29/08/2016 1:16 PM
“Tôi được nghe nhiều người nói ở Hàn Quốc cũng có nhiều đơn vị làm BOT. Khi làm xong họ bàn giao lại cho một đơn vị do nhà nước giao chịu trách nhiệm thu phí. Lúc đó doanh nghiệp làm BOT chỉ còn nhiệm vụ bảo trì đường mà không phải thu phí nữa. Điều này là hết sức công khai minh bạch”, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Văn Thanh trao đổi với PV Tiền Phong xoay quanh những bất cập từ các dự án BOT.

Từ những bất cập trong việc thu phí BOT, rõ ràng việc Quốc hội giám sát, Kiểm toán Nhà nước vào cuộc là vấn đề cấp thiết hiện nay?

Việc Quốc hội tiến hành giám sát là điều rất đáng mừng, cũng là hoạt động bình thường của cơ quan quản lý Nhà nước. Trước tiên chúng ta cần khẳng định, việc Đảng, Nhà nước, Chính phủ có nghị quyết kêu gọi xã hội hóa, nâng cấp cải tạo, đầu tư mới hạ tầng giao thông là hết sức đúng đắn, cần thiết trong bối cảnh nguồn vốn Nhà nước còn rất hạn hẹp. Trên thế giới cũng thường làm việc này. Khi có chủ trương này, chúng ta đã thu được những kết quả đáng ghi nhận. Nếu không có BOT thì làm sao chúng ta có được hệ thống đường bộ hiện đại như hiện nay? Điều này đã góp phần nâng cao năng lực vận tải, hạn chế tai nạn giao thông và phục vụ cho phát triển kinh tế, xã hội.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả ấy, đã xuất hiện những tồn tại bất cập từ các dự án BOT. Chúng ta chưa kiểm soát được chất lượng cũng như giá trị của những con đường BOT. Rồi tính công khai minh bạch chưa đảm bảo, dẫn đến những bất cập về giá thu phí, thời hạn thu phí, khiến dư luận xã hội không đồng tình. Có những đoạn tuyến mức phí quá cao, làm ảnh hưởng đến giá thành vận tải, rất khó cạnh tranh. Tất nhiên nhà đầu tư đã bỏ tiền ra thì phải được thu hồi, nhưng chúng ta phải kiểm soát được tổng mức đầu tư, chất lượng của những con đường BOT và phải công khai, minh bạch cho người dân cùng giám sát.

Cả đường cũ (Quốc lộ 5) và đường mới (cao tốc Hà Nội - Hải Phòng) đều có trạm thu phí, người dân đi đằng nào cũng phải trả tiền, không có quyền lựa chọn. Ảnh: Ngọc Châu.

Làm thế nào để đảm bảo tính công khai, minh bạch và người dân có thể tham gia giám sát cùng cơ quan quản lý Nhà nước, thưa ông?

Rất đơn giản, tại các trạm thu phí BOT sẽ có một tấm biển lớn, nói rõ đơn vị nào đầu tư, tổng mức đầu tư được quyết toán là bao nhiêu, mức thu phí bao nhiêu, thời hạn thu phí kéo dài trong bao lâu?... Cần công khai minh bạch như vậy để người dân nắm được và cùng giám sát. Còn với cơ quan quản lý Nhà nước cần nhanh chóng lắp đặt thiết bị thu phí không dừng, bắt buộc tất cả các trạm BOT phải lắp đặt.

Giải pháp này liệu có khắc phục được tình trạng kê khai không đúng giữa số tiền thu được từ thực tế với con số báo cáo của nhà đầu tư?

Tất nhiên điều này sẽ khắc phục được, vì lúc đó việc thu phí sẽ tự động bằng thẻ và được kiểm soát, thanh toán qua ngân hàng hết. Điều này sẽ khắc phục được tình trạng gian dối trong thu phí và sẽ trở nên minh bạch. Hiện các đơn vị vận tải khoán cho nhà xe, nên lái xe sẽ tìm cách bớt được đồng nào hay đồng đó, dẫn tới tình trạng bắt tay với đơn vị thu phí. Do vậy, cần làm sao không để bàn tay con người can thiệp vào mà hãy để cho máy móc thiết bị làm.

