Ảnh minh hoạ.
Cho phép thử nghiệm
TS. Nguyễn Minh Phong cho rằng, chính quyền địa phương đứng ra thuê đất cho doanh nghiệp thuê lại là một sáng kiến tốt. Thông qua hợp tác xã hoặc chính quyền địa phương thì người dân rất yên tâm. Đây là cơ chế tốt, tuy nhiên chưa được hợp pháp hóa.
Ông Phong cho biết, có ít nhất hai tiền lệ xảy ra với câu chuyện này. Một là chính quyền địa phương bỏ tiền ngân sách ra lập quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp vừa và nhỏ. Cơ chế thứ hai là dự án thương mại, doanh nghiệp phải thương lượng với người dân nhưng thông qua nhà nước dàn xếp cho ổn thỏa.
Theo ông Phong, việc nhà nước đứng ra làm cầu nối giữa nông dân và doanh nghiệp nên được hợp pháp hóa trong tương lai.
“Việt Nam có 82% diện tích đất nông nghiệp, chia cho 9 triệu hộ dân. Người nông dân cứ khư khư giữ đất thì không thể hình thành bất động sản nông nghiệp được. Vì thế, cần có cơ chế bảo lãnh”, ông Phong nói.
Cũng theo ông Phong, khi một số địa phương làm tốt công tác chính quyền giữ vai trò trung gian giữa nông dân và doanh nghiệp thì người dân yên tâm cho thuê đất. Nhà nước đứng ra đảm bảo đất sạch, chính quyền đứng ra thu gom, bảo đảm.
Đây là cơ chế nhà nước nên tập trung và nghiên cứu xử lý theo hướng đó. Từ trường hợp của các địa phương đó, Nhà nước, Quốc hội có thể thể chế hóa thành luật pháp, bổ sung trong Luật Đất đai để hình thành cơ sở pháp lý cho tích tụ đất nông nghiệp.
GS. Đặng Hùng Võ cho rằng, sự việc ở một số địa phương đứng ra thuê đất của nông dân rồi cho doanh nghiệp thuê lại là trái với Luật Đất đai nhưng được Chính phủ cho phép thử nghiệm. Tâm sự của lãnh đạo các địa phương này cũng cho biết, có nhiều rủi ro trong việc thử nghiệm này, thành công được khen mà thất bại thì bị kiểm điểm, thậm chí tù tội.
Với kinh nghiệm này có thể hoàn thiện sơ cấp về thị trường đất nông nghiệp. Tức là có thể cho thuê đất, Nhà nước thuê đất, giao cho chủ đầu tư làm, lợi nhuận đó trả cho người có đất.
Phải có bảo hiểm
Theo TS. Nguyễn Sỹ Dũng, nếu đã chuyển đổi đất của người nông dân sang cho doanh nghiệp thì hệ thống bảo hiểm, hệ thống an sinh xã hội bắt buộc phải đi theo để đảm bảo cho người nông dân. Ngoài ra, cũng phải xử lý vấn đề nông nghiệp là van an toàn của hệ thống kinh tế.
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp không tiếp cận được đất đai diện tích lớn, trong khi nhiều nông dân lại bỏ đất hoang.
“Chỉ có thể chuyển đổi đất đai nếu chúng ta đánh thuế, không có chuyện là đất nông nghiệp không đánh thuế và để đấy không khai thác. Nếu không đánh thuế thì nông dân cứ giữ đất và bỏ trống. Chính sách thuế đất nông nghiệp không nhất thiết phải đánh cao, nhưng chắc chắn phải đánh ở mức độ nào đó. Để nếu nông dân không làm thì phải cho chuyển đổi. Đây là động lực để thị trường bất động sản nông nghiệp hình thành và giao dịch được”, ông Dũng đề xuất.
Lấy ví dụ về thực trạng phát triển bất động sản nông nghiệp ở Mỹ, TS. Lê Xuân Nghĩa cho biết, ở Mỹ, đất đai là tư hữu, không được tập trung như ở Đông Nam Á, mà chủ yếu là thuộc sở hữu của từng hộ gia đình. Ở quốc gia này, quy hoạch đất nông nghiệp cực kỳ chặt chẽ. Họ có luật bảo hiểm sở hữu tư nhân về đất đai. Tức là bảo hiểm quyền sở hữu đất của nông dân.
Bảo hiểm sở hữu này là công cụ cơ bản nhất để nông dân Mỹ có thể dùng đất nông nghiệp để thế chấp vay ngân hàng hoặc mua bán, chuyển đổi quyền sở hữu. Khi giao dịch, có các tổ chức về môi giới, tư vấn… Sau đó, lập báo cáo về thực trạng đất và bắt buộc chủ đất phải khắc phục những tồn tại, hoặc khắc phục đồng thời với quá trình giao dịch, thì giao dịch mới thành công.
Ở Mỹ, cấp phép cho nông dân được quyền bỏ hoang đất nông nghiệp theo cách "trả tiền cho để bỏ hoang". Nghĩa là họ được quyền gieo trồng bao nhiêu phần trăm diện tích đất để giữ giá nông sản không bị xuống quá thấp, sản xuất không bị dư thừa… Mọi sự thay đổi nhỏ đều phải được các cơ quan xem xét rất kỹ lưỡng, vì họ coi đất nông nghiệp là nguồn sống, là tài nguyên của nhiều thế hệ mai sau.
Trong khi đó, Việt Nam rất đặc thù. Khi chia đất nông nghiệp cho dân, không có quyền sở hữu nên không có quyền "mua đứt, bán đoạn". Từ đó mới xuất hiện hình thức thuê lại. Song, những người đi thuê đất không yên tâm khi bỏ tiền ra nhưng không được sở hữu. Bỏ tiền ra đầu tư quy mô lớn nhưng không biết nay mai có thay đổi gì không?
Về tín dụng, ông Nghĩa cho biết, ở Mỹ gần như nông thôn nào cũng phải thế chấp đất để vay vốn ngân hàng. Ở Việt Nam, chỉ có thế chấp nhà chứ không thế chấp ruộng. Điều đó chứng tỏ, ngân hàng không coi ruộng là tài sản thực sự. Chính xác là chưa có thị trường chuyển nhượng đất nông nghiệp thực sự.
Đây là vấn đề mà theo ông Nghĩa, Việt Nam cần thay đổi nếu muốn thị trường bất động sản phát triển minh bạch.
Theo đó, phải để ruộng trở thành tài sản đảm bảo để nông dân có thể vay vốn. Đồng thời, phải có đạo luật, bảo hiểm về quyền sở hữu. Đó là cơ sở để mua bán, chuyển nhượng, thế chấp, cho thuê đất nông nghiệp.
-
Bất động sản nông nghiệp: “Miếng bánh” hấp dẫn nhưng khó “xơi”
CafeLand - Tại buổi hội thảo “Kiến tạo thị trường bất động sản nông nghiệp: Thực trạng và kiến nghị chính sách” diễn ra ngày 26/12, nhiều chuyên gia nhận định lĩnh vực này còn nhiều tiềm năng và có xu hướng phát triển mạnh trong thời gian tới. Vấn đề cốt lõi là cần khai thông chính sách để thu hút được nhiều nguồn lực trong và ngoài nước đầu tư.