03/08/2015 10:24 PM
Thu hẹp số lượng ngân hàng chỉ nên xem là một chỉ tiêu chứ không phải mục tiêu của tái cấu trúc.

Bởi với 2 ngân hàng yếu kém mà sáp nhập với nhau thì sẽ “làm khó cho nhau”. Vì thế hãy để các ngân hàng tự “kết duyên”, không nên thúc ép bằng những chính sách khuyến khích không hợp lý.

Bức tranh sáp nhập ngân hàng tại Việt Nam. Ảnh minh họa

Không nên để sống “kí sinh”

Việc số lượng các ngân hàng (NH) giảm đi phần nào cho thấy nó có sự chọn lọc và đào thải, tức những cái yếu kém phải bị loại bỏ để những cái tốt hơn phát triển. Tuy nhiên, cơ chế sàng lọc và đào thải đó phải “tự nhiên” chứ không phải bằng sự “thúc ép” có tính mệnh lệnh, kiểu hành chính. Nhiều thương vụ sáp nhập vừa qua, nói là tự nguyện nhưng thực ra là thúc ép.

Chúng ta biết rằng lây lan (contagion = truyền nhiễm) là một đặc tính của khủng hoảng tài chính. Do đó, quan điểm tái cấu trúc cần thay đổi, theo đó cái gì yếu kém thì phải bị loại bỏ chứ không thể cho chuyển sang sống “kí sinh”, truyền bệnh cho chủ thể khác.

Thu hẹp số lượng NH cũng chỉ nên xem là một chỉ tiêu chứ không phải mục tiêu của tái cấu trúc NH. Tái cấu trúc phải hướng đến mục tiêu làm lành mạnh hóa năng lực tài chính của các NH, tạo lập được một hệ thống NH an toàn, lành mạnh, hiệu quả và góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế đất nước.

Dẫu sao, việc thu hẹp số lượng các NH cũng là một nỗ lực của NH Nhà nước. Nhưng nên xem kết quả này là điều kiện hỗ trợ cho nhiệm vụ tái cấu trúc NH tiếp theo chứ không phải là thành quả, số lượng NH ít hơn sẽ tạo thuận lợi cho việc giám sát và làm lành mạnh hóa năng lực tài chính của các NH.

Dù vậy, điều kiện này vẫn không thay thế được những yếu kém xuất phát từ chính bản thân mỗi NH như vấn đề sở hữu chéo, năng lực bộ máy quản trị điều hành, hệ thống giám sát nội bộ, các trục trặc của vấn đề ủy quyền - thừa hành, rủi ro đạo đức…

Cạnh tranh để sàng lọc và đào thải

Không có cơ sở lý thuyết lẫn thực tiễn nào để nói là 15 hay 20 NH là đủ cho một nền kinh tế. Hãy để các NH phát sinh, phát triển và “hủy diệt” một cách tự nhiên. Vai trò của nhà nước là đảm bảo môi trường cạnh tranh thực sự minh bạch, lành mạnh và bình đẳng giữa các NH. Vì cạnh tranh mới chính là cơ chế sàng lọc và đào thải tự nhiên, nhờ đó sẽ tự xác định được bao nhiêu NH là “đủ”.

Bất kỳ những NH nào khi được cấp phép thành lập và trong quá trình hoạt động luôn phải tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn và điều kiện an toàn hoạt động mà nếu không sẽ phải bị rút giấy phép. Những NH yếu kém do không thể cạnh tranh được thì phải kịp thời cho giải thể và phá sản. Quá trình này sẽ tự nó xác định được bao nhiêu NH là tối ưu.

Đối với Việt Nam, việc tuân thủ các tiêu chuẩn đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng rất yếu kém, một mặt là do chất lượng thể chế và chính sách yếu, mặt khác là do năng lực thực thi kém. Chính điều đó đã làm cho cơ chế sàng lọc và đảo thải không phát huy tác dụng.

Nói hệ thống NH chúng ta thừa cũng đúng và thiếu cũng không sai. Hay nói khác là vừa thừa vừa thiếu. Các NH của chúng ta hoạt động khá giống nhau về nội dung kinh doanh, bất chấp các lợi thế riêng của từng NH. Phạm vi hoạt động thì dàn trải, thiếu chiều sâu. Chúng ta thừa NH đa năng nhưng thiếu NH chuyên doanh; thừa NH bán lẻ nhưng thiếu NH bán buôn; thừa NH thành thị nhưng thiếu NH nông thôn; thừa NH yếu nhưng thiếu NH mạnh…

Người lao động
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.