Mặc dù chưa đi thực tế, nhưng tôi được nghe nhiều người nói ở Hàn Quốc cũng có nhiều đơn vị làm BOT. Khi làm xong họ bàn giao lại cho một đơn vị do nhà nước giao chịu trách nhiệm thu phí. Lúc đó doanh nghiệp làm BOT chỉ còn nhiệm vụ bảo trì đường mà không phải thu phí nữa. Điều này là hết sức công khai minh bạch.
Không để nhà đầu tư trực tiếp thu phí BOT - ảnh 3 Ông Nguyễn Văn Thanh.

Mất quyền lựa chọn gây nhiều bức xúc

Kiểm toán Nhà nước cho rằng, chính cơ chế “mềm” trong thỏa thuận giữa nhà đầu tư với địa phương đã khiến các trạm thu phí mọc lên dày đặc, thay vì đảm bảo khoảng cách tối thiểu 70 km giữa các trạm. Ông có đồng tình với đề nghị của Kiểm toán Nhà nước là phải xóa bỏ cơ chế “mềm”?



Ông Nguyễn Văn Thanh

Tôi hoàn toàn nhất trí với đề xuất trên của Kiểm toán Nhà nước. Hiện nay, khoảng cách giữa các trạm BOT gần nhau quá, không đảm bảo quy định tối thiểu 70 km, làm cho tốc độ xe hạn chế, chi phí đi lại tăng lên. Tôi cũng đồng tình với những vấn đề mà Kiểm toán Nhà nước nêu ra, là thời gian thu hồi vốn của nhà đầu tư phải giảm đi, mức thu giảm đi, phải đảm bảo tính công khai, minh bạch và để cho người dân có quyền được lựa chọn.

Trước đây, các địa phương không đồng ý cho đặt trạm thu phí, vì cho rằng, gây cản trở sự phát triển của địa phương. Còn bây giờ thì địa phương lại muốn đặt trạm thu phí để được nâng cấp đường, tạo điều kiện cho sự phát triển của địa phương nên mới thỏa thuận và đồng ý với nhà đầu tư. Cần xem xét lại việc này, không thể tạo cơ chế “mềm” như thế được. Điều này sẽ gây nhiều phức tạp cho người dân cũng như ngành vận tải, làm mất đi quyền lựa chọn, gây ra nhiều bức xúc trong xã hội.

Nếu làm BOT thì nhà đầu tư hãy làm con đường khác, còn đường cũ cứ để người dân đi và không phải trả phí khi đã đóng thuế, đóng phí bảo trì đường bộ. Nếu muốn đi nhanh, muốn đi đường tốt, muốn an toàn thì đi đường BOT và phải trả tiền. Thế nhưng hiện nay, người dân không có quyền lựa chọn. Chẳng hạn tại tuyến Quốc lộ 5, khi có đường cao tốc rồi thì đường 5 cũ cứ để nguyên như thế, nhưng đằng này lại tiến hành thu phí tất, khiến người dân không có sự lựa chọn.

Ông kỳ vọng gì khi tới đây Quốc hội sẽ vào cuộc, giám sát về BOT?

Tôi mong muốn Quốc hội giám sát chặt chẽ việc này để làm sao phát huy và có được những công trình tốt cho kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, làm sao đảm bảo tính công khai minh bạch, người dân được thụ hưởng thành quả đó, mà bản thân các nhà đầu tư cũng thấy yên tâm. Nếu cứ kéo dài tình trạng như hiện nay cũng sẽ khiến chính nhà đầu tư phải băn khoăn, nản lòng vì cho rằng, đã đầu tư cho xã hội như vậy lại còn bị tiếng oan… Tất cả càng công khai, minh bạch bao nhiêu càng bớt đi những dị nghị, điều tiếng trong xã hội bấy nhiêu.

Cảm ơn ông!

Luân Dũng (Tiền phong)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.