Các ngân hàng ra sức tiếp thị vốn cuối năm, với chính sách lãi suất ưu đãi, song các doanh nghiệp chưa mặn mà với việc mở rộng đầu tư sản xuất mới, mặt khác, các gói vốn giá rẻ cũng rất “kén” khách.

Tranh thủ mùa kinh doanh cao điểm cuối năm, các ngân hàng đang đẩy mạnh hoạt động cho vay, với kỳ vọng tăng trưởng dư nợ trong những ngày còn lại của năm 2012. Hiện lãi suất cho vay VND được các ngân hàng ưu đãi ở lĩnh vực xuất, nhập khẩu khoảng 9-10%/năm. Đối với vay ngoại tệ, lãi suất là 5-7%/năm (doanh nghiệp cam kết bán ngoại tệ cho ngân hàng).

Đồng thời, các ngân hàng cũng tung mạnh các gói khuyến mãi và ưu đãi cho người vay. Đơn cử, Sacombank dành 50 tỷ đồng cho cá nhân với lãi suất 10%/năm và 30 tỷ đồng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa với lãi suất 13%/năm trên địa bàn quận 1, TP.HCM.

đại diện một hộ kinh doanh tư nhân ở quận Bình Tân, TP.HCM cho biết, thấy các ngân hàng tung ra nhiều gói vốn ưu đãi lãi suất cuối năm, họ đã tranh thủ tìm cách tiếp cận, nhằm bổ sung vốn lưu động kinh doanh mặt hàng thực phẩm. Tuy nhiên, khi đến ngân hàng để làm hồ sơ vay vốn, họ bị loại khỏi danh sách khách hàng được ưu đãi và phải trả lãi suất lên đến 17-18%/năm.

Ông Đào Nguyên Vũ, Phó tổng giám đốc Sacombank cho biết, từ đầu năm đến nay, Sacombank đã triển khai hơn 20 gói cho vay ưu đãi trị giá 13.450 tỷ đồng và 180 triệu USD. Đồng thời, Sacombank tiếp tục hỗ trợ các cá nhân, doanh nghiệp kinh doanh tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn sản xuất, kinh doanh trong những tháng cuối năm, với chính sách ưu đãi lãi suất vay. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là Sacombank sẽ cho vay ồ ạt, mà luôn có sự chọn lọc kỹ khách hàng để tránh rủi ro.

Thực tế hiện nay, thanh khoản của toàn hệ thống và từng ngân hàng đã dồi dào hơn trước đây, lãi suất cho vay cũng giảm dần. Tuy nhiên, dư nợ tín dụng của nhiều nhà băng vẫn khó tăng. Tại Sacombank, trong 11 tháng đầu năm nay, tăng trưởng dư nợ tín dụng chỉ mới đạt hơn 9% và lãnh đạo Ngân hàng cho biết, tăng trưởng dư nợ của Sacombank cả năm chỉ có thể đạt khoảng 12% (chỉ tiêu nhận được là 17%). Theo Sacombank, điều quan trọng hiện nay vẫn là kiểm soát được chất lượng, không chạy đua theo chỉ tiêu tăng trưởng cả năm.

Tổng giám đốc Eximbank, ông Trương Văn Phước cũng cho hay, lãi suất hiện nay đang tiếp tục giảm dần. Trong đó, với khách hàng tốt, Ngân hàng luôn sẵn sàng hỗ trợ vốn, với lãi suất thấp. Ngược lại, với khách hàng yếu kém, rủi ro cao, Ngân hàng sẽ rất khó rót vốn, vì với thể trạng đang bị tê liệt dần, rủi ro nợ xấu rất cao.

“Tăng trưởng dư nợ của Eximbank đến thời điểm này vẫn còn âm khoảng 5-6%, nhưng chúng tôi thấy đó là chuyện bình thường. Bởi trong bối cảnh hiện nay, nếu không kiểm soát chặt chất lượng tín dụng, thì tỷ lệ nợ xấu sẽ gia tăng”, ông Phước nói.

Đối với Ngân hàng OCB, mùa kinh doanh cao điểm cuối năm cũng là cơ hội cho ngân hàng tăng trưởng tín dụng. Song khác với các năm trước, quý IV năm nay, nhu cầu vốn của khách hàng không tăng nhiều. Ông Phạm Linh, Phó tổng giám đốc OCB cho biết, đối với phân khúc doanh nghiệp, chỉ có lĩnh vực xuất khẩu, đặc biệt là xuất khẩu gạo và cao su, là tương đối tốt. Còn đối với nhập khẩu, tình hình không mấy chuyển biến, nhu cầu nhập khẩu của doanh nghiệp cuối năm không tăng.

Trong 11 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng của OCB cũng mới đạt khoảng 11%, trong đó riêng với khối khách hàng doanh nghiệp, tăng trưởng tín dụng đã đạt 25%. Không dễ đẩy vốn vào sản xuất, kinh doanh, OCB đang từng bước hỗ trợ vốn cho các chủ đầu tư và cá nhân ở lĩnh vực bất động sản. Tuy nhiên, theo ông Linh, trước xu hướng nợ xấu tăng và chủ yếu rơi nhiều vào lĩnh vực bất động sản, OCB cũng khá thận trọng trong cung ứng vốn cho các chủ đầu tư dự án bất động sản.

ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM cho biết, đến thời điểm này, sau gần 2 tháng triển khai gói tín dụng 200.000 tỷ đồng phục vụ khách hàng doanh nghiệp, cá nhân dịp cuối năm, với lãi suất 13%/năm, các ngân hàng thương mại trên địa bàn đã giải ngân được hơn phân nửa.

Tuy nhiên, ông Minh thừa nhận, nợ xấu tăng chính là rào cản để mở rộng tín dụng. Các ngân hàng khó có thể nới lỏng điều kiện tín dụng trong lúc này, còn doanh nghiệp tốt kỳ vọng lãi suất giảm thêm mới tiếp cận vốn vay để đầu tư. Nợ xấu khu vực TP.HCM tính đến tháng 11/2012 đã tăng hơn 6% so với đầu năm nay. Tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng đến hết tháng 11/2012 chỉ đạt hơn 4%, trong khi vốn huy động tăng hơn 6,2% so với đầu năm.

Theo Thùy Vinh (Báo Đầu tư)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.