Trước các thông tin trái chiều về việc ngân hàng tăng vốn điều lệ tối thiểu lên 3.000 tỉ đồng, người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khẳng định không khoan nhượng hay gia hạn thời gian nếu từ đây đến cuối năm các ngân hàng không đáp ứng.
Vốn phải “tiền tươi, thóc thật”
Tại buổi gặp giới truyền thông diễn ra ngày 18-6, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Giàu cho biết lộ trình tăng vốn điều lệ ngân hàng đến năm 2010 phải đạt 3.000 tỉ đồng có từ năm 2006. Tính đến nay thì đã hơn bốn năm rưỡi nên khi đến hạn NHNN sẽ không cơ cấu lại hay gia hạn việc tăng vốn cho các ngân hàng.
Theo NHNN, lộ trình đến cuối tháng 6 này các ngân hàng thương mại phải gửi đề án tăng vốn điều lệ. Đến cuối tháng 9 tới, ngân hàng nào không đáp ứng việc tăng vốn thì phải trình bày phương án giải quyết (hợp nhất, sát nhập - PV).
Ông Giàu khẳng định NHNN sẽ không làm thay đề án tồn tại hay sát nhập cho các ngân hàng. Nếu ngân hàng không đáp ứng quy định về vốn điều lệ thì phải có phương án giải quyết trên cơ sở đảm bảo lợi ích cổ đông, khách hàng… và theo quy định pháp luật.
Ông Giàu cũng giải tỏa những hoài nghi về chất lượng nguồn tiền để tăng vốn. NHNN sẽ kiểm tra, giám sát việc tăng vốn điều lệ lên 3.000 tỉ đồng là tăng vốn thật chứ không phải vay mượn giữa các cổ đông lẫn nhau. Nghĩa là sẽ hạn chế chuyện cổ đông A cho cổ đông B mượn một khoản tiền phục vụ tăng vốn của ngân hàng rồi sau đó lại tìm cách tháo nguồn tiền này ra.
Ẩn số ngân hàng nhỏ
Theo thống kê hiện còn 22 ngân hàng thương mại cổ phần và một ngân hàng thương mại nhà nước có số vốn điều lệ chưa đủ 3.000 tỉ đồng như quy định. Do sức ép từ phía NHNN nên mùa đại hội cổ đông vừa qua, chuyện nóng nhất của các ngân hàng không phải việc kinh doanh mà là phương án tăng vốn. Sức ép tăng vốn quá lớn nên trong quý I-2010 từng khiến thị trường tài chính nhiễu thông tin và có không ít lời đồn thổi.
Đến nay, qua tham khảo một số ngân hàng nhỏ thì sức ép tăng vốn không còn đè nặng từng ngày mà đang dịu dần. Nhưng trên thực tế, áp lực tăng vốn chỉ bớt căng thẳng với các ngân hàng có nguồn vốn thặng dư lớn.
Ông Nguyễn Hưng, Tổng Giám đốc Ngân hàng ngoài quốc doanh VPBank, cho biết thời điểm này chuyện tăng vốn điều lệ không còn là vấn đề lớn của ngân hàng này nữa. VPBank tăng vốn bằng cách tính toán và chia nguồn tiền thặng dư. Nguồn tiền thặng dư chính là lợi nhuận ngân hàng từ các năm trước giờ lấy ra chia cho cổ đông.
Còn tại các ngân hàng nhỏ khác, nhất là ngân hàng nông thôn
mới nâng cấp lên đô thị, việc tăng vốn đủ 3.000 tỉ đồng dù đã được các cổ đông
nhất trí thông qua trong đại hội nhưng vẫn là ẩn số. Một số tổng giám đốc ngân
hàng nhỏ vẫn khẳng định sẽ đáp ứng được vốn theo quy định nhưng bằng cách nào
thì hầu hết từ chối trả lời.
Cafeland.vn
theo Pháp Luật