự “cởi mở” của NHNN thì thông tin về hoạt động của các tổ chức này sẽ nằm trong vòng bí mật. Điều này là mâu thuẫn với mong muốn của Bộ Tài chính và mong muốn chung của các nhà đầu tư, cổ đông cũ của các ngân hàng này.

Một tổ chức tín dụng vẫn đang hoạt động, tiếp tục kinh doanh trên tiền gửi của người dân. Bản thân người dân đang là nhà đầu tư vào các tổ chức tín dụng đó thì họ có quyền được cập nhật thông tin tình hình sức khoẻ của tổ chức tín dụng theo quy định của luật pháp vì quyền lợi của nhà đầu tư.

Không những thế, nếu chúng ta thực sự mong muốn thu hút các nhà đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực tài chính, việc đầu tiên nên làm là minh bạch thị trường, công khai thông tin tài chính để tạo niềm tin cho nhà đầu tư, trước khi bàn tới những ưu đãi, quyền lợi phía sau, sau khi đã mua bán sáp nhập.

Nguyễn Thoan
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.