Theo TS. Đặng Ngọc Đức, Phó viện trưởng Viện Ngân hàng - Tài chính (Đại học Kinh tế quốc dân), vốn để thực hiện cho vay ưu đãi hỗ trợ thuê, thuê mua và mua nhà ở xã hội là vô cùng lớn, nhưng không đáng ngại. Vấn đề đặt ra là, triển khai thế nào để thực hiện được nhiều mục tiêu.

Theo tính toán của ông, gói tín dụng cho vay ưu đãi hỗ trợ thuê, thuê mua và mua nhà ở xã hội khoảng bao nhiêu?

Nếu coi đây là gói tín dụng hỗ trợ, thì có thể nói, đây là gói hỗ trợ lớn nhất từ trước đến nay, trị giá lên đến trên 73.000 tỷ đồng, tương đương 3,5 tỷ USD, hay bằng 2,5% GDP năm 2012. Gói này gồm 30.000 tỷ đồng từ nguồn vốn của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) hỗ trợ cho các ngân hàng thương mại thực hiện cho vay ưu đãi và 43.000 tỷ đồng của Agribank, VietinBank, BIDV, Vietcombank và MHB.

Vấn đề đặt ra là, cơ quan của Chính phủ, NHNN lấy đâu ra tiền để “bơm” cho các ngân hàng thương mại thực hiện cho vay ưu đãi?

Để có đủ 30.000 tỷ đồng, thậm chí còn lớn hơn nữa, nếu cần thiết, NHNN có thể phát hành tín phiếu, trái phiếu trên thị trường, tức là thu hút tiền ở ngoài thị trường, sau đó lại bơm ra thị trường.

Việc giải quyết nhà ở xã hội cần thời gian rất dài, có thể tới hàng chục năm. Theo ông, liệu NHNN có đủ sức giải quyết vấn đề này?

Không chỉ ở Việt Nam, mà ngay ở cả những nước có nền kinh tế phát triển, thì việc giải quyết nhà ở cho người dân nói chung cũng phải mất hàng chục năm. Để giải quyết vấn đề này, tín dụng ưu đãi cho người thuê, thuê mua, mua nhà ở xã hội chỉ là một nội dung. Bên cạnh đó, phải thực hiện hàng loạt chính sách khác, như giảm thuế giá trị gia tăng, ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, hỗ trợ mặt bằng… để xây dựng nhà ở xã hội. Rất mừng là, những chính sách này đang được Bộ Tài chính cụ thể hóa tại Dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp sửa đổi và Dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng sửa đổi sẽ được trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 5 tới đây.

Đối với gói tín dụng, NHNN dự kiến cho vay ưu đãi tối thiểu 10 năm, theo tôi, chưa hợp lý, vì ưu đãi 10 năm với người thuê, thuê mua, mua nhà là quá ngắn.

Theo nghiên cứu của ông, trên thế giới đã có nước nào thực hiện hỗ trợ cho người dân mua nhà ở xã hội như chính sách mà Việt Nam chuẩn bị triển khai?

Qua nghiên cứu, khảo sát, tôi chưa thấy nước nào thực hiện cho vay ưu đãi hỗ trợ thuê, thuê mua và mua nhà ở xã hội như nước ta.

Tôi cho rằng, mỗi nước có điều kiện kinh tế khác nhau, trình độ kinh tế khác nhau, quy mô kinh tế khác nhau, vì thế không thể áp dụng chính sách của nước khác vào thực tế của Việt Nam, cho dù chính sách này đã được kiểm nghiệm là có hiệu quả. Chính sách hỗ trợ cho vay mua nhà ở của Việt Nam ở thời điểm hiện tại rất phù hợp với điều kiện hoàn cảnh kinh tế của nước ta, vì nó đạt được nhiều mục đích: giúp phục hồi thị trường bất động sản, tạo điều kiện phát triển các ngành hàng, lĩnh vực liên quan đến bất động sản; thực hiện chính sách nhà ở cho người dân; góp phần tăng dư nợ tín dụng, giảm tỷ lệ nợ xấu.

Ông có nghĩ rằng, khi ngân hàng cho vay ưu đãi sẽ khiến thị trường tiền tệ bị méo mó và gây áp lực trong việc giảm lãi suất cho vay?

Theo Dự thảo Thông tư hướng dẫn hỗ trợ cho vay mua nhà ở đang được NHNN hoàn thiện, các ngân hàng thương mại phải cho đối tượng mua, thuê mua nhà ở xã hội vay vốn với lãi suất 6%/năm trong vòng 3 năm (kết thúc ngày 15/4/2016), sau đó phải cho vay thấp hơn lãi suất cho vay thông thường.

Về mặt kinh tế, chính sách này bị méo mó và không công bằng, vì không phải ngân hàng nào cũng phải thực hiện. Nhưng về mặt xã hội, chính sách này hoàn toàn hợp lý, bởi các ngân hàng thương mại nhà nước cũng như các tập đoàn, tổng công ty phải có trách nhiệm cùng với Nhà nước giải quyết vấn đề xã hội.

Hệ thống ngân hàng đang huy động vốn với lãi suất 7,5%/năm, cho vay 11 - 14%/năm, chênh lệch giữa lãi suất huy động và cho vay rất lớn, vì thế, họ có sử dụng một phần nhỏ trong tổng dư nợ để cho vay thấp hơn lãi suất huy động cũng không ảnh hưởng nhiều đến lợi nhuận, không gây áp lực đối với việc giảm lãi suất cho vay.

Mạnh Bôn (Báo Đầu tư)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.